Đề xuất không trả lại vốn đầu tư công trên được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng ngày 1/12.
Theo đó, tính đến hết tháng 11/2022, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công mới chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (63,86%). Tuy nhiên số tuyệt đối giải ngân năm 2022 cao hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 43,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 14,8%.
Có 6 cơ quan trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; 5 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhìn nhận, tiến độ giải ngân 11 tháng vẫn chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do những nguyên nhân đã tồn tại nhiều năm nhưng chưa xử lý dứt điểm, như giải phóng mặt bằng, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án chưa tốt, năng lực nhà thầu, Ban Quản lý dự án còn nhiều hạn chế, vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa được phát huy đầy đủ, một số quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư công còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...
Điều đáng nói, Chính phủ hiện đã lập 6 tổ công tác để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng đến gần hết năm vẫn còn khoảng 41,67% kế hoạch chưa giải ngân. Thậm chí có đơn vị xin trả lại vốn đầu tư công năm 2022.
Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Bộ Kế hoạch đầu tư kiến nghị Chính phủ không cho trả lại kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2022. Đồng thời chỉ đạo Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương và các cấp chính quyền địa phương coi đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là điều kiện để xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của năm 2022 của người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.