Kết thúc phiên giao dịch ngày 23/3, thị trường ghi nhận 5 ngân hàng có giá trị vốn hóa cao nhấtgồm: Vietcombank (VCB); BIDV (BID); VPBank (VPB); VietinBank (CTG); Techcombank (TCB). Cả 5 ngân hàng này đều đang niêm yết cổ phiếu trên HOSE và tổng vốn hóa chiếm tới hơn 1 triệu tỷ đồng.
Trong đó, Vietcombank vẫn là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất ngành với mức 429.239 tỷ đồng, bỏ xa mức 232.186 tỷ đồng của ngân hàng BIDV đứng liền sau.
Đứng vị trí thứ ba là ngân hàng VPBank với giá trị vốn hóa hiện tại là 141.321 tỷ đồng. Trong khi tuần trước, giá trị vốn hóa của VPBank vẫn chỉ đứng thứ tư, tức xếp sau Vietinbank. Song như đã nói, ở thời điểm hiện tại VPBank đã vượt xa mức vốn hóa 137.925 tỷ đồng của Vietinbank.
Việc vốn hoá của VPBank diễn ra trong bối cảnh thị giá cổ phiếu ngân hàng này liên tục tăng. Cụ thể, mới đây, Bloomberg ra tin VPBank sẽ bán 15% vốn cho SMBC (Nhật Bản) với giá 1,4 tỷ USD và dự kiến hoàn tất ngay trong tháng 3. Ngay sau thông tin này, vốn hóa VPBank tăng vọt gần 8.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch ngày 13/3. Sang phiên 14/3, trong khi thị trường chứng khoán rung lắc mạnh, cổ phiếu của VPBank vẫn tiếp tục nhích lên.
Trong một báo cáo của công ty chứng khoán VNDirect cho biết, thương vụ bán vốn của VPBank cho SMFG sẽ có giá trị khoảng 38.000 tỷ đồng và sẽ đưa VPBank trở thành ngân hàng thương mại có vốn chủ sở hữu lớn thứ hai Việt Nam, ở mức 135.000 tỷ đồng, chỉ sau Vietcombank. Định giá VPBank sẽ ở mức 215 nghìn tỷ đồng, tương đương 9,1 tỷ USD.
Tỷ lệ CAR của VPBank sẽ được cải thiện lên 20,5% so với 14,8% cuối năm 2022. Đây là một trong những tiêu chí để VPBank có khả năng nhận được room tín dụng ở mức cao từ Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023. Năm ngoái, ngân hàng mẹ VPBank được giao hạn mức 31%, cao nhất hệ thống.
Công ty chứng khoán VCBS cũng cho rằng VPBank sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao trong năm 2023 do động lực từ việc tiếp nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém.
Quay lại bảng xếp hạng vốn hoá ngành nhân hàng, đứng ở vị trí thứ năm là ngân hàng Techcombank với giá trị vốn hóa là 92.151 tỷ đồng. Nói thêm về ngân hàng này, còn nhớ hồi đại hội cổ đông năm 2021, lãnh đạo ngân hàng từng tuyên bố sẽ đạt vốn hoá 20 tỷ USD trong năm 2025. Vào thời điểm đó, vốn hoá của Techcombank vào khoảng 6 tỷ USD (khoảng 140.000 tỷ đồng). Như vậy, dường như kế hoạch tăng vốn hoá của ngân hàng chưa có tiến triển, mà thậm chí còn đang có xu hướng đi thụt lùi như đã nói.
Xét về tình hình kinh doanh của các ngân hàng trên, trong năm 2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng Vietcombank đạt 37.358 tỷ đồng, tăng gần 36% so với năm trước và tiếp tục giữ vị trí quán quân về lợi nhuận ngành ngân hàng. Chi phí dự phòng rủi ro trong năm được cắt giảm 17,5% so với năm trước, tương đương khoảng 2.000 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản ngân hàng Vietcombank đạt 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm trước. Cho vay khách hàng tăng 19,2% lên 1,1 triệu tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 9,5%, đạt 1,2 triệu tỷ đồng. Số dư nợ xấu tăng 27,6% lên 7.808 tỷ đồng.
Năm 2022, ngân hàng BIDV cũng có kết quả kinh doanh với mức tăng trưởng lợi nhuận bứt phá. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 23.190 tỷ đồng, tăng đến 70% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 0,9%. Tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt 245%, cũng là mức cao nhất trong các năm gần đây. Không những vậy, BIDV còn là ngân hàng thương mại đầu tiên sở hữu quy mô tổng tài sản kỷ lục, vượt mốc 2 triệu tỷ đồng và tiếp tục là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.
Còn tại ngân hàng VietinBank, đà tăng trưởng có phần chậm hơn khi lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2022 ước đạt 20,5 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp dưới 1,2%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu xấp xỉ 190%; tăng 10% so với năm 2021. Thu hồi nợ xử lý rủi ro rất tích cực với kết quả thu hồi nợ gốc lãi tăng hơn 60% so với số thu năm 2021.
Ngân hàng VPBank ghi nhận lợi nhuận năm 2022 tăng 47,7%, đạt 21.219 tỷ đồng. Tổng tài sản VPBank đạt 631.074 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 23,4% lên 438.338 tỷ đồng. Nợ xấu hợp nhất VPBank là 4,73% trong khi với ngân hàng riêng lẻ, tỷ lệ này tăng từ 1,98% năm 2021 lên 2,19%.
Kế đó, ngân hàng Techcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 25,6 nghìn tỷ đồng. Tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh của Techcombank năm 2022 đạt 40,9 nghìn tỷ đồng trong năm qua, tăng 10,3% so với năm 2021.
Cuối năm 2022, tổng tài sản Techcombank đạt 699 nghìn tỷ đồng, tăng 22,9% so với năm 2021. Tổng dư nợ tín dụng đạt 14,5% theo đúng chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước cấp, với danh mục tín dụng tiếp tục được chuyển dịch từ cho vay doanh nghiệp lớn sang cho vay cá nhân, giảm thiểu rủi ro danh mục và tăng hiệu quả sử dụng. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 40,1%, đạt 226,5 nghìn tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 7,3% so với cùng kỳ, đạt 69,4 nghìn tỷ đồng.