Bộ Xây dựng nói gì về “sức khỏe” sa sút của Lilama?

Dù là nhà thầu EPC từng thi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhưng những năm gần đây, tình hình kinh doanh của Lilama cho thấy sự đi xuống rõ rệt. Từ mức doanh thu 19.196 tỷ đồng của năm 2017 đến năm 2019 chỉ còn 7.041 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng nói gì về “sức khỏe” sa sút của Lilama?

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) trước đây là doanh nghiệp do Bộ Xây dựng sở hữu 100% vốn, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, gia công, chế tạo thiết bị cho các công trình dân dụng và công nghiệp. Năm 2015, Tổng công ty phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 35,5 triệu cổ phần.

Kết quả, chỉ hơn 1 triệu cổ phần được bán thành công với giá bình quân 10.362 đồng/cp. Công ty chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 4/2016, từ đó đến nay chưa tiến hành tăng vốn điều lệ. Tính đến cuối quý I/2020, Tổng công ty có vốn điều lệ 797,2 tỷ đồng do Bộ Xây dựng sở hữu 97,88%.

Kinh doanh bết bát

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục 120 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhà nước năm 2020, trong đó có Lilama. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Lilama dự kiến sẽ giảm từ mức 97,88% về 51% nhưng kết quả kinh doanh của Lilama trong những năm gần đây lại đang là băn khoăn lớn nhất đối với giới đầu tư.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 đã kiểm toán, doanh thu của Lilama ghi nhận 7.042 tỷ đồng, giảm 47,5% so với năm 2018 (doanh thu năm 2018 là 13.412 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế năm 2019 là âm 86 tỷ đồng, năm 2018 âm 182 tỷ đồng. Tổng tài sản của Lilama tính từ ngày 31/12/2019 là 8.175 tỷ đồng, giảm 37% so với năm 2018.

Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất của Lilama cho thấy tình hình cũng không mấy khả quan khi kết thúc quý I/2020 doang thu của Tổng công ty giảm một nửa so với cùng kỳ chỉ đạt 1.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4,2 tỷ đồng, giảm 36%.

Tổng tài sản tính đến cuối quý I/2020 đạt 7.669 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả chiếm 85%, ở mức 6.546 tỷ đồng, bằng 5,8 lần vốn chủ sở hữu.

Về tình hình tài chính, đáng chú ý là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Lilama trong cả năm 2018 và 2019 đều âm với số tiền lần lượt là 834 và 962 tỷ đồng. Tình trạng này còn kéo dài tới quý I/2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Lilama âm tới 187 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái còn dương 256,8 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm của Lilama một phần bắt nguồn từ các khoản phải thu khó đòi. Tính đến cuối quý I/2020, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của Lilama lên đến 1.174 tỷ đồng. Trong đó có những khoản phải thu lớn từ Ban điều hành Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (260,3 tỷ đồng), CTCP Lisemco (359,8 tỷ đồng), CTCP Lilama 45.1 (hơn 130 tỷ đồng). Lisemco từng là công ty con của Lilama (đã thoái toàn bộ vốn vào năm 2019), còn Lilama 45.1 là doanh nghiệp hiện do Lilama nắm giữ 36% vốn. Việc không đòi được tiền tiềm ẩn nguy cơ Lilama khó thu hồi 1.174 tỷ đồng.

Hiện tại, quỹ công việc dự kiến năm 2020 từ các dự án mà Tổng công ty đã ký hợp đồng và đang triển khai gồm: Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, Dự án Nhà máy phân bón A/U tại Brunei, Dự án điện Nghi Sơn 2, Dự án khí Nam Côn Sơn 2, Dự án hóa dầu Long Sơn, Dự án điện Vân Phong 1… Lilama đang đẩy nhanh tiến độ và kỳ vọng các dự án này có thể giúp cải thiện kết quả kinh doanh năm 2020.

Cổ đông lớn lên tiếng

Lý giải về việc doanh thu và tài sản giảm, Bộ Xây dựng cho biết năm 2019, Lilama đã thoái vốn tại 7 công ty. Trong đó thoái hết tại 3 công ty và thoái một phần vốn từ công ty con xuống thành công ty liên kết tại 4 công ty.

Cuối năm 2019, Lilama còn 5 công ty con và 11 công ty liên kết trong khi cuối năm 2018 có 10 công ty con và 10 công ty liên kết. Năm 2019, do số lượng công ty con giảm dẫn đến doanh thu và tài sản hợp nhất giảm.

Cũng theo Bộ Xây dựng, trong những năm qua, thị trường xây lắp, chế tạo trong nước không thuận lợi, cùng với đó, các dự án đầu tư công đình hoãn, giãn tiến độ làm cho thị trường công việc trong nước đối với ngành xây lắp vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của Lilama.

Cụ thể, năm 2018 và 2019 gần như không có các dự án lớn trong nước triển khai (ngoài dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2), vì vậy doanh thu của Lilama đã tụt giảm mạnh.

Doanh thu có được năm 2018, 2019 chủ yếu vẫn đến từ các dự án triển khai trước năm 2017 và đi vào giai đoạn cuối của dự án như dự án nhiệt điện Sông Hậu 1; Dự án nhiệt điện Thái Bình 2; Dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng...

Ngoài ra, năm 2019 dù hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ -Lilama vẫn có lãi (lợi nhuận sau thuế 63 tỷ đồng) nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2019 vẫn âm 86 tỷ đồng. Nguyên nhân theo Bộ Xây dựng, là do một số công ty con, công ty liên kết hoạt động thua lỗ, trong đó có Công ty CP Lisemco lỗ lớn với 183 tỷ đồng. Đến đầu năm 2019, Lilama đã hoàn thành việc thoái vốn tại công ty này nên lỗ của doanh nghiệp này không còn ảnh hưởng đến kết quả hợp nhất của Lilama.

Trước thực trạng khó khăn trên, Bộ Xây dựng cho biết đã chỉ đạo doanh nghiệp tập trung quyết toán, thu hồi công nợ còn tồn đọng kéo dài tại các dự án. Riêng tại dự án nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, dự án đã vận hành hiệu quả trên 5 năm, hết thời gian bảo hành 3 năm nhưng khoản công nợ chủ đầu tư PVN chưa thanh toán cho Lilama là gần 1.416 tỷ đồng.

Ngoài ra, Lilama sẽ tái cấu trúc toàn diện cùng với việc thoái vốn tại một số công ty con, công ty liên kết, khoản đầu tư không hiệu quả.

Xem thêm

Lilama thoái hết vốn tại Lilama 10 và Lilama 69-3

Lilama thoái hết vốn tại Lilama 10 và Lilama 69-3

Ngày 26/2/2019, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã tổ chức phiên bán đấu giá hơn 4 triệu cổ phần của hai công ty là Công ty Cổ phần Lilama 69-3 và Công ty Cổ phần Lilama 10, thu về hơn 110 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm