“Biến” nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn thành khu đô thị: “Không cẩn thận sẽ mang tai tiếng hai lần”

“Mục đích nhà nước di dời nghĩa trang vì nó dơ là hợp lý, là phù với phát triển đô thị nhưng không nên có chủ trương kinh doanh trong việc này”, ông Nguyễn Văn Đực kiến nghị.
“Biến” nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn thành khu đô thị: “Không cẩn thận sẽ mang tai tiếng hai lần”

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa vốn được biết đến là nghĩa trang lớn nhất TP.HCM với tổng diện tích gần 45ha, nằm ở phường Bình Hưng Hòa và Bình Hưng Hòa A của quận Bình Tân, trên trục hai con đường chính là Tân Kỳ - Tân Quý và Bình Long.

Sau quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, dân cư mọc xung quanh khiến nghĩa trang nằm giữa khu dân cư. Lo ngại vấn đề ô nhiễm môi trường nên năm 2008, UBND TP.HCM ra quyết định giải tỏa nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Được biết, hiện nay TP.HCM đang đẩy mạnh việc thực hiện di dời mộ tại đây, sắp tới tổ chức đấu giá giao nhà đầu tư làm khu đô thị, xây dựng công viên cây xanh… Do đặc thù của khu đất là nghĩa trang rộng lớn nên hiện vấn đề này nhận được rất nhiều ý kiến của dư luận.

Dưới đây là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, người gắn bó với công tác quy hoạch, thiết kế nhiều dự án tại TP.HCM mấy chục năm nay, trong đó cũng có dự án tương tự như Bình Hưng Hòa.

“Biến” nghĩa trang lớn nhất Sài Gòn thành khu đô thị: “Không cẩn thận sẽ mang tai tiếng hai lần” ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Đực

Quan điểm của ông về việc quy hoạch, di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa và dự kiến sẽ biến thành khu đô thị?

Thứ nhất Bình Hưng Hòa không phải là nghĩa trang đầu tiên phải di dời nhường cho sự phát triển đô thị. Chúng ta có Công viên Lê Thị Riêng, Công viên Lê Văn Tám, khu Trung tâm thương mại triển lãm thể dục thể thao Tân Bình ở đường Hoàng Văn Thụ và khu nhà ở đường Xuân Hồng… tất cả cũng đều từ những khu nghĩa trang mà ra.

Chính sách của cơ quan quản lý là đẩy những gì không thuận lợi cho phát triển đô thị đi ra xa. Thí dụ các bến xe cũng phải đi ra xa, Tân Cảng - Cảng Sài Gòn cũng dời đi xa, rồi mai mốt ga Hòa Hưng, các nhà máy, một số bệnh viện, trường đại học cũng vậy. Nói chung di chuyển những khu vực không cần thiết ở nội thị đi ra xa, từng bước cũng phải đẩy ra hết đó là quy tắc chung rồi.

Ví dụ Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây trước đây đều ở đường Lê Hồng Phong. Sau đó, Thành phố thực hiện di dời đợt 1 là Bến xe Miền Tây dời qua quận 6 (gần cửa ngõ đi miền Tây), Bến xe Miền Đông quận Bình Thạnh (gần cửa ngõ đi các tỉnh miền Đông). Nhưng mà chúng ta sẽ di dời các bến xe đợt 2, đi xa hơn, qua chỗ rộng hơn nữa.

Trong quá trình phát triển đô thị, đường mở rộng ra, phải xây tầng cao lên, nhà hồi đó 2,3 tầng, rồi chung cư 5 tầng, 15 tầng và nay chung cư đã cao lên vài chục tầng. Sự phát triển đô thị phải bắt buộc thay đổi và những phần đất nào không phù hợp cho sự phát triển đô thị thì phải di dời ra. Tôi nói dông dài như vậy để thấy rằng sự di dời nghĩa trang là hợp lý chứ không có gì phải ngại ngùng.

Nhưng người Việt vẫn khá e ngại việc đụng chạm đến vấn đề mồ mả?

Ban đầu thì người ta có thể ngại, nhưng 5 năm 10 năm, ví dụ như chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình) hiện nay sung túc biết bao nhiêu mà thực ra hồi xưa khu đất đó cũng là nghĩa trang. Rồi nghĩa địa Pháp hiện nay là Trung tâm văn hóa Tân Bình.

Hay điển hình như những khu biệt thự nhà phố đường Xuân Hồng (Tân Bình), chính tôi là người tham gia công tác quy hoạch, thiết kế khu này. Tôi cho là đó là chuyện bình thường.

Vậy theo ông chúng ta cần lưu ý gì khi triển khai các hoạt động trên khu đất này?

Vấn đề còn lại đặt ra là xây dựng như thế nào, mục đích chính là gì. Ví dụ dùng quỹ đất cho phúc lợi công cộng nhiều hơn, trong đó mật độ công viên cây xanh có thể chiếm 50-70% còn mật độ nhà ở chỉ chiếm 10-20%, lúc đó người dân sẽ đồng thuận hơn. Còn nếu chúng ta xây nguyên khu đó thành một khu dân cư hết mà không có công trình phúc lợi thì người ta phản đối là đương nhiên.

Mục đích nhà nước di dời nghĩa trang vì nó dơ là hợp lý, là phù với phát triển đô thị nhưng đồng thời cũng nên không chủ trương kinh doanh trong việc này. Làm sao vừa đủ chi phí bồi thường di dời, làm hạ tầng thôi.

Chẳng hạn đầu tư vào đây 10.000 tỷ, bán đấu thầu, tạo ra rất nhiều chung cư rồi bán và thu về hàng chục ngàn tỷ thì lúc đó dễ mang tai tiếng.

Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta làm nghiêng về mục đích xã hội nhiều hơn kinh doanh. Tức là làm sao chỉ cần lấy thu bù chi chứ không đặt nặng lãi nhiều ở đây, để một con số lãi vừa đủ an toàn.

Ngược lại nếu chúng ta làm để kinh doanh quá nhiều, chưa kể chúng ta giao những khu đất này cho những “sân sau” hoặc bán chỉ định cho một số doanh nghiệp để doanh nghiệp trục lợi thì nhà nước sẽ mang tai tiếng hai lần. Một lần di dời người đã mất đi, chịu điều tiếng, thứ hai là trục lợi. Nên vấn đề là làm sao công tác quy hoạch khu này nghiêng về xã hội nhiều hơn là nghiêng về kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Theo Danh Phú/Bizlive.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...