Bộ Giao thông vận tải không đồng ý giảm giá dịch vụ cất hạ cánh trong năm 2023

Theo Bộ Giao thông vận tải, chưa đủ cơ sở để xem xét giảm giá dịch vụ cất/ hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa năm 2023 bởi nguồn thu từ dịch vụ này cho chi phí bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng hàng không còn hạn chế...
giá dịch vụ cất/hạ cánh
Các hãng hàng không kiến nghị giảm 50% giá dịch vụ cất hộ cánh để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch

Bộ Giao thông vận tải vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn tại cuộc họp về kiến nghị giảm giá dịch vụ cất/hạ cánh đối với chuyến bay nội địa năm 2023.

Theo đó, Bộ Giao thông vận tải thống nhất chưa đủ cơ sở xem xét giảm giá dịch vụ cất/ hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa năm 2023.

Dẫn số liệu của Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải cho biết, sản lượng vận chuyển nội địa năm 2023 dự kiến đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm 2022 và tăng 22% so với năm 2019. Như vậy, thị trường vận tải nội địa đã và đang phục hồi như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Ngoài ra, nguồn thu từ dịch vụ cất/ hạ cánh để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định. Tuy nhiên, nguồn thu hiện nay còn đang hạn chế, cần cân đối để bố trí cho công tác sửa chữa, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại các cảng hàng không đảm bảo khai thác an toàn.

Do đó, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn giao Tổng Công ty Cảng hàng không và Cục Hàng không rà soát, đánh giá lại hiện trạng khu bay tại các cảng hàng không để xây dựng kế hoạch sửa chữa, bảo trì cho phù hợp

Trước đó, một số hãng hàng không trong nước đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét tiếp tục áp dụng chính sách giảm 50% phí cất/ hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa trong năm 2023 để hỗ trợ cho các hãng tăng nguồn lực phục hồi.

Cụ thể, theo dự báo của các hãng này, năm 2022 và dự kiến năm 2023, các hãng hàng không vẫn chịu áp lực giá dầu leo thang cộng với các nguy cơ tiềm ẩn về khủng hoảng kinh tế, lạm phát trên thế giới.

Do đó, năm 2023 dự báo vẫn là năm khó khăn với ngành hàng không Việt Nam khi thị trường quốc tế dự kiến mới chỉ hồi phục ở mức 80% so với năm 2019. Trong bối cảnh đó, các hãng hàng không dự kiến khó có thể kinh doanh có lãi về vận tải hàng không.

Do đó, các hãng hàng không vẫn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua việc tiếp tục duy trì các giải pháp chính sách hỗ trợ về chi phí, đảm bảo khả năng cạnh tranh khi có sự tham gia ngày càng đông của các hãng hàng không quốc tế. Điều này nhằm hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và trong thời gian trước mắt.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm