1/8 kích hoạt EVFTA, cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt

Do tác động của dịch Covid-19, nền kinh tế của Việt Nam đã hoạt động trở lại còn Châu Âu thì chưa, thế nên các doanh nghiệp Việt cần chớp thời cơ này để chuẩn bị đón thời cơ mới.
1/8 kích hoạt EVFTA, cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt

Sự khác biệt Hiệp định của EVFTA

Ngày 8/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Hiệp định Thương mại đầu tư Việt Nam - châu Âu (EVFTA) với 100% phiếu tán thành, mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp cận thị trường 18.000 tỉ USD.

Theo thông tin của Bộ Công Thương, bắt đầu từ ngày 1/8, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực. Theo như cam kết, nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ được giảm thuế ngay hoặc giảm theo lộ trình.

EVFTA có sự khác biệt đáng kể so với các hiệp định thương mại tự do trước đây mà Việt Nam đã ký kết. Nếu các hiệp định trước đây chỉ có tiêu chuẩn trung bình và chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường dịch vụ nhưng không vượt quá cam kết trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì với EVFTA, cam kết mở cửa thị trường lên tới hơn 99% số dòng thuế và kim ngạch thương mại, thuế suất 0% được áp dụng cho các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của cả hai bên.

Sau 07 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Chính sự khác biệt đáng kể so với các hiệp định thương mại tự do trước đây EVFTA là cơ hội cũng như thách thức rất lớn của doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ hội

Ngoài dỡ bỏ thuế, là một hiệp định thế hệ mới, EVFTA còn bao gồm những điều khoản quy định về bảo vệ sở hữu trí tuệ, tự do đầu tư và phát triển bền vững. 

Điều đáng nói là những thay đổi này bắt đầu có hiệu lực trong thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu sức ép chưa từng có từ việc gia tăng căng thẳng thương mại xuyên Thái Bình Dương và tác động của dịch Covid-19.

Các chuyên gia kỳ vọng EVFTA có thể đóng góp trung bình 0,1% vào tăng trưởng thực của GDP mỗi năm, dao động từ 0-0,3%, chỉ nhờ vào các tác động thương mại tích cực.

Các doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có thế mạnh của hai bên như: dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô xe máy, một số loại nông sản của EU…

Ngành dệt may hưởng lợi nhiều nhất
Ngành dệt may hưởng lợi nhiều nhất

Ngành dệt may và da giày của Việt Nam sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất do thuế áp lên khu vực này đang ở mức cao nhất. Năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 9 tỉ USD hàng dệt may và da giày sang EU, với thuế suất bình quân gia quyền là 9%.

Đối với lĩnh vực phân phối, EVFTA sẽ thúc đẩy các luồng vốn chất lượng cao của EU và các đối tác khác vào Việt Nam, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng của thương mại trong nước.

Ngoài ra, thời gian qua, các hình thức bán hàng và phương thức kinh doanh thương mại và dịch vụ trên thị trường trong nước đã phát triển đa dạng, phong phú hơn và thương mại điện tử cũng ngày càng trở thành một kênh phân phối quan trọng là một điểm tựa cho doanh nghiệp Việt phát triển.

Thách thức

Nền kinh tế Việt Nam có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong số đó có tới hơn 60% là doanh nghiệp siêu nhỏ, trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ này chắc chắn còn cao hơn, nghĩa là tuyệt đại bộ phận các doanh nghiệp hoạt động trong bản lẻ là siêu nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực hạn chế về vốn, hạ tầng kinh doanh cơ bản và công nghệ quản lý, chất lượng lao động và khả năng kết nối thị trường, sẽ gặp khó khăn lớn khi , EVFTA được kích hoạt.

Theo Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương ngành bán lẻ Việt Nam sẽ cạnh tranh rất gay gắt. Khi trên thị trường đã nổi lên một số nhà phân phối bán lẻ bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang nắm giữ thị phần chủ yếu, cạnh tranh lẫn nhau và đi đầu trong những xu hướng bán lẻ mới.

Ngành bán lẻ Việt Nam sẽ càng khốc liệt
Ngành bán lẻ Việt Nam sẽ càng khốc liệt

Các Tập đoàn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn nhưng cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt. Vụ Thị trường nhận định.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Việt Nam, EVFTA cũng có những tác động tiêu cực, tạo ra những thách thức lớn đối với doanh nghiệp phân phối trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối có quy mô nhỏ và vừa nếu bộ phận doanh nghiệp này không thay đổi để thích ứng trước những tác động mạnh mẽ của EVFTA.

Hiệp định EVFTA sẽ "ép" doanh nghiệp Việt phải cạnh tranh lành mạnh hơn. Cơ quan chức năng Việt Nam cũng phải triệt phá hàng xách tay, hàng lậu, hàng nhái, kiểm soát cá nhân không đăng ký kinh doanh bán hàng qua mạng xã hội. Các doanh nghiệp Việt cũng buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn rất cao về lao động, môi trường.

Để các công ty Việt có thể hiện thực hóa tiềm năng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, Chính phủ cần hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn toàn cầu, chỉ dẫn cho các doanh nghiệp về khung pháp lý mới và những cam kết. Hơn hết, các doanh nghiệp Việt cũng cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ Hiệp định EVFTA để tìm ra hướng đi phù hợp cho doanh nghiệp.

Xem thêm

BĐS Công nghiệp: EVFTA tạo bước ngoặt lớn thu hút đầu tư

BĐS Công nghiệp: EVFTA tạo bước ngoặt lớn thu hút đầu tư

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức được phê chuẩn, việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam mở rộng quy mô sản xuất.

Có thể bạn quan tâm