Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần thực chất hơn

Mục tiêu cần đặt ra là Việt Nam phải lọt vào nhóm 50 nước đứng đầu trên thế giới về khởi sự kinh doanh trong hai năm tới.
Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần thực chất hơn

Rào cản kinh doanh hàng không tư nhân dần được dỡ bỏ

Năm 2018, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới tiếp tục tăng cao, xuất khẩu của khu vực tư nhân tăng trưởng ấn tượng, đã có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước tích cực mở rộng ra lĩnh vực sản xuất hay đầu tư vào nông nghiệp. Đầu tư của khu vực FDI vẫn tiếp tục sôi động. Nét đáng chú ý là rất nhiều rào cản của môi trường kinh doanh như các điều kiện kinh doanh phiền hà, thủ tục kiểm tra chuyên ngành phức tạp nhiêu khê… đã và đang dần được gỡ bỏ. Năm qua cũng là năm đã có nhiều nghị định về bãi bỏ và đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh được ban hành.

Dù vậy, trong năm 2018 Việt Nam vẫn bị tụt bậc trong một số xếp hạng thế giới. Việt Nam tụt 3 bậc trong Chỉ số cạnh tranh quốc gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) từ vị trí 74 xuống 77 trong số 140 quốc gia được xếp hạng. Việt Nam cũng tụt 1 bậc trong Chỉ số thuận lợi của môi trường kinh doanh Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới (bảng xếp hạng đánh giá 190 quốc gia), từ 68 xuống 69.

Để môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện hơn nữa, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, còn nhiều việc phải làm trong năm 2019 này cũng như trong thời gian tới.

Cơ hội gia nhập thị trường

Để đảm bảo mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 theo Nghị quyết 10 của Trung ương Đảng và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ, thúc đẩy hàng triệu hộ kinh doanh đăng ký hoạt động chính thức thì cần đẩy mạnh cải cách mạnh mẽ hơn nữa các thủ tục gia nhập thị trường.

Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người thấp, đang cần thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân mới. Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều có chính sách, chương trình thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Bởi vậy, chúng ta không thể chấp nhận tình trạng chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam chỉ xếp hạng 104 thế giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong Doing Business 2019 và xếp sau nhiều nước trong khu vực ASEAN.

Bộ Kế hoạch và đầu tư không thể chỉ hài lòng với những cải cách đăng ký doanh nghiệp đạt được thời gian qua. Quy trình khởi sự kinh doanh không chỉ là tờ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đó còn là các thủ tục đăng ký và làm con dấu, mở tài khoản ngân hàng, mua hóa đơn, nộp thuế, làm các thủ tục lao động và bảo hiểm xã hội… Đó là chưa tính đến các thủ tục mặt bằng kinh doanh, giấy phép chuyên ngành, vốn hoạt động vv… Do vậy, cần có những cải cách mạnh mẽ, đột phá về thủ tục gia nhập thị trường theo hướng tinh gọn một cửa, một đầu mối. Mục tiêu cần đặt ra là Việt Nam phải lọt vào nhóm 50 nước đứng đầu trên thế giới về khởi sự kinh doanh trong 2 năm tới.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án VNCI

Ngay cả trong đăng ký kinh doanh, dù Luật Doanh nghiệp 2014 đã bỏ ngành nghề đăng ký kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp được tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấp hay không quy định điều kiện; thế nhưng, hiện tại khi làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại sở kế hoạch và đầu tư cấp tỉnh, doanh nghiệp vẫn phải tự kê khai mã ngành kinh doanh (cấp 4) rất phức tạp, mất nhiều thời gian, rất dễ sai sót và là cơ sở của sự phiền nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ thừa hành. Cho dù những thông tin doanh nghiệp tự kê khai này không có giá trị gì về quản lý nhưng lại rất tốn kém cho xã hội.

Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

2018 được xem là năm của cải cách điều kiện kinh doanh, ngay từ đầu năm chỉ tiêu cụ thể về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh đã được Chính phủ chỉ đạo trong các Nghị quyết 01, Nghị quyết 19. Các bộ đã đồng loạt lập phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, theo đó tỷ lệ đề xuất hầu hết đều trên 50% và tiến hành xây dựng các nghị định để hiện thực hóa.

Đã có đến 25 nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành. Mặc dù vẫn còn những câu hỏi đầy hoài nghi, rằng “việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đã đạt được mục tiêu?”, “liệu việc cắt giảm đó có phải là thực chất?”, thì vẫn không thể phủ nhận rằng, năm 2018 là một năm hừng hực khí thế cải cách nhờ “sức nóng” từ chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ và áp lực từ ý kiến phản hồi của cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cần tránh tình trạng đưa ra phương án cắt giảm cho có, mang tính đối phó, không thực chất. Như tình trạng gộp 3 điều kiện kinh doanh cụ thể làm 1 và thống kê là đã cắt giảm 2 điều kiện như một số doanh nghiệp và chuyên gia phản ánh. Hay tình trạng chuyển điều kiện kinh doanh sang hình thức quản lý khác bằng quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định mới để giữ nguyên tinh thần xin phép, cấp phép.

