Bữa cơm đầu trên đất Mẹ

Chuyến bay đưa 343 công dân Việt Nam từ Canada về nước đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Vân Đồn. Không tiếng vỗ tay và cũng không tiếng ồn ào thường thấy sau mỗi chuyến bay dài...

Bởi, ai cũng ý thức rằng, còn quá sớm để vui khi con virus vô hình có thể còn lởn vởn theo chân ai đó.

Tạm biệt nhé, mùa tuyết trắng

Chúng tôi lên máy bay rời Toronto lúc trời hửng sáng, khi cơn mưa tuyết đầu mùa trút xuống nhiều vùng trong tiểu bang Ontario. Toronto cũng được dự báo đón cơn mưa tuyết vào cuối ngày. Lại một thời kỳ dài Canada chìm trong băng giá! 

Check in tại sân bay
Check in tại sân bay

Chặng bay êm ả với một điểm dừng chân 1 tiếng tại Tokyo để tiếp nhiên liệu, ai cũng nặng trĩu nỗi niềm riêng. Bỏ lại phía sau những ngổn ngang trăm mối, những căng thẳng tột độ về đỉnh dịch, nỗi lo lắng về sự chia ly không ước hẹn ngày về… cảm xúc dường như bị dồn nén trong sự yên lặng. Nỗi lo bầm lại. Nỗi đau cũng bầm lại. Những căng thẳng trùng dần, lặn sâu cùng những suy tư.

Mấy ngày trước, khi được Đại sứ quán Việt Nam tại Canada gửi thư xác nhận có tên trong chuyến bay hồi hương, tôi và con trai đã lặng người vì sung sướng. Nói không ngoa, lên đến máy bay rồi vẫn còn chút bàng hoàng. Có lẽ chỉ người đi xa, trong những hoàn cảnh thật đặc biệt mới hiểu cảm giác này. Trong gần 5 tháng qua, mẹ con tôi đã mòn mỏi chờ chuyến bay có tên mình trong phập phồng hy vọng. Chuyến một, hai rồi đến chuyến thứ chín, thêm nhiều công dân được đón về, nỗi buồn trong tôi lớn dần lên vì “Tổ quốc chưa gọi tên mình”. Dù vậy, niềm tin “Chính phủ không bỏ rơi ai” không dập tắt hy vọng của tôi. Người bị kẹt lại Canada còn nhiều lắm và mỗi người đều có những lý do rất đặc biệt để trở về.

Đoàn người chuẩn bị lên máy bay
Đoàn người chuẩn bị lên máy bay

Thương nhất là các du học sinh, đặc biệt là các em học phổ thông. Khi đại dịch xảy ra, người bản xứ, từ Chính phủ đến người dân chưa hẳn đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với đại dịch nCoV. Có người sợ quá mà hoàn toàn ngăn cách xã hội. Người khác thì căng thẳng đến nhập viện…

Nhìn chung là họ lo cho chính mình. Du học sinh bị mất nơi học, chỗ ở… và rơi vào tình trạng bơ vơ. Chúng như những chú chim non trong cơn bão tuyết. Một số em được cha mẹ khuyến khích bay về ngay trong những chuyến cứu hộ đầu tiên.

Số khác “dạt” vào với người quen, bạn bè để tìm nơi ẩn nấp. Người may mắn thì được chủ nhà, người giám hộ tiếp tục cho tá túc với điều kiện tuân thủ nghiêm ngặt quy định của Chính phủ trong đại dịch. Người không may mắn, lại chưa gây được thiện cảm với chủ nhà thì còn nước khóc không ra tiếng.

Có em học lớp 12 ở Vancouver, tranh thủ nghỉ kỳ mùa xuân đến Ontario thăm bạn thì dịch bùng phát, thế là hết đường quay về vì phong tỏa, vì ký túc xá của trường đóng cửa. Bạn em thuê phòng trong ngôi nhà của một gia đình. Thế là hai đứa trẻ vừa qua tuổi 18 ấy nương vào nhau giữa mùa dịch, trong cảnh ai có thân người nấy lo, giữa những ngôi nhà, những gian phòng “cửa đóng then cài” với con tim vốn lạnh lùng lại thêm phần xa cách.

