Canada và chuyện săn nhà "mùa Covid"

Chưa bao giờ ở khu vực Bắc Mỹ mà mùa mua/bán nhà lại diễn ra kỳ lạ thế này. Ngay cái tên gọi cũng được gắn với đại dịch trăm năm có một: Buy/sell house "mùa Covid".
Canada và chuyện săn nhà "mùa Covid"

Có một mùa xuân không giống mọi mùa xuân

Mùa xuân hàng năm thường là mùa khởi sắc của thị trường nhà đất ở Canada. Xuân sang, tuyết dù chưa tan hết, trên các khu dân cư đã thấp thoáng biển House for sale. Mùa buy/sell house thường diễn ra sôi nổi từ tháng 4 đến hết tháng 10, khi những chiếc lá thu cuối cùng được thả xuống nền tuyết trắng.

Năm nay, vừa qua tháng 1, biển bán nhà đã bắt đầu xuất hiện trong các khu dân cư. Lý giải về điều nay, anh Long Vũ – một chuyên viên môi giới nhà (agent) của công ty Welcome Home Realty, hoạt động tại khu vực Toronto - cho rằng, có ba nguyên nhân chính để người ta cắm biển sớm: Một là người bán đã gần như hết kiên nhẫn khi thị trường nguội lạnh suốt gần 3 năm qua. Hai là sau kỳ bầu cử, Chính phủ của ông Justin Trudeau tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa với người nhập cư (dự kiến 350 ngàn người trong năm 2020). Lượng người nhập cư tăng đồng nghĩ với việc nhu cầu mua nhà tăng và giá cả cũng tăng theo. Ba là trên thị trường đã phong thanh tin ngân hàng sẽ “nhả phanh”, giảm lãi suất cho các khoản vay mua nhà (mortgage). Đây là một tín hiệu vui với người có nhu cầu sở hữu nhà bởi hầu hết người mua đều dựa vào khoản vay từ ngân hàng. Cũng phải nói thêm rằng, người Canada có việc làm, thu nhập ổn định sẽ được ngân hàng xét duyệt tiền vay mua nhà lên đến 90% giá trị ngôi nhà, thời gian vay trong 30 năm.

Bên kia địa cầu, Corona virus đang hoành hành tại Trung Quốc lục địa, bắt đầu lan sang các khu vực lân cận. Tại Bắc Mỹ, người ta nói đến loại virus đó với một thái độ bàng quang, đánh đồng nó với dịch virus cúm thường diễn ra vào mùa đông - xuân ở Mỹ và Canada.

Open house đông như hội chợ - một điều bất thường hiếm thấy trong thị trường nhà đất Toronto khi mùa xuân mới chỉ bắt đầu. Giá nhà đất cũng nóng lên thấy rõ. Nhiều ngôi nhà được treo biển bán từ tháng 12 năm 2019, nay giá được điều chỉnh tăng khoảng trên 10%.

Theo ông John Pasalis, chủ tịch công ty thống kê Realosophy brokerage, giá nhà đang tiếp tục xu hướng tăng tới 14,5%. Số lượng bán hàng cũng tăng 18% so với năm trước cùng thời điểm.

Đó chưa phải là điều đáng ngạc nhiên nhất. Cái khiến cho người viết bài này “mắt chữ O, mồm chữ A” là, nhiều ngôi nhà được bán với giá cao hơn giá list hàng chục ngàn $ hoặc thậm chí vài trăm ngàn $.

Tuần cuối cùng của tháng 3, thông tin về đại dịch Covid 19 dồn dập ập tới, đặc biệt là sau lệnh đóng cửa biên giới, sân bay… một lượng nhà không nhỏ trên danh mục bán hàng lặng lẽ được gỡ xuống.

