Hội nghị này là sự kiện thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thị trường ngoài nước” nhằm tạo ra 1 kênh trao đổi thông tin trực tiếp, thống nhất và nhanh nhất giữa các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các đơn vị chức năng Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước.
Trong thời gian vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam đang trong đà tăng trưởng tốt. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa: tháng 8/2022 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).
Tuy nhiên, tình hình xuất nhập khẩu của thế giới đang phải đối mặt với khủng hoảng do tác động hậu Covid, xung đột địa chính trị và các chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng Trung ương, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến xuất nhập khẩu vủa Việt Nam.
Cụ thể, Hiệp hội gỗ Việt Nam cho biết, tính chung 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,7 tỷ USD, chỉ tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn nhiều so với đà tăng bình quân trên 10% của các năm trước.
Thời điểm cuối năm, Hiệp hội gỗ dự báo xuất khẩu sẽ còn giảm sút do thị trường Mỹ - thị trường nhập khẩu gỗ chính – đang điều tra chống lẩn tránh thuế đối với gỗ dán, trong đó có các sản phẩm gỗ xuất xứ từ Việt Nam. Các biện pháp phòng vệ mà Mỹ có thể áp đặt có thể tác động rất tiêu cực tới doanh nghiệp Việt.
Ngoài ra, nguồn nguyên liệu từ chủ yếu từ Liên bang Nga được dự báo sẽ vận chuyển khó khăn hơn, do những xung đột địa chính trị.
Hiệp hội gỗ đề nghị Chính phủ cần có biện pháp tăng cường kết nối để vận chuyển gỗ nguyên liệu thuận lợi hơn, đồng thời có biện pháp hỗ trợ, cập nhật thông tin và tư vấn về phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp gỗ, đặc biệt là thị trường Mỹ.
Sự sụt giảm xuất khẩu cũng diễn ra trong ngành hồ tiêu, khi 8 tháng qua xuất khẩu được 162.000 tấn, kim ngạch đạt 739 triệu USD, giảm 19% về sản lượng nhưng tăng 11,1% về kim ngạch.
Hiệp hội hồ tiêu cho biết, hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn và cước phí rẻ hơn. Đồng thời, hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Ai Cập và Pakistan đang bị khó khăn trong việc thanh toán khiến hàng đã cập bến nhưng chưa thể giao nhận, phát sinh nhiều chi phí quản lý khác…
Những khó khăn trên đặt ra yêu cầu về sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và người sản xuất để các bên có thể cập nhật nhanh nhất thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của các nước, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng tốt nhất các cơ hội để phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.