Trong đó đáng chú ý, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cho phép sử dụng lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia công tác kiểm định xe cơ giới tại các Trung tâm đăng kiểm.
Cùng với đó, Bộ này cũng đề xuất cho phép các phương tiện quá hạn đăng kiểm trong vòng 15 ngày được phép di chuyển đến các đơn vị đăng kiểm để thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định. Các phương tiện này không được chở người, hàng hóa, kinh doanh vận tải.
Để khẩn trương tháo gỡ khó khăn, ùn tắc đăng kiểm, Bộ giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải sớm nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 139/2018/NĐ-CP (Nghị định 139) theo trình tự, thủ tục rút gọn để cập nhật, bổ sung các quy định phù hợp với tình hình hiện nay và xu thế phát triển.
Trong thời gian xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết tình hình ùn tắc kiểm định xe ô tô.
Cụ thể, đối với các quy định hiện hành, tại khoản 1 Điều 7 quy định "Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao”. Bộ đề nghị áp dụng: "Mỗi đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phải bố trí 1 đăng kiểm viên bậc cao, mỗi dây chuyền kiểm định phải bố trí đăng kiểm viên có đủ năng lực thực hiện được đầy đủ các công đoạn kiểm tra".
Tại điểm b khoản 2 Điều 14 quy định có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ Giao thông vận tải quy định, nay đề nghị áp dụng tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ Giao thông vận tải quy định. Trường hợp học viên đã có kinh nghiệm trực tiếp thực hiện công tác bảo dưỡng, sửa chữa tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô từ 36 tháng trở lên, từ 24 tháng đến dưới 36 tháng, từ 12 tháng đến dưới 24 tháng (có xác nhận của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng) thì thời gian thực tập tối thiểu tương ứng lần lượt là 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng”.
Tại khoản 3 Điều 19 đề nghị áp dụng trường hợp đăng kiểm viên đã bị thu hồi giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 6 Điều 18 Nghị định 139 (bao gồm các đăng kiểm viên đã nghỉ hưu theo chế độ) được đánh giá lại để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm viên".
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị không áp dụng điều 26 quy định số lượng xe cơ giới được kiểm định của đơn vị đăng kiểm được cấp giấy chứng nhận kiểm định trong ngày (tính trong 8 giờ làm việc) phải thỏa mãn đồng thời các quy định: Trường hợp một đăng kiểm viên kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 xe; trường hợp nhiều đăng kiểm viên cùng kiểm tra một xe trên dây chuyền kiểm định thì số lượng xe không quá 20 lần số lượng đăng kiểm viên. 2. Không quá 90 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại I và không quá 70 xe đối với một dây chuyền kiểm định loại II. Trường hợp dây chuyền kiểm định loại II chỉ sử dụng để kiểm định xe cơ giới có khối lượng phân bố lên mỗi trục đơn đến 2.000 kg thì số lượng xe kiểm định được áp dụng như đối với dây chuyền loại I.
“Sự điều chỉnh này, nhằm không giới hạn công suất để phát huy hết năng lực của đơn vị đăng kiểm. Cho phép các đơn vị đăng kiểm đã bị đình chỉ hoạt động (thời hạn 1 tháng hoặc 3 tháng theo quy định tại Điều 10 Nghị định 139) được hoạt động trở lại nếu đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định tại Nghị định 139”, Bộ Giao thông vận tải giải thích.
Tình trạng ùn tắc trong quá trình đăng kiểm xe ô tô đã diễn ra nhiều tháng trở lại đây. Bởi lẽ, Cơ quan Công an đã tiến hành điều tra, phát hiện một số sai phạm trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông và nhiều trung tâm đăng kiểm đã phải đóng cửa. Tại Hà Nội, đến sáng nay (10/3), chỉ còn 8/31 trung tâm đăng kiểm hoạt động.