Nhìn các em ngơ ngác đến tội nghiệp. Những cơn bão tuyết cuối cùng tan đi, xuân – hè đến ào ạt, đi ào ạt, rồi khi mùa thu rùng rùng kéo đến thì các em được gọi tên về. Giờ thì họ đã êm ấm bên mẹ cha, ríu rít với bạn bè mình trên các phố phường Hà Nội.

Không khí yên lặng bao trùm trên khoang máy bay

Không khí yên lặng bao trùm trên khoang máy bay

Gọi là cứng cáp hơn một chút so với các học sinh phổ thông, các em du học sinh cao đẳng, đại học vẫn lâm vào cảnh khó khăn cùng cực. Cũng ký túc xá đóng cửa, việc học gián đoạn, thời gian sau có lấp chỗ trống bằng học online thì cũng thiệt thòi vì tiền học không hề giảm mà chất lượng thì không thể bằng học tập trung.

Em nào từng vừa học vừa làm, đạt thu nhập 5.000 $ trong năm 2019 thì còn được chính phủ hỗ trợ tiền mất việc trong đôi ba tháng, còn lại thì trắng tay trong khi chi phí thuê nhà, sinh hoạt thì không hề giảm. Nếu ở quê nhà, bố mẹ em cũng lâm cảnh khó khăn do dịch, không hỗ trợ được em thì ôi thôi, chưa bao giờ thấm thía câu “sểnh nhà ra thất nghiệp” đến thế.

Chuẩn bị rời máy bay xuống sân bay Vân Đồn
Chuẩn bị rời máy bay xuống sân bay Vân Đồn

Bó chân bó tay, căng thẳng và… bất lực. Bố, mẹ mất không kịp về chịu tang. Lòng cồn cào lửa đốt vì bố hay mẹ ốm nặng, hay cơ sở kinh doanh ở nhà đang gặp vấn đề vì đại dịch… Đó là nỗi niềm chung của nhóm doanh nhân đầu tư sang Canada.

Anh X là một tên tuổi trong giới đầu tư bất động sản ở TP. Hồ Chí Minh có cơ sở làm ăn tại Toronto. Mấy tháng đại dịch đã khiến mái đầu anh bạc trắng, mặt hằn thêm rất nhiều những nếp nhăn. “Tôi biết là bây giờ về cũng rất khó khăn. Hơn nữa, mặc dù thiệt hại rất nhiều, tôi vẫn không nỡ bỏ lại vợ con gồng gánh nhau trong đại dịch thế này”. Anh X chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ với anh X, anh T - mái đầu cũng bạc trắng chỉ sau vài tháng, đêm đêm bật dậy nhìn trần nhà vì đường kinh doanh bị nghẽn đột ngột do dịch. Mới đây anh đã đáp chuyến bay cứu hộ thứ chín để trở về, vì bố anh ốm nặng, đang cắm ống thở đợi con.

Cái con virus covid 19 thực sự tai quái, tai quái đến không ai có thể ngờ!

Tổ quốc gọi tên mình

Làn sóng dịch thứ ba tại Canada bùng phát mạnh chưa bao giờ hết với hơn 5 ngàn ca mắc mới mỗi ngày. Bên kia biên giới, nước Mỹ cũng đang sôi sục bởi khoảng 170 ngàn ca mắc mới mỗi ngày, bởi sự rối loạn hậu bầu cử tổng thống. Nằm sát nách Mỹ, Canada chắc chắn phải hứng thêm những căng thẳng từ bên Mỹ phả sang, dù biên giới giữa hai nước còn chưa được mở lại.

Khử trùng hành lý
Khử trùng hành lý

Sức chịu đựng của bản thân tôi dường như đã đến giới hạn cuối cùng. Giữa lúc đó thì hai mẹ tôi nhận được…thư từ đại sứ quán báo có tên về trong chuyến cứu hộ thứ mười. Lòng rưng rưng những xúc cảm không gọi thành tên.

Lần đầu nhìn thấy máy bay mang thương hiệu Vietnam Airlines trên sân bay Toronto Pearson, thật khó để ngăn dòng nước mắt. Có ai đã từng tuyệt vọng vì bị chia cắt với phần ruột thịt của mình thì mới hiểu được cảm giác của chúng tôi lúc này. Chúng tôi đã ra đi, đã gặp đại họa chung của toàn thế giới, giữa lúc nguy hiểm nhất thì được đón về nhà mình. Mừng lắm và tủi cũng vô cùng.

Nhập cảnh
Nhập cảnh

Vietnam Airlines lúc này là đại diện cho Tổ quốc của chúng tôi. Sự hiện diện của thương hiệu quốc gia tại nơi đây mang ý nghĩa vô cùng lớn: Không chỉ thực hiện chuyến bay đón đồng bào mình về nước, nó còn là nền tảng thuận lợi cho đường hàng không giữa Việt Nam và Canada sau này.

343 con người mặc quần áo bảo hộ màu xanh lặng lẽ bước lên máy bay. Các tiếp viên cũng mặc đồ bảo hộ như chúng tôi, nhẹ nhàng hướng dẫn mọi người vào ghế ngồi. Máy bay chở chúng tôi kiêu hãnh hướng lên bầu trời rồi vút qua những đám mây ngũ sắc, bỏ lại đằng sau nỗi niềm cay đắng của cả 343 con người. Bữa ăn chủ yếu là các loại bánh, sữa được dọn ra. Vì đã chuẩn bị tinh thần “thời chiến” từ trước nên mọi người cũng hạn chế ăn uống, hạn chế nói và cả đi vệ sinh để phòng tránh virus lây lan càng kỹ càng tốt.

Dù máy bay và toàn bộ hành lý đã được khử khuẩn, phòng vệ sinh cũng liên tục được chiếu tia cực tím như phòng phẫu thuật... nhưng tâm lý mọi người là “cẩn thận vẫn hơn” - không chỉ bảo vệ bản thân mà còn có trách nhiệm bảo vệ đồng bào mình.

Chúng tôi đã gần như ngồi yên lặng trong 20 tiếng bay và 1 tiếng dừng ở Tokyo để nạp nhiên liệu như thế.

Bữa cơm đầu tiên

Lần đầu tiên tôi đặt chân đến sân bay quốc tế Vân Đồn. Có lẽ “quốc tế” chỉ mới là tên gọi thôi chứ hạ tầng còn thua xa Nội Bài, lại thêm không khí vắng lặng với chỉ vài ba chiếc Bamboo và “con đại bàng” Vietnam Airlines vừa đáp xuống. Hàng không quốc tế đang kỳ lụn bại và các hãng hàng không Việt Nam quả thực cũng lao đao vì con virus quái ác.

Bữa ăn được đưa đến cửa mỗi phòng
Bữa ăn được đưa đến cửa mỗi phòng

Vài tiếng nhập cảnh, khử trùng hành khách lẫn hành lý, kiểm tra y tế, phân loại nhóm cách ly tại khách sạn Bảo Minh Radiant – thành phố Hạ Long và nhóm cách ly tại doanh trại quân đội ở Hải Dương và Hà Nam, đoàn chúng tôi chia thành 3 ngả khác nhau để về khu cách riêng.

Trước khi vào khách sạn Bảo Minh, lại kiểm tra y tế, khử trùng hành lý, chúng tôi mới được nhận phòng. Thời gian từ lúc máy bay hạ cánh đến khi vào được phòng khách sạn mất đúng 6 tiếng. Đoàn cách ly ở Hải Dương và Hà Nam có lẽ mất nhiều thời gian hơn bởi chặng đường từ sân bay Vân Đồn về hai nơi đó xa hơn về Hạ Long.

