BOT Quốc lộ 6 bế tắc vì nhà đầu tư không góp đủ vốn

Do không đóng đủ 100% vốn chủ sở hữu, Bộ Giao thông Vận tải doạ sẽ huỷ hợp đồng BOT tại dự án BOT Quốc lộ 6 Hoà Lạc - Hoà Bình...
BOT Quốc lộ 6 bế tắc vì nhà đầu tư không góp đủ vốn

Năng lực nhà đầu tư là vấn đề nghiêm trọng nhất đối với tiến độ của dự án BOT Quốc lộ 6 Hoà Lạc - Hoà Bình.

Dự án này có tổng mức đầu tư 2.989,12 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc được chỉ định làm nhà đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). 

Theo hợp đồng liên danh, Tổng công ty 36 (đứng dầu liên danh) phải góp 149,6 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Hà Nội phải góp 130,9 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc góp 93,5 tỷ đồng.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới đây cho thấy, sau khi đã góp đủ vốn chủ sở hữu, công ty BOT lại không sử dụng vốn để thực hiện dự án mà chuyển lại cho các nhà đầu tư trong liên danh vay với số tiền là 226 tỷ đồng. "Việc sử dụng vốn như vậy là không đúng quy định", Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Giới trong ngành nhìn nhận, để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, liên danh nhà đầu tư sẽ góp vốn chủ sở hữu đầy đủ theo đúng quy định. Tuy nhiên, do tình hình tài chính, năng lực có vấn đề, nên xảy ra trường hợp khi được cấp chứng nhận rồi, nhà đầu tư vay lại vốn đã góp để làm ăn. Điều này, dẫn đến ngân hàng dừng giải ngân, kéo theo tiến độ dự án bị chậm.

Ông Lưu Việt Khoa, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 2 cho hay, đến nay, dự án đã chậm tiến độ hơn một năm so với hợp đồng BOT.

Nguyên nhân chủ yếu do nhà đầu tư không có tiền để triển khai khi ngân hàng SHB (đơn vị tài trợ vốn tín dụng) dừng giải ngân trong thời gian dài.

"Một trong những điều kiện để ngân hàng tiếp tục giải ngân là các nhà đầu tư phải huy động đủ 100% vốn chủ sở hữu", ông Khoa nói và cho biết, ngoài Tổng công ty 36 hiện đã đóng đủ 100% vốn chủ sở hữu (149,6 tỷ đồng), hai doanh nghiệp còn lại trong liên danh nhà đầu tư vẫn còn thiếu 89 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. 

Cụ thể, Công ty Trường Lộc mới nộp 72,7/93,5 tỷ đồng và Công ty Hanco còn thiếu 68 tỷ đồng trong số 130,9 tỷ đồng vốn chủ sở hữu phải đóng vào doanh nghiệp dự án.

Tại cuộc họp kiểm điểm về tình hình thực hiện dự án BOT Quốc lộ 6 Hoà Lạc - Hoà Bình ngày 31/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể khẳng định, đến thời điểm này, các nhà đầu tư dự án đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng ban đầu đã ký với Bộ Giao thông Vận tải.

"Bộ Giao thông Vận tải cảnh cáo các nhà đầu tư lần đầu tiên. Nếu tiếp tục không có giải pháp khắc phục, Bộ sẽ hủy hợp đồng với nhà đầu tư và mọi hậu quả do vi phạm hợp đồng bị hủy sẽ căn cứ vào hợp đồng để xem xét trách nhiệm của các bên liên quan", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Ban quản lý dự án 2 giám sát việc nộp tiền của các nhà đầu tư. Thời gian tối đa là 10 ngày để các nhà đầu tư nộp đủ vốn chủ sở hữu. Nếu tình hình huy động vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không đảm bảo, phải báo cáo Bộ giải pháp đề xử lý hợp đồng dự án.

"Đường Hòa Lạc - Hòa Bình không xong vào 31/8, Vụ Đối tác công tư và Ban quản lý dự án 2 phải làm đề xuất hủy hợp đồng BOT và không cho nhà đầu tư thu phí trên quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình", Bộ trưởng Thể nói.

Trao đổi thêm với VnEconomy, ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP), khẳng định, nếu tiếp tục vi phạm đến mức hợp đồng dự án bị chấm dứt, nhà đầu tư sẽ chỉ được hoàn trả 80% số tiền đã bỏ ra, còn 20% sẽ bị tịch thu.

Dự án đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT dài 43,4km gồm hai hợp phần: Tuyến đường làm mới Hòa Lạc - Hòa Bình dài 25,7km và hợp phần cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,36km.

Hợp phần cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình đã hoàn thành từ tháng 4/2015 và thu phí từ 20/10/2015. 

Còn hợp phần tuyến đường làm mới Hòa Lạc - Hòa Bình đã chậm tiến độ hơn 1 năm.

 Theo Vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...