CTCP BOT Cầu Thái Hà (mã: BOT) công bố BCTC quý IV/2019 với doanh thu đạt gần 6,9 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán ghi nhận 21,3 tỷ đồng, ngoài ra công ty còn phải cõng chi phí lãi vay 26,7 tỷ đồng khiến công ty ghi nhận khoản lỗ ròng 41,5 tỷ đồng.
Khoản lỗ của quý IV đã nâng tổng số lỗ của công ty trong năm 2019 lên 170 tỷ đồng Đây cũng là năm đầu tiên BOT Cầu Thái Hà bắt đầu ghi nhận kết quả kinh doanh.
Kết quả này cách xa so với kế hoạch kinh doanh được BOT Cầu Thái Hà thông qua trong năm 2019 tổng doanh thu và lãi sau thuế lần lượt 400 tỷ và 5,73 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản mục lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh của công ty âm gần 83,2 tỷ đồng chủ yếu do chi trả lãi vay gần 106 tỷ đồng. Công ty không mua sắm thêm tài sản cố định (năm trước hơn 111,4 tỷ đồng).
Nguồn tiền trong năm được duy trì chủ yếu nhờ khoản tăng từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ 85 tỷ đồng. Toàn bộ khoản 85 tỷ đồng này được công ty sử dụng để thanh toán các khoản vay và nợ thuê tài chính.
Trên BCTC công ty còn thể hiện, tính đến cuối năm 2019 tổng nợ phải trả của chiếm tới 77,5% tổng nguồn vốn, gấp khoảng 3,5 lần vốn chủ sở hữu, chủ yếu là vay và vợ thuê tài chính dài hạn hơn 1.022 tỷ đồng.
CTCP BOT Cầu Thái Hà là doanh nghiệp được thành lập do liên doanh góp vốn từ 3 nhà đầu tư là Công ty TNHH Tiến Đại Phát – CTCP Tư vấn và Xây dựng Phú Xuân – CTCP Đầu tư và XNK Bình Minh để đầu tư xây dựng dự án công trình cầu vượt Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối 2 tỉnh Thái Bình và Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Dự án có tổng mức đầu tư 1.709 tỷ đồng, thử nghiệm thu phí từ tháng 5/2018 và chính thức thu phí từ ngày 10/2/2019. Tuy nhiên, theo báo cáo từ phía công ty, lưu lượng xe qua cầu ít, phí thu được chưa đủ bù đắp chi phí hoạt động.
Các cổ đông lớn của BOT gồm: ông Ngô Tiên Cương là người đại diện Công ty TNHH Tiến Đạt Phát sở hữu 23,79 triệu cổ phần BOT (tương đương gần 60% vốn) đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT của BOT Cầu Thái Hà; ông Ngô Tiến Cường (anh trai ông Cương) sở hữu hơn 569 ngàn cổ phần; bà Nguyễn Thị Lan Hương nắm giữ hơn 1,86 triệu cổ phần (6,81%); CTCP CNC Capital Vietnam hơn 8,4 triệu cổ phần (21%) và CTCP PIV gần 4,18 triệu cổ phần (10,44%).
Trái ngược với kết quả kinh doanh, trên sàn chứng khoán cổ phiếu BOT lại đang duy trì ở mức giá rất cao. BOT Cầu Thái Hà đưa cổ phiếu lên sàn từ giữa tháng 2/2019 ngay khi cầu Thái Hà chính thức thu phí với giá tham chiếu 10.000 đồng/cp. Ngay sau đó cổ phiếu này đã tạo nên "cơn sốt" khi tăng một mạch gần gấp 6 lần giá chào sàn, sau đó giảm nhẹ và hiện giao dịch quanh mức 55.800 đồng/cp như hiện nay, gấp 5,5 lần giá chào sàn.
Trước đó, cổ đông lớn nhất của BOT Cầu Thái Hà là Công ty TNHH Tiến Đạt Phát có ý định bán 10 triệu cổ phần của ty ngay sau 3 tháng lên UPCoM. Tuy nhiên, giao dịch này không thành công.