Canada: Sóng ngầm giữa khúc giao mùa

Mùa hè ở Canada vốn đã rất ngắn thì nay vì con covid – lại càng ngắn. Suốt mấy tháng xuân, hè trong cảnh lock down vì dịch, đầu tháng 9, chính phủ vừa cho phép mở cửa, người dân vội vã đổ ra đường, cố vớt những ngày hè tươi đẹp còn sót lại...

Đùng cái, số ca nhiễm covid lại tăng lên dữ dội, gây áp lực lên rất nhiều hoạt động business vốn “chỉ còn thoi thóp”.

Mùa hè... vớt

Năm nào hè cũng thản nhiên về trong tháng 6, khi mặt đất phủ kín màu xanh, điểm xuyết những vạt hoa rực rỡ sắc màu. Người người, nhà nhà kéo nhau đi biển, hồ, đi rừng, lên núi... Cứ chiều thứ sáu là đã thấy từng đoàn xe nối đuôi nhau trên các đường cao tốc, hướng về những khu rừng già viền theo hồ nước lớn - nơi có thể dựng lều, đốt lửa trại, đi tàu thủy, câu cá, lướt ván… Những gia đình có điều kiện thì sắm riêng xuồng máy, tàu thủy, nhà di động, còn thì các dụng cụ để phục vụ cho các chuyến dã ngoại như xe đạp địa hình, lều bạt, tủ lạnh di động, thùng giữ nhiệt, túi ngủ, đồ câu cá…là không thể thiếu đối với mọi nhà.

Chính quyền các bang cũng rất “chiều” dân. Không chỉ giữ lại những khu rừng lớn, nhỏ trong thành phố để người dân luôn được sống giữa thiên nhiên, họ còn xây dựng rất nhiều công viên nằm xen kẽ trong các khu dân cư. Bãi cỏ chạy dài tít tắp, bãi đỗ xe lớn, những con đường nhựa uốn lượn giữa rừng cây phong, sồi, bạch dương rợp bóng mát. Có nhiều sân thể thao cho các môn tenis, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá hay đơn giản là dạo bộ, đạp xe… trong các khu công viên – rừng đó. Những ai ưa thích hiking và bbq ngoài trời thì không thể không yêu những lối mòn (trail) len lỏi, ngoằn nghèo giữa rừng, những bộ bàn ghế gỗ dài bên bếp bbq do chính quyền trang bị sẵn. Nhiều công viên còn làm cả “nhà củi” có mái che, trong đó có những bó củi khô đẹp đẽ để phục vụ cho những thực khách thích lửa trại. Tất cả là miễn phí.

Năm nay, con covid làm thế giới nói chung và Canada nói riêng chao đảo. Hè đến trong lặng lẽ, căng thẳng và lo sợ. Người người nhà nhà im lìm trong cảnh lockdown (phong tỏa) toàn thành phố. Stay home và stay home. Distance and distance… (Ở nhà và ở nhà. Giãn cách và giãn cách). Mọi việc đã có chính phủ lo.

Ngày ngày các thành viên trong mỗi gia đình dường như nín thở dõi tin tức và nghe lệnh của chính phủ qua màn hình tivi. Đầu tháng 9, khi mà giữa những ngày nắng gió rực rỡ và phóng khoáng đã bắt đầu xen kẽ những ngày mát mẻ thì lệnh giãn cách được gỡ bỏ dần, cho phép người dân trở lại với các hoạt động ngoài trời. Như đàn chim sổ lồng, người ta ùa về bãi tắm, vào rừng, ra biển… Trong khi đó, đường phố, nhà hàng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ còn vắng vẻ vì lệnh giãn cách chưa được dỡ bỏ hoàn toàn.