Điệu nhảy "Tango"

Em họ tôi trước đây đã có nhiều năm làm việc cho các tổ chức nước ngoài ở Việt Nam. Cô đến Canada vào mùa hè năm ngoái theo diện "Federal Skilled Worker". Có agent Long Vũ là người Việt nên cô cũng yên tâm gửi gắm việc tìm mua nhà để ổn định cuộc sống.

Ngôi nhà detached (biệt thự đơn lập) đầu tiên mà anh Vũ đưa chúng tôi đến nằm trên phố Lawrence cắt đường Jane ở khu vực Noth York thuộc Toronto, được rao bán giá 699.000$. Hôm đó đúng ngày open house (được mở trong vòng 2 tiếng). Không khí thật sôi động. Dễ đến vài ba chục người - đủ màu da đen, nâu sẫm, trắng, vàng - có mặt tại ngôi nhà. Agent của bên bán tươi cười đón khách. Tất cả các phòng trong ngôi nhà đều được trang trí đẹp mắt: Lọ hoa tươi cắm trên bệ cửa sổ; giỏ hoa quả trên bàn ăn; Chiếc khăn len buông lơi trên chiếc ghế đơn được kê cuối giường; Chiếc giường ngủ trong phòng master bed room được phủ bằng bộ ga gối trang nhã… Nói tóm lại là một vẻ lộng lẫy được người chủ tô điểm cho ngôi nhà của mình khiến nó trở nên hấp nhất…

Có khoảng hơn 30 cardviste đặt trên bàn, nghĩa là có hơn 30 Agent đưa khách của mình đến xem nhà. “Đông người quá. Chưa bao giờ mình thấy open house mà nhiều người đổ đến xem nhà như thế. Mình sẽ khó “đấu” với họ đây”. Anh Vũ nói rồi nhận định thêm: “Giá nhà 699.000$ chắc chắn là giá câu view để nhiều khách đến xem và trả giá. Nhà detached khu này không thể có giá đó”. Chúng tôi đi một vòng trong nhà rồi rút lui ngay để còn kịp giờ xem một ngôi nhà khác. Agent bên bán nói với theo: “Nếu có ý định mua thì offer ngay hôm nay nhé vì ngày mai chắc chắn sẽ bán cho ai trả giá cao nhất”.

Chúng tôi đến ngôi nhà thứ hai ở thành phố Vaughan, cách down town Toronto chừng 30 phút lái xe. Thời gian xem nhà được gói gọn trong 30 phút theo lịch đã đăng ký với agent bên bán. Anh Vũ mở mã khóa cửa và chúng tôi tự vào xem nhà mà không cần ai giới thiệu, hướng dẫn. Đó là một ngôi nhà được xây theo dạng Semi Detached (hai nhà liền kề dính vào nhau), có 3 phòng ngủ trên tầng 2 và 1 phòng lớn ở tầng hầm có thể làm phòng familly room hoặc ngăn thành phòng ngủ và phòng làm việc nhỏ. Tầng 1 là phòng khách lớn, 2 phòng ăn và bếp… “Chủ nhà này chắc là người Italian”. Anh Vũ nói sau khi đưa ra một số nhận xét về cách bài trí của ngôi nhà - cẩn thận và duyên dáng đến từng chi tiết. Giá được rao bán là 799.000$.

Hết thời hạn 30 phút xem nhà. Ngoài cửa đã có vài người đợi sẵn.

Chúng tôi có đi lướt qua vài ngôi nhà trong ngày hôm đó. Hầu như nhà nào cũng hoặc là đông người đến vào giờ open house hoặc đến từng tốp theo lịch đã đăng ký với agent bên bán. Có ngôi nhà thì đưa ra điều kiện offer đến 12 giờ đêm cùng ngày nhưng cũng có nhà đưa lịch tổ chức đấu giá vào tuần tới.

