Bộ Tài chính đòi tăng thuế xăng dầu, chuyên gia kêu sửa Nghị định 83

Để phù hợp với thông lệ quốc tế, cơ chế điều hành giá xăng dầu phải tiệm cận hơn so với thị trường, phải thay đổi căn bản theo tư tưởng của Luật Giá.
Bộ Tài chính đòi tăng thuế xăng dầu, chuyên gia kêu sửa Nghị định 83

Bộ Tài chính mới có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường, trong đó có đề xuất thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng là 4.000 đồng/lít và mặt hàng dầu là 2.000 đồng/lít. Lý do Bộ Tài chính đề xuất tăng khung thuế đối với mặt hàng xăng dầu là do việc thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do.

Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị nên tiếp tục sửa đổi một số điều trong Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu theo hướng thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhất là khi các cam kết từ Hiệp định thương mại song phương và đa phương của Việt Nam với các nước đã và đang được thực thi.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), vấn đề sửa đổi Nghị định 83 cũng đã được Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đặt ra, các bên có liên quan cũng đã bắt tay vào bàn và tổ chức các cuộc họp để có các đề xuất để sửa đổi.

Petrolimex không đề xuất nhiều các điểm sửa đổi lớn, chủ yếu sửa đổi mang tính chất chi tiết, kỹ thuật cập nhật cơ chế kinh doanh các sản phẩm mới như mặt hàng xăng sinh học E5RON92.

Theo đó, Petrolimex đã đề xuất sửa đổi về quy trình, thủ tục, phê duyệt kê khai giá, đăng kí giá cũng như đề xuất quy định công thức, phương thức xác định giá bán của một số các vùng thị trường. Đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa cần phải có sự hỗ trợ, trợ giá cũng như đề xuất một số điều chỉnh nhỏ hơn về nguyên tắc vận hành đối với quỹ bình ổn giá; phân quyền cho các thương nhân đầu mối trong một phạm vi định giá cho phép, không cao hơn mức giá cơ sở được công bố…

Cũng theo ông Dũng, là một doanh nghiệp tương đối trọng yếu, mặt hàng kinh doanh liên quan đến vấn đề cách tính, công thức, định mức cũng như vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt… đến nay chưa được đồng bộ giữa đầu vào và đầu ra…Chính vì thế, Petrolimex đã có văn bản chính thức gửi Bộ Tài chính để xem xét và có các giải pháp cho doanh nghiệp cũng như thị trường.

“Hiện nay điều hành xăng dầu hoàn toàn tuân thủ theo Nghị định 83. Chính vì thế, chừng nào chưa cập nhật, sửa đổi Nghị định 83 ở một số nhóm vấn đề mang tính kỹ thuật thì thị trường vẫn có thể vận hành tiếp tục như hiện nay. Những gì doanh nghiệp đề xuất cũng cần sửa đổi cho kỹ càng hơn, chi tiết hơn nữa để bám vào thực tiễn thị trường”, ông Dũng bày tỏ quan điểm.

Nhận xét về quá trình điều hành thị trường xăng dầu theo Nghị định 83, chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long cho rằng Nghị định 83 bên cạnh những mặt tích cực hiện vẫn đang tồn tại những bất cập, trong đó bất cập lớn nhất là về thuế.

Cụ thể là thuế nhập khẩu xăng dầu trong bối cảnh Việt Nam kí kết rất nhiều Hiệp định Thương mại tự do khác nhau, ở mỗi khu vực khác nhau sẽ có các mức thuế khác nhau. Nhưng hiện nay theo quan điểm của Bộ Tài chính tính thuế theo cách tính bình quân gia quyền và trên thực tế áp dụng cách tính này còn nhiều vấn đề, cũng như cơ chế cấu thành giá cơ sở cần xem xét cho hợp lý.

“Sửa đổi Nghị định 83 được xem là vấn đề cấp thiết hiện nay. Công luận đòi hỏi việc sửa đổi Nghị định một cách nhanh chóng để làm sao đưa Nghị định vào phục vụ cuộc sống, phù hợp với cơ chế thị trường, trong đó việc sửa đổi cần làm nhất là sửa đổi cơ chế điều hành giá”, TS. Ngô Trí Long chỉ rõ.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, điều lớn nhất mà Nghị định 83 mang lại cho thị trường xăng dầu Việt Nam là thực hiện được cơ chế thị trường dưới sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo nguồn cung xăng dầu chưa bao giờ bị đứt đoạn mặc dù sản lượng xăng dầu thế giới nhiều lúc đã có những biến động nhất định. Cùng với đó, giá xăng dầu trong nước hiện nay cũng đã tiệm cận được với những biến động của thị trường xăng dầu thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển, hội nhập và phù hợp với thông lệ quốc tế, cơ chế điều hành giá xăng dầu đòi hỏi phải tiệm cận hơn so với thị trường, phải thay đổi căn bản theo tư tưởng của Luật Giá, tức là Nhà nước điều tiết giá mà không phải quản lý giá.

“Hướng cải tiến vẫn có vai trò của Nhà nước để điều tiết giá, nhưng sự điều tiết phù hợp với thị trường hơn. Từ đó, doanh nghiệp vừa được bảo đảm quyền theo Luật Doanh nghiệp, vừa chủ động tìm bạn hàng, thời gian, giá cả mua bán, phương thức thanh toán theo hướng hợp lý để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng”, ông Thỏa cho biết.

Về phía Bộ Công Thương khi được hỏi quá trình thực hiện sửa đổi Nghị định 83, Bộ này cho biết, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án sửa đổi Nghị định số 83.

Trong đó, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sửa đổi, bãi bỏ một số điều nhằm tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính đối với điều kiện kinh doanh như quy định về lộ trình đầu tư, sở hữu của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; Bãi bỏ điều kiện sản xuất xăng dầu, điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu; quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, quy hoạch thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu…

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm