Bộ Giao thông vận tải tăng cường thủ tục mở rộng cao tốc 2 làn xe lên 4 làn xe

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư mở rộng một số tuyến từ 2 làn xe lên 4 làn xe và từ 4 làn xe lên 6 làn xe...

Bộ Giao thông vận tải tăng cường thủ tục mở rộng cao tốc 2 làn xe lên 4 làn xe
Bộ Giao thông vận tải tăng cường thủ tục mở rộng cao tốc 2 làn xe lên 4 làn xe

Bộ Giao thông vận tải đã nhận được kiến nghị của cử tri huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai về một số đoạn cao tốc đã đưa vào khai thác nhưng chỉ có hai làn xe, các đoạn này không có làn dừng khẩn cấp, chỉ thiết kế điểm dừng khẩn cấp.

Thực tế cho thấy, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông do các phương tiện bị hư hỏng phải dừng khẩn cấp ở làn đường xe chạy. Do vậy cử tri đề nghị sớm bố trí nguồn lực để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường cao tốc, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện di chuyển.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong thời gian qua, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và đầu tư phát triển đường bộ cao tốc nói riêng là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên việc phân kỳ đầu tư là giải pháp phù hợp.

Điều này, vừa bảo đảm phù hợp quy hoạch, tiêu chuẩn thiết kế, nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt, vừa bảo đảm khả năng cân đối vốn và để sớm triển khai xây dựng được nhiều tuyến cao tốc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Giao thông vận tải đã tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để xem xét phân kỳ đầu tư đối với một số tuyến có nhu cầu vận tải trong thời gian đầu khai thác chưa cao.

Đối với các tuyến có nhu cầu vận tải cao đã được đầu tư ngay theo quy mô hoàn chỉnh như tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Dầu Giây - Phan Thiết, cầu Mỹ Thuận 2...

Các tuyến cao tốc được đưa vào khai thác trong thời gian qua đều đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu vận tải, phát huy hiệu quả rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giải quyết ùn tắc tại các đô thị lớn và góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Song, việc vận hành các tuyến cao tốc có quy mô phân kỳ đầu tư còn một số hạn chế như: phân kỳ đầu tư với bề rộng mặt cắt ngang đường 2 làn xe, không bố trí dải phân cách giữa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đường 4 làn xe với dải dừng xe khẩn cấp không liên tục có nguy cơ gây ùn tắc trong trường hợp xảy ra sự cố nếu không xử lý kịp thời; tốc độ khai thác chưa cao.

Để khắc phục hạn chế trong vận hành, khai thác đường bộ cao tốc có quy mô phân kỳ, tăng cường an toàn giao thông, nâng cao tốc độ khai thác và hiệu quả đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, Bộ Giao thông vận tải đã và đang khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể,

Bộ có văn bản đề nghị các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản các dự án cao tốc rà soát, báo cáo phương án triển khai đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc phân kỳ đầu tư để Bộ tổng hợp đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, xây dựng, ban hành Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc trong quý 1 năm 2024, trong đó quy định về quy mô đầu tư giai đoạn phân kỳ cần đáp ứng tối thiểu 4 làn xe hoàn chỉnh, bố trí đầy đủ làn dừng xe khẩn cấp và đầu tư đồng bộ các công trình phục vụ khai thác như hệ thống giám sát, điều hành giao thông, trạm dừng nghỉ... bảo đảm thuận lợi, an toàn, nâng cao tốc độ trong quá trình vận hành, khai thác.

Bên cạnh đó, Bộ đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục đầu tư mở rộng một số tuyến từ 2 làn xe lên 4 làn xe và từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Trình Quốc hội thông qua Luật Đường bộ tại Kỳ họp thứ 7, trong đó có cơ chế cho phép mở rộng, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa đường bộ cao tốc theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT để huy động nguồn lực ngoài ngân sách tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông...

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...