Các FTA thế hệ mới sẽ hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh hơn

Sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nước phát triển trên thế giới sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh sau đại dịch Covid 19.
Các FTA thế hệ mới sẽ hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh hơn

Hội nhập quốc tế là một điểm nhấn quan trọng của Việt Nam trong thời gian 5 năm trở lại đây, Đặc biệt, riêng năm 2020 Việt Nam đã tham gia ba Hiệp định thương mại lớn, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA), nâng tổng số Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia lên con số 15.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc cắt giảm thuế quan, sâu rộng liên tục, các Hiệp định thương mại với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai, đã mở ra một triển vọng tương lai theo hướng có lợi cho Việt Nam khi tham gia vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu.

CPTPP và EVFTA đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 01/2019 và tháng 8/2020. Các hiệp định thương mại toàn diện và mới này với các cam kết rộng hơn và sâu hơn nhiều về các khía cạnh liên quan đến thương mại và thương mại so với các cam kết đa phương của WTO. Với những Hiệp định thế hệ mới này, Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp có hy vọng phát triển kinh tế và nhanh chóng phục hồi sau những thiệt hại do đại dịch gây ra.

Cụ thể, với CPTPP, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao chẳng hạn như xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỉ USD, tăng gần 12% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỉ USD, tăng 12%.

Đối với EVFTA, kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (01/8/2020) tính đến hết năm 2020, các tổ chức thương mại được uỷ quyền đã cấp gần 63.000 bộ chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi tại thị trường EU với kim ngạch 2,35 tỉ USD. Điều này cho thấy, hiệu quả khai thác lợi ích ngay sau khi Hiệp định được đưa vào thực thi là rất khả quan, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỉ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng 11/2020 giữa 10 nước thành viên ASEAN và năm quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do là: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Đây là một thành công của các bên sau 8 năm đàm phán, tìm kiếm giải pháp xử lý những vấn đề vướng mắc, qua đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị và sản xuất khu vực, đồng thời được hưởng lợi từ việc cắt giảm chi phí giao dịch và môi trường kinh doanh thân thiện hơn nhờ hài hòa hóa các quy định hiện hành và áp dụng chung trong các FTA khác nhau của ASEAN.

Hiệp định này khi có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Việc thiết lập Hiệp định RCEP cũng sẽ cung cấp thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN cũng như tạo ra cấu trúc thương mại khu vực mới, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam và khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN.

Theo báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 được dự báo sẽ phục hồi ở mức 6,7% và tăng lên 7% trong năm 2022 bất chấp sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19.

Đây là mức tăng trưởng mạnh và vững chắc, có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc thực hiện mục tiêu kép gồm kiểm soát, phòng chống đại dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả. Các động lực tăng trưởng sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và mở rộng các hoạt động thương mại.

Đà tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục, nhờ quyết tâm đưa nền kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại của Chính phủ nhiệm kỳ mới, việc triển khai vaccine phòng ngừa Covid-19 và các liệu pháp chữa trị hiệu quả, các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển như CTPPP, EVFTA, RCEP,… cùng với việc tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...