Bộ Công Thương cho biết, đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17 cắt giảm, đơn giản hóa đơn giản hoá các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với 205 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Với việc xác định năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành chỉ thị số 03/CT-BCT ngày 17/1/2020 về việc tiếp tục rà soát để cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh và cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Với 446 thủ tục hành chính hiện có, Bộ Công Thương cũng đã phân cấp cho các địa phương thực hiện 152 thủ tục (132 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp tỉnh; 18 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp huyện, 2 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp xã).
Theo đó, 205 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa lần này tập trung trong lĩnh vực điện, ô tô, xăng dầu, gas, hóa chất, bia, thuốc lá, an toàn thực phẩm cũng như cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành.
Nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, được các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như trong lĩnh vực điện, ô tô, kinh doanh xăng dầu, kinh doanh gas, an toàn thực phẩm…
Cụ thể, Bộ Công Thương bãi bỏ nhiều điều kiện cấp giấy phép tư vấn giám sát thi công công trình nhà máy thủy điện, công trình nhà máy nhiệt điện cũng như điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương. Với lĩnh vực an toàn thực phẩm, nhiều điều kiện liên quan cấp Giấy phép mua bán sản phẩm thuốc lá, kinh doanh, sản xuất các sản phẩm thuốc lá, bia, khí, hóa chất cũng được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa….
Trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, Bộ Công Thương bãi bỏ các quy định liên đến việc người phụ trách kỹ thuật các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô phải có trình độ đại học trở lên, thuộc ngành cơ khí, ô tô và có kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô tối thiểu 5 năm. Hay các quy định đối với doanh nghiệp phải có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Cùng đó, đáp ứng đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy, chữa cháy…
Với điều kiện cấp giấy phép hoạt động phát điện, Bộ Công Thương bãi bỏ 2 quy định về các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định đạt yêu cầu kỹ thuật cũng như quy định liên quan hệ thống phòng cháy và chữa cháy của nhà máy điện được cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu theo quy định của pháp luật