Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) triệu tập đại hội cổ đông bất thường vào ngày 22/10/2016 để bàn về thay đổi liên quan chức danh Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật. ĐHCĐ bất thường năm 2016 được triệu tập sau khi Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà nghỉ hưu từ ngày 1/9/2016, ngân hàng BIDV chưa có lãnh đạo chính thức bổ nhiệm vị trí Chủ tịch này. Thời gian chốt danh sách cổ đông chỉ cách 5 ngày ra quyết định triệu tập cuộc họp gấp gáp này. Trước đó, BIDV dự kiến sẽ lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, song sau đó quyết định tổ chức họp.Tại ĐHCĐ bất thường này, Hội đồng quản trị BIDV sẽ trình cổ đông xem xét về đề nghị bác bỏ nội dung “Chủ tịch Hội đồng Quản trị là người đại diện pháp luật của BIDV” và “đại diện cho BIDV trong quan hệ tố tụng, tranh chấp, giải thể, phá sản”.Đại hội dự kiến sẽ thông qua việc sửa đổi khoản 5, điều 2 có nội dung thành “Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của BIDV”.Hiện tại, BIDV vẫn chưa bầu bổ sung thành viên HĐQT và bầu chức danh Chủ tịch HĐQT. Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, ông Trần Anh Tuấn được giao phụ trách điều hành hoạt động của Hội đồng Quản trị ngân hàng kể từ ngày 1/9.Về hoạt động kinh doanh, BIDV hiện chưa công bố báo cáo tài chính quý 3/2016. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Tp.HCM, BIDV dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng khoảng 5.300 tỷ đồng, giảm 4,24% so với cùng kỳ và hoàn thành 67% kế hoạch cả năm. Riêng quý 3, dự báo BIDV lãi 2.000 tỷ đồng, giảm 17,25% so với cùng kỳ. Tính đến tháng 6/2016, tổng tài sản của BIDV đạt 930.000 tỷ đồng.Ở ĐHCĐ thường niên hồi tháng 4/2016, các cổ đông cũng chất vấn HĐQT về vấn đề xử lý nợ xấu, nhất là liên quan đến xử lý nợ ở nhóm khách hàng lớn như Hoàng Anh Gia Lai (khoảng 10.500 tỷ đồng). Tuy nhiên, ông Trần Bắc Hà khi đó cho biết, HAG là "con nợ sòng phẳng nhất", tức thực hiện nghĩa vụ trả nợ đầy đủ và BIDV cũng như hơn chục chủ nợ ngân hàng đang nỗ lực để cơ cấu nợ cho HAG vì doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường cao su rớt giá thảm hại...Vấn đề xử lý khối nợ xấu rất lớn của BIDV thời gian qua, trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu cũng như kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức cao... được cổ đông chờ đợi ở ĐHCĐ bất thường ngày 22/10 tới đây.Ngoài ra, một vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của cổ đông là đề xuất của Bộ Tài chính yêu cầu BIDV phải thực hiện chia cổ tức của năm 2015 bằng tiền mặt, để nộp về ngân sách nhà nước. Đề xuất này được truyền thông đưa tin sau khi ĐHCĐ thường niên diễn ra đã nhất trí biểu quyết không chia cổ tức năm 2015, dù trước đó dự kiến tỷ lệ cổ tức 8%. Từ đó đến nay, phía lãnh đạo BIDV không lên tiếng bình luận gì về đề xuất "đòi" chia cổ tức này của Bộ Tài chính.
Hải Hà