Julia Nguyễn – nhân viên makerting của trường cao đẳng Pures College of Technology tại Toronto vốn có một niềm say mê không bao giờ vơi là hiking và camping trong rừng. Một xe ô tô, một cái lều lớn đủ cho gia đình 4 người, túi ngủ, đồ ăn thức uống… thế là đủ để cả nhà vào rừng mỗi tuần hai ngày rưỡi. Tôi cũng được “bám càng” Julia, cùng gia đình cô thử sức mình khi hiking cả ngày trong rừng, tối đốt lửa trại, nướng thịt, đêm cuộn mình trong túi ngủ ngon lành dưới bầu trời đầy sao.

Nhưng có lẽ điều mà tôi ấn tượng nhất là giữa khu rừng tối sẫm trong đêm, chúng tôi tắt hết đèn, mò theo con đường mòn được ánh sao chiếu sáng lờ mờ, ngẩng đầu lên chỉ thấy một bầu trời sao chi chít. Sao lớn, sao nhỏ chen chúc đua nhau tỏa sáng. Mảnh trăng như cái lưỡi liềm ai đã tinh nghịch ném vào giữa bầu trời sao. Lúc này thật khó để bình chọn giữa trăng và sao cái nào là “nữ hoàng” về độ sáng, trong trẻo và lấp lánh?!

Có một khoảnh khắc, tôi chợt có cảm giác thân xác mình như không còn tồn tại, chỉ còn linh hồn vừa được các đấng thần linh đánh thức, đang bay lượn giữa những vì sao kia… Một cái rùng mình đủ để kéo tôi về thực tại, tiếp tục mò mẫm đi trong đêm tối, giữa rừng sâu thăm thẳm.

Nhọc nhằn kiếm xu lẻ

Không chỉ người dân đang cố “chơi vớt”, người làm kinh doanh cũng đang nhọc nhằn vớt vát những đồng xu lẻ. Toronto là một thành phố lớn, trung tâm thương mại sôi động bậc nhất của Canada chưa bao giờ rơi vào cảnh đìu hiu, vắng lặng như hiện nay. Những cửa hàng dịch vụ trên phố cửa đóng then cài. Các quán cà phê, restaurant vốn là những nốt nhạc rộn ràng trong nhịp sống sôi động của thành phố thì nay như những… cơ sở y tế có kiểm soát. Nhân viên đeo khẩu trang đứng cửa đón, xịt cồn vào tay cho khách rồi hướng dẫn khách vào ghế ngồi. Mỗi quán không được quá 10 người vào bên trong. Người phục vụ có khi nhiều hơn cả khách. Kinh doanh mà như thế thì khác nào đốt quán. Thế là có ai đó đưa ra một sáng kiến kinh doanh dở khóc dở cười và được chính quyền cho phép áp dụng.

Người ta dùng những cột biển báo giao thông màu vàng cam xếp dưới lòng đường trước cửa các quán cà phê, nhà hàng. Có đoạn đường đông xe thì cho phép chặn một bên đường. Đoạn vắng xe hơn thì chặn cả hai bên. Đường có 4 làn xe chạy thì nay chỉ còn lại 2 làn. 2 làn được chặn lại bằng cột báo giao thông để thành chỗ xếp bàn ghế cho khách ngồi ăn uống. Để thêm nét thi vị, chủ quán cho đặt mấy cây xanh bên cạnh bàn, thêm chiếc ô che nắng cho khách. Thế là, xe chạy cứ chạy, người ăn uống, trò chuyện cứ tự nhiên như trong… thời chiến.

Hè đi rất vội. Thu đến cũng nhanh như tên lửa bắn. Lá trên phố hoe vàng. Một nhà hàng vừa mới được mở lại, chắc để cố vớt thêm thực khách trước khi mùa đông đến. Nhân viên ra đứng đầu phố, tấm bảng to che gần hết thân người: Restaurant … is opening.

Thủ tướng Justin Trudeau vừa cảnh báo, tình hình đại dịch vào mùa thu dự kiến ​​sẽ tồi tệ hơn những gì đất nước phải chịu đựng khi cuộc khủng hoảng chỉ mới bắt đầu. “Chúng tôi có khả năng kiểm soát làn sóng thứ hai này. Tôi biết chúng tôi có thể làm được bằng cách ở nhà như trong làn sóng dịch đợt đầu, vào mùa xuân. Mùa thu này, chúng tôi có nhiều công cụ phòng chống dịch hơn trước đây”. Ông nói.

Những con sóng ngầm

Cuối tháng 9, Thu đã nhuộm vàng nhuộm đỏ đường phố. Cây phong này cho vầng lá màu cam, cây phong kia cho một góc phố rực đỏ. Bạch dương lộng lẫy sắc vàng. Đến những bụi cây nhỏ leo heo cũng không kém cạnh, cứ rực rỡ như thể chính mình mới là chúa tể của mùa thu.

Thu đẹp nhường ấy nhưng không ít người phải nhắm mắt nuốt nó vào trong, bởi miếng cơm manh áo không đùa với khách thơ. Bạn tôi – Yuri, chủ một cửa hàng sách rất lớn trong một trung tâm thương mại đã phải đóng cửa hàng suốt 7 tháng nay vì dịch. Anh vốn là lao động duy nhất trong gia đình, dù có được chính phủ hỗ trợ một phần kinh tế nhưng vẫn không thể nào lấp đầy các khoản tiền để trả mortgate mua nhà, mua ô tô trả góp, thuê địa điểm kinh doanh và rất nhiều chi phí khác. Cơn “địa chấn” đã khiến mái đầu anh bạc trắng. “Chẳng cần ăn kiêng mà mất ngót 20 kg vì stress”. Anh cười như mếu. Yuri bạn tôi chỉ là một trong hàng triệu người lao đao vì dịch covid. Thật khó để đưa ra con số thống kê về những chủ doanh nghiệp phá sản hay doanh nghiệp của họ chỉ còn thoi thóp, không biết sống chết nay mai… Như vậy, sẽ có không ít người từ vị thế ông, bà chủ doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác sẽ thành đối tượng nhận trợ cấp xã hội.

Tuy nhiên, với “bị tiền dự trữ” khá nặng, chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đủ tự tin để có thể giảm bớt tác động của đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 9.200 người ở đất nước của ông. Với các biện pháp trợ cấp, giãn nợ… ông cam kết: "Trong khi chúng ta vẫn đang đối phó với đại dịch này, tôi không muốn bạn - hoặc cha mẹ bạn, hoặc bạn bè của bạn - gánh món nợ mà chính phủ của bạn có thể gánh vác tốt hơn".

Thiên nhiên đang trong những ngày huy hoàng, lộng lẫy nhất. Chim chóc bay lượn, phơi mình trong nắng. Những con sông chở theo tiếng róc rách của suối rừng về với biển cả… Nhưng, “miệng ăn núi lở”, dù có nhiều của cải dự trữ, người ta vẫn không thể không lo về một cơn sóng ngầm đang cuộn chảy dưới dòng sông sắp hóa thành băng. Mùa đông sẽ ập tới nay mai trong khi đại dịch lần 2 đã quay trở lại với khoảng 1.700 ca nhiễm virus covid 19 mỗi ngày. Quebec vừa lockdown lần 2 tại 3 vùng Montreal, Quebec City và The Chaudieres Appalaches.

3 tỉnh Ontario, British Colombia, Alberta đang trong nguy cơ có thể phải lockdown lần nữa. Mùa đông vốn dĩ là mùa cúm, thường cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người mỗi năm. Vì thế, đại dịch covid quay lại chính là “thảm họa kép”, sẽ tiếp tục cướp thêm sinh mạng của nhiều người, phá hủy thành quả kinh tế và làm lung lay chiếc ghế của Thủ tướng Justine Trudeau cũng như chính đảng của ông.

Theo thống kê trên trang web của Chính phủ Canada, tính đến ngày 30 tháng 9 năm 2020, nước này hiện có 158.738 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 9.297 trường hợp tử vong.

Có thể bạn quan tâm