Bộ Giao thông muốn quản lý được Uber, Grab như taxi truyền thống

Đây là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại cuộc họp bàn dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Bộ GTVT vừa tổ chức.
Bộ Giao thông muốn quản lý được Uber, Grab như taxi truyền thống

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 phải được soạn thảo chặt chẽ, nhất là những quy định liên quan tới việc quản lý loại hình Uber và Grab.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định hoạt động của Uber, Grab hiện nay bản chất là loại hình taxi ứng dụng công nghệ cao kết nối người dùng với lái xe, chủ hãng.

“ Vì vậy, phải sửa đổi nghị định để quản lý được hoạt động của Uber, Grab như một doanh nghiệp taxi hoạt động ở Việt Nam. Nếu không quản được theo hướng này thì chưa ban hành", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tổ soạn thảo phải xử lý được vấn đề trách nhiệm của Uber, Grab trong quản lý lái xe. Các đơn vị này phải ký hợp đồng lao động với tài xế, chịu trách nhiệm khi hoạt động xảy ra vấn đề như cướp giật, quên đồ.

 “Sử dụng công nghệ mới để hoạt động dịch vụ vận tải tôi rất hoan nghênh, nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật, đúng trách nhiệm các bên. Ngoài ra, hoạt động Uber, Grab cũng phải công khai minh bạch về giá cước, nộp thuế đầy đủ cho nhà nước. Đặc biệt, phải đảm bảo được an toàn cho người dân, không để người dân cảm thấy bất an khi đi loại hình này. Bất cứ sự việc gì xảy ra đối với người dân phải có cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Thể cũng đặt câu hỏi, nếu quy định Uber, Grab là taxi nhưng sau đó họ liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải khác để hoạt động không tuân theo loại hình taxi thì có quản lý được không?

Trả lời câu hỏi này, bà Trịnh Thị Hằng Nga - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT – cho rằng  cần quy định cụ thể trong nghị định, dự đoán được các tình thế có thể xảy ra để quản lý. Bởi khi nghị định đã ban hành thì thông tư không được quy định khác nghị định.

Liên quan đến việc nhận dạng xe hợp đồng điện tử, ông Trần Bảo Ngọc- Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, dự thảo nghị định có quy định xe hợp đồng điện tử phải dán logo của nhà cung cấp ứng dụng. Tuy nhiên, chính Hiệp hội taxi đề nghị bỏ vì nếu dán logo là  quảng cáo cho đơn vị cung ứng phần mềm.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2017, Bộ GTVT đã trình Chính phủ Dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 86.

Dự thảo liên quan sát sườn tới 24.580 doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vận tải ô tô này đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ sau khi đã lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị liên quan (tháng 7/2016); các bộ, ngành (tháng 4/2017). Đây cũng là lần chỉnh sửa nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải thứ 3, kể từ khi Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có hiệu lực.

Theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, mục tiêu chính sửa đổi Nghị định lần này nhằm quản lý tốt hơn loại hình kinh doanh vận tải bằng hợp đồng sử dụng phần mềm kết nối cũng như tình trạng “xe dù, bến cóc”.

Theo Tổ biên tập Nghị định, Nghị định số 86 có quy định tổng số 49 điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Sau khi rà soát, Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Nghị định thống nhất sẽ không đưa những nội dung đã quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 vào nội dung dự thảo thay thế; chuyển những nội dung mang tính chất tổ chức, quản lý hoạt động sang Chương II đồng thời loại bỏ những điều kiện không còn phù hợp với điều kiện thực tế.

Một điểm bổ sung rất đáng chú ý khác tại Dự thảo Nghị định là Bộ GTVT đã công nhận hợp đồng vận tải điện tử là hợp pháp, bên cạnh loại hợp đồng giấy trong quy định về loại hình kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa theo hợp đồng.

Cụ thể, Dự thảo Nghị định quy định hợp đồng vận tải điện tử là việc ứng dụng phần mềm trên nền tảng website hoặc ứng dụng di động, ứng dụng mở khác để thực hiện việc kết nối cung cấp dịch vụ vận chuyển giữa doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch, taxi và kinh doanh vận tải hàng hóa với người thuê vận tải.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối hợp đồng vận tải điện tử để được coi là hoạt động hợp pháp phải thỏa mãn 10 điều kiện, trong đó, đáng chú ý là việc không được cung cấp dịch vụ kết nối hợp đồng vận tải điện tử cho hộ kinh doanh vận tải, phương tiện cá nhân và các phương tiện không kinh doanh vận tải. Các đơn vị này cũng phải có biểu trưng (logo) của đơn vị mình và cung cấp cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải để niêm yết theo quy định (kích thước tối thiểu của logo là 90 mm x 80 mm).

Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện hợp đồng vận tải điện tử, có tới 11 điều kiện gia nhập thị trường. Ngoài việc phải cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin tối thiểu của chuyến đi, các đơn vị kinh doanh vận tải theo hợp đồng vận tải phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản giao kết hợp đồng của hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ tài chính.

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...