Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 31/10 về việc vì sao Bộ Công Thương quyết định chuyển hồ sơ vụ Khaisilk cho cơ quan điều tra.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, trên thực tế, sau khi có báo cáo tổng hợp về vụ việc này của các cơ quan chức năng, trong đó có báo cáo từ các đơn vị liên quan của Bộ Công Thương, cộng thêm các thông tin, dấu hiệu, chứng cứ vi phạm pháp luật của Khaisilk cho thấy các hành vi vi phạm của doanh nghiệp này cũng như các cửa hàng kinh doanh sản phẩm của Khaisilk là nghiêm trọng.
"Theo Bộ trưởng, các hành vi như làm giả nhãn mác cho các sản phẩm nhập từ nước ngoài, lừa dối và gây ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng, vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh khác nhau đã đủ các yếu tố để cấu thành phạm pháp hình sự. Về quy mô cũng như các mức độ của hành vi vi phạm này đã vượt quá ngưỡng xử lý vi phạm hành chính, đủ điều kiện để chuyển các cơ quan điều tra về kinh tế để làm rõ.
Liên quan đến vụ việc này, chiều 30/10/2017, tại Trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường chỉ đạo đơn vị chức năng ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự sang Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội đối với cơ sở kinh doanh hàng dệt may do bà Nguyễn Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, địa chỉ số 113 Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành bao gồm đại diện các cơ quan liên quan: công an, hải quan, thuế, khoa học công nghệ, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng và các đơn vị trong Bộ để tiến hành kiểm tra, làm rõ những vấn đề liên quan đến dấu hiệu vi phạm về nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.
Như tin đã đưa trước đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có Báo cáo số 3009/BC-QLTT gửi Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) kết quả kiểm tra cửa hàng KhaiSilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm).
Theo báo cáo, cửa hàng 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể số 01c8003643, do UBND quận Hoàn Kiếm cấp.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga thừa nhận, cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất.
Tuy nhiên, do sơ suất trong quản lý, trước nhu cầu hàng hóa tăng đột biến vào dịp 20/10, nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc Made in China sau đó khâu nhãn KhaiSilk Made in Việt Nam để bán cho khách hàng.
Tổng số hàng hóa cơ sở đã mua về và thay nhãn là 60 chiếc, đã bán 4 chiếc, còn tồn 56 chiếc. Giá niêm yết sản phẩm là 644.000 đồng/chiếc, tổng giá trị hàng hóa vi phạm là hơn 36 triệu đồng.
Điều đáng nói, trái ngược với kết luận trên, ngày 23/10, trên trang Facebook cá nhân của một khách hàng đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “made in China” và trao đổi với báo chí ngay sau đó, doanh nhân Hoàng Khải, ông chủ của Tập đoàn Khaisilk - người đã từng được lên trang bìa của Forbes Việt Nam (số tháng 12/2013) đã thừa nhận những sản phẩm trên là hàng nhập từ Trung Quốc.
Ông này cúi đầu xin lỗi khách hàng và hứa bồi thường thiệt hại, thậm chí đã thừa nhận việc Khaisilk nhập khăn Trung Quốc và bán lẫn với khăn của Việt Nam từ giữa những năm 90 khi ngành sản xuất tơ lụa của Việt Nam suy thoái sau khi người mua phát hiện chiếc khăn lụa mang thương hiệu Khaisilk có tới 2 nhãn mác một là “Made in China” và một là “Made in Vietnam”.
Tiếp đó, Bộ Công Thương ngày 26/10 đã đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên. Trường hợp, nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý.