Các dự án thua lỗ nghìn tỷ về đâu?

Trong số 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương, các dự án nhà máy sản xuất đạm, phân bón đang có cơ hội thoát khủng hoảng khi thị trường phân bón bắt đầu ổn định và một dự án đã có lãi.
Các dự án thua lỗ nghìn tỷ về đâu?

Theo đề án tái cơ cấu vừa được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký phê duyệt, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sẽ phải thực hiện thoái vốn ở hầu hết các doanh nghiệp chi phối cổ phần từ nay tới năm 2020. Cụ thể, Vinachem phải thoái hết vốn tại 4 công ty phân đạm thua lỗ là Công ty cổ phần Phân đạm Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP-Vinachem; Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, sau khi các đơn vị này hết lỗ, sản xuất kinh doanh có hiệu quả trở lại.

Le lói lối thoát

Việc cho thoái vốn khỏi 4 dự án được coi là bước tiếp theo trong việc xử lý các dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương sau nhiều năm các dự án này đắp chiếu, chôn hàng chục nghìn tỷ đồng vốn nhà nước.

Về tình hình hoạt động của 4 dự án thua lỗ nghìn tỷ, theo báo cáo mới nhất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, 2017 là năm đặc biệt khó khăn với tập đoàn. Tuy nhiên, đến hết năm, Vinachem đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu kế hoạch năm 2017. Giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 8,8%; doanh thu ước tăng 5,5% so với năm 2016. Lợi nhuận cộng hợp ước đạt 50,1 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ban lãnh đạo Vinachem, cả 4 dự án đầu tư nghìn tỷ vốn bị thua lỗ nặng của tập đoàn đã duy trì được sản xuất, doanh thu và giá trị sản xuất công nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, sau khi thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, Công ty Cổ phần DAP-Vinachem, một trong 4 dự án có triển vọng thoát ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ khi đã có lãi 5,2 tỷ đồng trong năm qua.

Theo báo cáo, chi phí sản xuất của các dự án đã thấp hơn giá bán từ 52.000 - 892.000 đồng/tấn. Đến nay, cả 4 nhà máy của Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai đã hoạt động tới 80% công suất. Nhà máy DAP Đình Vũ và Lào Cai đã đa dạng hóa sản phẩm với 64% đạm xanh giá trị cao, có lãi 600.000 đồng/tấn.

Theo ông Nguyễn Gia Tường - Tổng giám đốc Vinachem, đến thời điểm hiện tại, ngoại trừ Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng đã hoàn thành quyết toán mặc dù bị chậm so với thời gian quy định, các dự án còn lại vẫn chưa hoàn thành quyết toán do phát sinh vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu thực hiện gói thầu chính EPC của dự án. Tập đoàn đã gia hạn tiến độ hoàn thành quyết toán đối với các dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình; dự án Cải tạo và mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc và dự án DAP số 2 - Vinachem đến hết quý I/2018. Theo kế hoạch đề ra của Vinachem, đến hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản những khó khăn gặp phải của các dự án và đến năm 2020, hoàn thành xử lý tất cả các tồn tại cũng như hoàn tất việc thoái vốn.

Bế tắc dự án thép, nhiên liệu sinh học

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, với năm dự án thua lỗ thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), tình hình tại một số dự án nhiên liệu sinh học bắt đầu có sự chuyển dịch cùng với việc triển khai bán đại trà xăng E5 thay thế xăng RON 92 từ 1/1/2018.

Theo thông tin từ Công ty TNHH MTV lọc - hóa dầu Bình Sơn, đơn vị đang hỗ trợ Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF) lập phương án để nhà máy Bio Ethanol Dung Quất, vốn đầu tư gần 1.900 tỷ đồng, hoạt động trở lại sau gần 3 năm đắp chiếu. Dự kiến đầu quý II/2018, nhà máy này hoạt động trở lại. Khi nhà máy hoạt động trở lại và đạt tối đa công suất, kinh doanh có lãi, doanh nghiệp sẽ trả dần các khoản nợ thuế và nợ vay cho ngân hàng đồng thời sẽ thực hiện việc chuyển nhượng hoặc thoái vốn.

Cùng với dự án BSR-BF, nhà máy Ethanol Bình Phước do Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) vận hành cũng đang được chuẩn bị lên phương án sản xuất trở lại nhằm thoát khỏi gánh nặng đắp chiếu từ tháng 4/2013 đến nay. Theo kế hoạch, sau khi nhà máy quay trở lại hoạt động vào đầu năm 2018, PVOil và các cổ đông khác sẽ chịu trách nhiệm thu xếp vốn lưu động phục vụ sản xuất cho OBF với số tiền khoảng 91,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dù nhà máy có sản xuất trở lại, bài toán chi phí đầu ra của sản phẩm và gánh nặng khoảng 200 tỷ đồng/năm do hao mòn máy móc và trả lãi vay ngân hàng sẽ quyết định việc dự án thoát khỏi khó khăn hay không.

3 dự án thua lỗ nghìn tỷ khác của ngành dầu khí, gồm dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVtex), dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) đến nay tình hình cũng chưa mấy khả quan. Với PVtex, theo một báo cáo mới đây của Bộ Công Thương, tình trạng hiện tại của dự án hết sức khó khăn. Dù PVN và các đơn vị trong ngành dệt may đã có sự hỗ trợ, nhưng việc khởi động lại và duy trì nhà máy hoạt động hiệu quả không phải là bài toán dễ dàng.

“Công ty bị âm vốn chủ sở hữu nên không thu xếp được nguồn vốn lưu động để duy trì hoạt động của nhà máy; thị trường tiêu thụ sản phẩm và chất lượng sản phẩm không ổn định, thiết kế kỹ thuật của nhà máy còn một bất cập dẫn tới sự không hiệu quả trong tiết giảm chi phí. Cùng đó vướng mắc, tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu EPC vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến chưa quyết toán được dự án. Trong trường hợp tái cơ cấu và chuyển nhượng không thành công thì sẽ xem xét phương án cho phá sản doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”, báo cáo của Bộ Công Thương về xử lý tình trạng thua lỗ của PVtex nêu.

Còn Công ty TNHH Một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), theo Bộ Công Thương, đang phải chịu gánh nặng tài chính lớn do thua lỗ từ thời kỳ chủ sở hữu là Vinashin. Tình hình của công ty đang trong cảnh rất khó khăn khi chi phí đầu tư tài sản cố định quá lớn trong khi không có khách hàng để khai thác hết công suất các hạng mục đã đầu tư; cơ sở vật chất của DQS còn thiếu và chưa đồng bộ. Ngoài ra, nhiều hạng mục công trình đầu tư còn dở dang và chưa hoàn thành công tác quyết toán.

Với lĩnh vực thép, dự án mở rộng giai đoạn hai của Tisco hiện vẫn đắp chiếu sau khi SCIC đã hoàn thành rút 1.000 tỷ đồng vốn theo chỉ đạo của Chính phủ. Việc quyết toán với nhà thầu MCC (Trung Quốc) vẫn chưa hoàn thành sau cả chục cuộc đàm phán cũng là một trong những trở ngại để xử lý các vấn đề của dự án thua lỗ nghìn tỷ này. Trong báo cáo gửi Chính phủ cách đây khoảng 2 tháng, Bộ Công Thương cũng đề xuất với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, sẽ ưu tiên chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. Trong trường hợp phương án thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án là bán dự án hoặc kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư góp vốn đầu tư dự án.

Về dự án nhà máy Bột giấy Phương Nam, Bộ Công Thương cho biết, đơn vị đã tiến hành đối chiếu, bù trừ công nợ, thu hồi tất cả các khoản công nợ phải thu. Đến nay, số tiền công nợ phải thu của dự án giảm từ 18,7 tỷ đồng (thời điểm 31/12/2015) xuống còn 9,5 tỷ đồng. Tổng công ty Giấy Việt Nam đã thực hiện xong khâu định giá, tổ chức phương án và tiến hành tổ chức bán đấu giá toàn bộ tài sản cố định và hàng hóa tồn kho của nhà máy bột giấy Phương Nam. Tuy nhiên, đến nay, dù đã qua hai lần tổ chức bán đấu giá, nhưng đều không thành công.

Theo Tiền Phong 

tienphong.vn/kinh-te/cac-du-an-thua-lo-nghin-ty-ve https://www.tienphong.vn/kinh-te/cac-du-an-thua-lo-nghin-ty-ve-dau-1229320.tpo

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…