Bữa ăn đầu tiên tại khách sạn Bảo Minh
Bữa ăn đầu tiên tại khách sạn Bảo Minh

Bữa cơm đầu tiên sau nhiều tháng xa quê hương quả thật ngon chưa từng thấy. Chúng tôi như kẻ bị bỏ đói quá lâu, dù đồ ăn thức uống bên Canada đâu có thiếu gì. Chỉ là đậu rán, thịt kho tàu, nộm bắp cải, canh mồng tơi nấu với trai và cơm trắng – món ăn quê mùa dân dã mà sao mang đậm hương vị quê hương. Đã quen với nhịp sống Canada, đã quen với kiểu “ăn cho có, uống chỉ để đã khát”, mẹ con tôi phải dặn nhau “ăn từ từ thôi để cảm nhận hương vị của món ăn”. Đầu bếp của khách sạn thật tâm lý, đã nấu cho cả đoàn 150 con người những món ăn dân dã, ngon nghẻ và chỉ ở Việt Nam mới đủ đầy hương vị. Vốn là người đa cảm nên khi nuốt thức ăn, tôi như đang nuốt cả hồn quê hương Việt Nam, nuốt cả nỗi nhớ mẹ nhớ cha vào lòng. Không biết có ai chung xúc cảm như tôi không?!

Một giấc ngủ dài bù cho chặng đường mệt mỏi vì quá sức. Tôi vén rèm cửa nhìn ra vịnh Hạ Long. Bên tay phải là đường dẫn vào đảo Tuần Châu nổi tiếng. Trước mặt là những hòn đảo lô nhô ẩn hiện trên vịnh. Sóng biển xôn xao như bài ca tự tình muôn thuở… Một thoáng bàng hoàng, tôi và con đã trở về quê nhà.

Xem thêm

Canada và chuyện săn nhà "mùa Covid"

Canada và chuyện săn nhà "mùa Covid"

Chưa bao giờ ở khu vực Bắc Mỹ mà mùa mua/bán nhà lại diễn ra kỳ lạ thế này. Ngay cái tên gọi cũng được gắn với đại dịch trăm năm có một: Buy/sell house "mùa Covid".
Canada: Sóng ngầm giữa khúc giao mùa

Canada: Sóng ngầm giữa khúc giao mùa

Mùa hè ở Canada vốn đã rất ngắn thì nay vì con covid – lại càng ngắn. Suốt mấy tháng xuân, hè trong cảnh lock down vì dịch, đầu tháng 9, chính phủ vừa cho phép mở cửa, người dân vội vã đổ ra đường, cố vớt những ngày hè tươi đẹp còn sót lại...
Mùa thu Canada - Chén đầy trong ngày đại tiệc

Mùa thu Canada - Chén đầy trong ngày đại tiệc

Đại dịch lần 2 đã chính thức quay trở lại Canada với số ca nhiễm tăng nhanh từng ngày. Ontario cũng như một số tỉnh bang khác lại bước vào thời kỳ lock down mới. Lòng ai nấy đều lo âu. Chỉ có mùa thu là vẫn hồn nhiên khoe sắc.

Có thể bạn quan tâm

Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền trao thưởng cho các hộ nông dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất giỏi tại Buôn Eana

20 năm kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana: Vẹn một chữ tình!

Chương trình kết nghĩa giữa Phân bón Bình Điền và buôn Eana không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ vật chất, mà còn tạo ra một mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ công nhân viên của công ty và người dân, cùng nhau vượt qua nhiều thử thách, xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đoàn kết và phát triển…

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Vì sao quế được xem là một trong những gia vị tốt nhất thế giới?

Không chỉ có hương vị độc đáo và tinh tế, quế còn mang lại hàng loạt lợi ích sức khỏe như hỗ trợ giảm viêm, hạ đường huyết và cải thiện sức khỏe tim mạch. Từ xưa đến nay, loại gia vị luôn được đánh giá là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các chế độ ăn uống lành mạnh…