Tại cuộc họp báo quý 3 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã trả lời câu hỏi của truyền thông liên quan tới việc quản lý các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt gần đây nhất là “làn sóng” sàn thương mại điện tử Temu.
Đối với vấn đề được truyền thông đặc biệt quan tâm là hoạt động của sàn Temu và những ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thương mại điện tử của nước ta, Thứ trưởng Tân cho biết, Bộ Công Thương đang giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát đánh giá tác động.
"Bộ Công Thương sẽ triển khai đề án để đảm bảo quản lý chặt chẽ, chống gian lận, hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử. Về giá cả, tôi cũng giật mình khi thấy giá của họ rẻ, nhưng phải điều tra, nghiên cứu cụ thể, vì chưa thể khẳng định giá đó thật hay không. Trước hết phải tôn trọng việc mua bán là thỏa thuận trên thị trường", ông Tân nói và cho hay sẽ có thông tin về kết quả và có giải pháp để kiểm soát phù hợp.
Trước khi có thông tin về việc Temu bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam, thì sàn thương mại này đã “làm mưa, làm gió” tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, một số quốc gia đã thể hiện thái độ không mấy thiện cảm với Temu như Indonesia đã cấm sàn này, hay một số nước cũng bày tỏ quan ngại trước sự ảnh hưởng của Temu với hoạt động kinh tế trong nước.
Hành lang pháp lý của nước ta cũng có sự kiểm soát chặt chẽ với hoạt động thương mại điện tử, cụ thể, theo quy định của Nghị định 85/2021/NĐ-CP về thương mại điện tử thì các sàn giao dịch thương mại điện tử khi hoạt động tại Việt Nam bắt buộc phải đăng ký.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng, riêng kênh thương mại điện tử hiện đang nổi lên, có ưu thế hơn, cần phải có giải pháp đặc thù hơn để xử lý và Bộ Công Thương không phân biệt hàng hóa nhập khẩu qua kênh truyền thống hay kênh thương mại điện tử đều phải có đánh giá kỹ tác động.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Tân nhìn nhận hàng hóa trên thương mại điện tử hiện nay có giá rất thấp, "ít tiền". Tuy nhiên, cùng với mức giá thì các vấn đề như mẫu mã, quy cách, thương hiệu, chất lượng cũng cần được xem xét, đánh giá chi tiết trên cùng một phân khúc. Từ đó xác định hàng hóa đó có gian lận, có phải là hàng giả, hàng nhái hay phá giá thị trường để có biện pháp quản lý.
Về giải pháp xử lý trước mắt, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng cho rằng cần bình tĩnh trước thực trạng trên để đánh giá kỹ lưỡng, tìm đúng nguyên nhân. Trường hợp là hàng giả, hàng nhái cần phải ngăn chặn không cho lưu thông; nếu là hàng phá giá, phải xử lý theo quy định phá giá thị trường. Còn nếu doanh nghiệp làm thật, tạo ra sản phẩm có giá cạnh tranh, thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường.
"Lúc đó có thể tính tới việc tạo hành lang về quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Cùng đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản xuất trong nước, rà soát các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nội địa. Hiện nay, Bộ Công Thương đã có đề án chung về các vấn đề này và đang triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ sản xuất trong nước", ông Tân khẳng định.
Temu là sàn bán lẻ thương mại điện tử xuyên biên giới được điều hành bởi công ty thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings (công ty mẹ của Pinduoduo, một trong những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ này ra mắt lần đầu tại Mỹ vào tháng 9/2022 và nhanh chóng mở rộng nhanh đến Canada, Australia, New Zealand và nhiều quốc gia ở châu Âu và Đông Nam Á.
Trang web Temu này kết nối người tiêu dùng, chủ yếu ở Mỹ, với các nhà sản xuất ở Trung Quốc, cho phép họ mua sản phẩm với mức giá thấp nhất. Một trong những lý do chính khiến Temu có thể đưa ra mức giá cực kỳ thấp là cách tiếp cận độc đáo nhằm trợ cấp chi phí vận chuyển. Không giống như nhiều nền tảng thương mại điện tử khác, Temu chịu chi phí vận chuyển cho khách hàng của mình, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Điều này cho phép người mua được hưởng mức giá thấp mà không có phí ẩn, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn so với các đối thủ cạnh tranh.