Trong nội bộ từng bộ, kinh nghiệm cho thấy bộ trưởng không giao cho các vụ, cục đang thực hiện nhiệm vụ cấp phép lại là cơ quan chủ trì soạn thảo phương án hay chủ trì soạn thảo các nghị định, thông tư cải cách cấp phép này. Những “ông” nào đang cấp phép thì sẽ không có động lực và sẽ tìm cách này, cách khác giữ lại quyền của mình. Quy định cải cách cần giao cho các bộ phận độc lập, chịu trách nhiệm trước bộ trưởng và chủ động tham vấn những vấn đề chuyên môn của các cơ quan khác. Khi soạn thảo phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh cần tích cực tham vấn các hiệp hội liên quan cũng như Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Giám sát thực thi cấp cơ sở

Thời gian qua cấp bộ, cấp tỉnh đã có những chuyển động tích cực, chủ động đưa ra các sáng kiến và chương trình cải cách điều kiện kinh doanh hay kiểm tra chuyên ngành. Một số địa phương đã thực hiện rất tốt việc cải cách thủ tục hành chính và đối thoại doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều cản trở đang nằm ở cấp cơ sở dưới cấp tỉnh như sở, ngành hay quận, huyện, thị xã và hệ thống chính quyền bên dưới nữa. Các cấp này nếu vận hành không tốt sẽ ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt sẽ ảnh hướng lớn tới doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và hàng triệu hộ kinh doanh.

Một số địa phương thời gian qua đã tiên phong áp dụng bộ chỉ số đánh giá thực thi hành chính của cấp sở, ngành và quận huyện theo cách thức mà VCCI thực hiện Chỉ số PCI. Một số mô hình rất tốt như Chỉ số DDCI của Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Lạng Sơn... Hiện nay thống kê chưa đầy đủ của VCCI thì có 20 tỉnh, thành phố đã triển khai mô hình này theo quy mô khác nhau.

Chi phí thực hiện thủ tục hành chính thấp hơn là một động lực quan trọng để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt.

Thời gian tới các tỉnh, thành phố, đặc biệt Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cần phải đi đầu trong tổ chức giám sát và đánh giá việc thực hiện thủ tục hành chính của các sở, ngành, quận huyện. Người đánh giá cần là doanh nghiệp và các hộ kinh doanh, cơ quan tổ chức đánh giá ở tỉnh cần là các tổ chức khách quan và độc lập như các hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh hay các tổ chức viện trực thuộc tỉnh. Phương pháp đánh giá cần khoa học, bài bản.

Giảm thanh tra, kiểm tra

Thực hiện Chỉ thị 20 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ, tình trạng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã giảm bớt nhưng vẫn còn cao hơn so với yêu cầu tối đa chỉ có một lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp trong một năm trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Qua điều tra của VCCI, doanh nghiệp phản ánh có tình trạng thanh tra không phải để phát hiện vi phạm mà thanh tra, kiểm tra để vòi vĩnh, kiếm tiền. Có những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, bài bản thì bị thanh tra, kiểm tra liên tục trong khi đó những trường hợp vi phạm ngang nhiên thì không thấy cơ quan quản lý nhà nước đâu.

Một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp sạch ngay thành phố Hà Nội tại diễn đàn của VCCI đã cho biết rằng, một tháng phải đón tiếp đến tám đoàn thanh tra, kiểm tra; doanh nghiệp này phải thành lập bộ phận ba người với quỹ lương là xấp xỉ 30 triệu/tháng chỉ chuyên đón tiếp và phục vụ yêu cầu về giấy tờ, sổ sách của các đoàn thanh tra, kiểm tra.

Để giải quyết vấn đề này, cần có đề án để thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp theo nguyên tắc quản lý rủi ro (tương tự như cách cơ quan hải quan phân loại hàng hoá nhập khẩu theo luồng xanh, vàng hay đỏ). Những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đóng thuế nghiêm túc, chưa có dấu hiệu vi phạm thì cần phải hạn chế có các đoàn thanh tra, kiểm tra. Những doanh nghiệp nào có tiền sử vi phạm, làm ăn không nghiêm túc thì bị đưa vào diện theo dõi và giám sát chặt chẽ và tần suất thanh tra, kiểm tra cao hơn.

Chính quyền luôn ủng hộ và bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc; và chi phí thực hiện thủ tục hành chính thấp hơn là một động lực quan trọng để doanh nghiệp tuân thủ pháp luật tốt. Việc lựa chọn doanh nghiệp nào để đưa vào diện thanh tra, kiểm tra cũng cần thực hiện khách quan và công minh để tránh tính trạng bảo kê bỏ qua hay lạm dụng để làm khó, kiếm tiền.

Thanh tra Chính phủ phải là cơ quan chủ trì rà soát lại các quy định thanh tra, kiểm tra hiện nay và thúc đẩy cơ chế hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Tích cực chia sẻ và phối hợp thông tin lần nhau để tránh chồng chéo khi thanh tra, kiểm tra.

Đậu Anh Tuấn/Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án VNCI

Đăng trên TheLEADER

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...