Thời gian qua, các doanh nghiệp Công thương, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tác động bởi đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cuộc sống, thói quen của con người, gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc các nhà sản xuất và người tiêu dùng phải thay đổi và thích ứng.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2023-2025, trong bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, được Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp quan trọng. Là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại, tăng tốc và phát triển.
Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong trên thế giới trong việc ban hành các chương trình và chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Ngoài ra, doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ còn được đặc biệt quan tâm phát triển khi được hỗ trợ kinh phí chuyển đổi số từ nguồn ngân sách nhà nước từ tháng 10 năm 2021.
Hành động này của Chính phủ đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số, đồng thời chiến lược đã tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vươn lên, tạo sự bứt phá nhờ hỗ trợ của cuộc cách mạng công nghệ.
Theo khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam năm 2020, thì tại Việt Nam, hơn 92% doanh nghiệp đã có sự quan tâm đến ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 10% trong số họ nhận định rằng việc chuyển đổi số đã thành công và có thể mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam đang chiếm phần đa số, ước tính chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp nhưng thực trạng đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ để chuyển đổi số còn chưa cao.
Khoảng hơn 90% doanh nghiệp trong số này chưa thực sự hiểu biết về chuyển đổi số và tầm quan trọng của chuyển đổi số, và hơn 70% số doanh nghiệp chưa biết bắt đầu từ đâu.
Đối với các doanh nghiệp ngành Công Thương, kết quả điều tra, khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 do Bộ Công Thương phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho thấy mức độ chuyển đổi số tại doanh nghiệp còn rất thấp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất.
Những hạn chế, khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình Chuyển đổi số bao gồm: Hạn chế về nhận thức, nhân lực triển khai Chuyển đổi số; Hạn chế về thông tin các giải pháp chuyển đổi số trên thị trường; Hạn chế về tiếp cận các nguồn tài chính nhằm triển khai chuyển đổi số; Hạn chế trong việc xây dựng hệ sinh thái tổng thể nhằm thúc đẩy chuyển đổi số.
Vì vậy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hợp tác với các đối tác cung cấp giải pháp chuyển đổi số uy tín trong công tác triển khai, xây dựng Hệ sinh thái Chuyển đổi số Công Thương.
Điều này sẽ tạo thêm một kênh hỗ trợ thiết thực và hiệu quả cho doanh nghiệp ngành Công Thương trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Qua đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua khó khăn thách thức, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số, góp phần đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế số hàng đầu tại khu vực.