Tối hôm đó, chúng tôi chính thức offer cho 5 ngôi nhà đã xem và ưng ý. Ngôi nhà Detached thứ nhất ở Noth York giá rao bán là 699.000$. Anh Vũ khuyên nên trả giá cao hơn vì thông tin chính thức anh nhận được là có tới 20 người offer cùng lúc, thời hạn offer cuối là trước 12 giờ đêm nay. Em tôi mạnh dạn trả 720.000$, miệng lẩm bẩm: “Trả cao hơn cả giá rao bán. Chưa bao giờ thấy mua bán nhà kiểu này”.

Ngôi nhà thứ hai ở Vaughan, em tôi trả 805.000$. Vừa trả giá vừa run không hiểu mình có bị hớ không?

Ba ngôi nhà còn lại, theo lời khuyên của anh Vũ, em tôi đều trả bằng hoặc hơn giá rao bán, cả em và tôi đều thấy hoài nghi xen lẫn lo âu.

12h30' đêm hôm đó, anh Vũ gọi điện thông báo, năm ngôi nhà em tôi đã offer đều trượt vì những người khác đã trả giá cao hơn. Đặc biệt, ngôi nhà Detached ở Noth York, em tôi đã trả cao hơn giá bán tới 21.000$ (từ 699.000$ lên 720.000$) nhưng có một khách khác đã trả tới 901.000$. Ngày hôm sau chúng tôi được thông báo người trả giá này đã chính thức thắng cuộc (dù chủ nhà không hề tổ chức đấu giá).

Ngôi nhà dạng Semi Detached ở Vaughan đã được bán 850.000$, cao hơn giá rao 51.000$.

Những ngày sau, chúng tôi đều sốc khi chứng kiến thị trường nhà đất Toronto trong cơn “lên đồng”, giá cả bật tanh tách khiến người mua cũng nhảy sếch theo.

Cơ hội trong "thị trường lạnh"

Chúng tôi chưa kịp hiểu ra sao thì đùng cái, anh Vũ thông báo: Do tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp với số ca nhiễm bệnh tăng lên nhanh chóng trên toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, nghiệp đoàn Bất động sản Toronto đưa ra thông báo ngừng toàn bộ sự kiện "open house".

Các công ty môi giới như Century 21 Real Estate, Re Max, Welcome Home Realty… ngay lập tức gỡ bỏ lịch open house và thông báo đến toàn khách hàng. Các trang bán bất động sản cũng lặng lẽ xóa bớt danh mục bán hàng theo yêu cầu của các chủ nhà.

Thị trường bất động sản Canada nói chung và khu vực Toronto nói riêng vừa thăng thiên bỗng đóng băng cái rụp, như thể bị một cây đũa thần gõ xuống. Đó là tuần cuối cùng của tháng Ba – tháng mà hàng năm bắt đầu mùa mua bán nhà nhộn nhịp.

“Giờ lúc người thật cần bán gặp người thật cần mua”. Anh Vũ nói và khuyên em tôi tiếp tục tìm nhà.

Trên các con phố vẫn lác đác một số biển bán nhà. Giá cả được rao có vẻ mềm hơn đôi chút (khoảng 5%). Nhưng quan trọng hơn là người mua không gặp cảnh “mua tranh bán cướp”, giá nâng vèo vèo như trong 6 tuần vừa qua.

Một agent của công ty RE/MAX đón chúng tôi ngoài cửa. Anh đưa cho mỗi người một đôi găng tay, một khẩu trang và yêu cầu chúng tôi rửa tay bằng nước rửa tay khô. Anh ra hiệu không dùng găng tay cá nhân khi tôi định rút đôi găng tay mới tinh trong túi ra. Không khí khá căng thẳng khi chúng tôi đi xem các phòng. Ngôi nhà đẹp, không chê vào đâu được nhưng vì sự sợ hãi có thể bị lây nhiễm virus ở đâu đó đã khiến cho lòng nhiệt tình cũng bị dập tắt. Suốt hai tuần tiếp theo, chúng tôi có đi xem vài ngôi nhà nữa nhưng cũng trong tình trạng tương tự - sợ hãi và căng thẳng như thể đang đi tìm dấu tích sự sống trên sao Hỏa.

“Mặc dù bên cạnh một nước Mỹ đang hỗn loạn vì Covid 19 nhưng Canada vẫn đang làm chủ tình hình. Mua nhà thời điểm này vẫn là cơ hội tốt”. Anh Vũ khuyên. Mặc dù cô em tôi đã quá sợ và căng thẳng nhưng vì nghe theo lời khuyên của anh Vũ, chúng tôi lại cố tìm kiếm trên các trang mạng và đi xem lướt bên ngoài những ngôi nhà treo biển bán. Sau khi bỏ qua vài ngôi nhà với điều kiện khá kỳ lạ: Chỉ xem ảnh trên website, trả giá và nếu hai bên gặp nhau thì mới được xem nhà và đặt cọc…cô em đã chấm một ngôi nhà.

Đó là một bungalow (nhà một tầng hầm và tầng trệt) ở quận Etobicoke thuộc Toronto. Chủ nhà đồng ý cho vào xem nhà với điều kiện bảo hộ cẩn thận, găng tay, khẩu trang và cồn sát trùng. Ngoài ra yêu cầu của chủ nhà là “chỉ được nhìn, không được chạm tay vào bất cứ hiện vật nào, kể cả vòi nước, cánh cửa tủ bếp, tủ lạnh…”. Cứ như trong phim viễn tưởng!

Nhưng có lẽ do thổ công đã níu chân em tôi lại ngôi nhà này. Việc mua bán được tiến hành ngay với mức giá rẻ hơn giá rao bán 23.000$. Xem vài ngôi nhà tương tự trong cùng khu vực thì thấy chỉ cách ngày này có 2 tuần, những ngôi nhà đó bán với giá đắt hơn giá rao khoảng 40.000$ và cao hơn giá em tôi mua 60.000$. Em tôi tự tin với khoản vay mortgage (khoảng 60 – 70% giá trị ngôi nhà) vì công việc của em làm online, không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Như vậy, việc sở hữu một ngôi nhà để an cư lạc nghiệp đã trong tầm tay.

Long Vũ tiếp tục giúp em tôi thuê inspector kiểm tra chất lượng nhà, làm thủ tục vay ngân hàng, làm việc với luật sư và nếu không có gì cản trở, em tôi chỉ cần chờ đến ngày nhận nhà. Điều kỳ lạ là người mua lẫn người bán không hề gặp nhau, chỉ nhìn thấy tên nhau trên hợp đồng mua bán. Agent bên mua chỉ được quyền làm việc với agent bên bán. Tương tự, luật sư bên mua và bên bán làm việc trực tiếp với nhau. Hoàn toàn không có sự chồng chéo. Hoa hồng cho mỗi thương vụ này cũng xứng đáng: Khoảng 4% giá trị ngôi nhà. Đó là những chuyện hết sức bình thường ở xứ sở lá phong nhưng lại rất lạ lẫm đối với những người từ Việt Nam mới qua đây.

Em tôi và những người mua nhà ở thời điểm này gặp may hay rủi? Bao giờ thì hết dịch? Canada là nước giàu có, an sinh xã hội thuộc số 1 thế giới nên đã và đang hỗ trợ người dân và doanh nghiệp rất tốt để chống đỡ đại dịch. Nhưng sau dịch thì nền kinh tế sẽ ra sao và thị trường lên hay xuống? Điều này thì không ai đoán biết được.

Chỉ biết rằng ở thời điểm này, người mua vẫn mua, người bán vẫn bán – trong thận trọng và lo lắng. Còn em tôi, cô đã thực hiện được mục đích “an cư lạc nghiệp” của mình và gia đình. Thế thì cứ vui đã!

Phương Anh

Từ Toronto, Canada

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Những nhân vật chủ chốt trong chính quyền Trump 2.0

Tổng thống đắc cử Donald Trump đang khẩn trương chuẩn bị đội ngũ nội các và nhân sự cấp cao cho nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng. Những lựa chọn này hứa hẹn sẽ giúp định hình chiến lược lãnh đạo mới của ông trong bốn năm tới…

Top 10 quốc gia giàu có nhất thế giới năm 2024

Top 10 quốc gia giàu có nhất thế giới năm 2024

Những quốc gia giàu có nhất thế giới không chỉ được định hình bởi nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào hay quy mô dân số nhỏ, mà còn bởi các chính sách tài chính thông minh và khả năng duy trì sự thịnh vượng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động…

Kế hoạch chuyển giao quyền lực tại đế chế xa xỉ Prada

Kế hoạch chuyển giao quyền lực tại đế chế xa xỉ Prada

Miuccia Prada và Patrizio Bertelli đều đang chủ động chuẩn bị chuyển giao quyền lực tại "đế chế" Prada cho thế hệ tiếp nối. Điều này không chỉ giúp bảo vệ di sản của gia đình mà còn đảm bảo quá trình kế thừa diễn ra suôn sẻ, tránh những xung đột hay căng thẳng không đáng có…

Hơn 2,8 tỷ USD đặt cược cho khả năng Bitcoin chạm mốc 90.000 USD

Hơn 2,8 tỷ USD đặt cược cho khả năng Bitcoin chạm mốc 90.000 USD

Giá Bitcoin đã đạt mức kỷ lục 81.000 USD, với các chỉ báo phái sinh cho thấy đà tăng mạnh mẽ sẽ còn tiếp tục. Tâm lý lạc quan được thúc đẩy bởi chiến thắng của ông Donald Trump và các quyết định cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)…

Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố thỏa thuận sơ bộ với Intel trong chuyến thăm khuôn viên Intel Ocotillo tại Arizona hồi tháng 3

Chính quyền Biden và ngành chip đẩy nhanh tiến trình nhận hỗ trợ trước khi ông Donald Trump nhậm chức

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang “chạy đua” để hoàn tất các thỏa thuận hỗ trợ ngành chip trước khi ông Donald Trump nhậm chức. Việc này càng cấp bách hơn khi nhiều công ty hàng đầu như Intel và Samsung vẫn đang trong giai đoạn đàm phán để nhận trợ cấp trị giá hàng tỷ USD từ chính phủ Mỹ…

Thế giới nên đối diện với "Trump 2.0" theo cách nào?

Thế giới nên đối diện với "Trump 2.0" theo cách nào?

Trong cả cuộc marathon bầu cử Tổng thống Mỹ, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí là lo ngại về khả năng trở lại chiếc ghế quyền lực của một trong những nhà lãnh đạo khó đoán định nhất: "Trump 2.0".

"Trump 2.0" sẽ thay đổi nước Mỹ như thế nào?

"Trump 2.0" sẽ thay đổi nước Mỹ như thế nào?

Tính tới 11h30 ngày 6/11, ông Trump đang dẫn trước bà Harris với những phiếu đã kiểm, Đảng Cộng hòa của ông Trump cũng gần như chắc chắn giành thắng lợi tại cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Câu hỏi hiện tại là Trump 2.0 sẽ như thế nào?

Điều gì sẽ xảy ra với nước Mỹ "hậu bầu cử"?

Điều gì sẽ xảy ra với nước Mỹ "hậu bầu cử"?

Cuộc đua tới chiếc ghế quyền lực nhất thế giới đang diễn ra, và sẽ sớm đi tới màn cao trào ngày 5/11. Với tiền lệ từ sau cuộc bầu cử trước, nước Mỹ cũng đang nín thở chờ xem điều gì sẽ xảy ra sau khi ông Trump hoặc bà Harris được tuyên bố thắng cuộc...