Cần một cuộc “cách mạng” quản lý vốn Nhà nước

Vốn nhà nước tại các DNNN rất lớn, tới 1,3 triệu tỷ đồng, nếu không có mô hình quản lý vốn nhà nước phù hợp, nguy cơ thất thoát, tham nhũng rất lớn.
Cần một cuộc “cách mạng” quản lý vốn Nhà nước

Song song với đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, thì quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng đang là vấn đề “nóng”. Với lượng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp rất lớn lên đến 1,3 triệu tỷ đồng, nếu không chọn được mô hình quản lý vốn nhà nước phù hợp, nguy cơ thất thoát, tham nhũng là rất lớn.

Tách bạch chức năng quản lý

Chỉ riêng 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương đã thua lỗ tới 16.000 tỷ đồng, tổng nợ phải trả trên 55.000 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là ai chịu trách nhiệm, Bộ Công Thương hay là các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước?

Những hạn chế, yếu kém của DNNN đã được chỉ ra nhiều, song gốc rễ vấn đề chính là ở chỗ mô hình quản lý vốn nhà nước còn lỏng lẻo và bất cập, phân tán về các bộ chủ quản hoặc UBND chủ quản. Cùng lúc đóng vai quản lý nhà nước và quản lý vốn tại DN, nên dễ xảy ra tiêu cực và không rõ về trách nhiệm giải trình nếu xảy ra sai phạm, tham nhũng hay thất thoát tài sản.

Bởi vậy, tách chức năng quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dù là vấn đề phức tạp nhưng nhất thiết phải thực hiện. Việc thành lập Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đánh dấu sự đổi mới cơ chế quản lý đối với DNNN, chuyển từ quản lý hành chính sang quan hệ đầu tư, góp vốn.

Ông Nguyễn Hồng Hiển, Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, từ khi thành lập đến cuối năm 2016, SCIC tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại hơn 1.000 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà nước hơn 9.900 tỷ đồng. So với thời điểm thành lập, doanh thu tăng gấp 151,3 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 143 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 9,9 lần; tổng tài sản tăng gấp 13,5 lần…

"Mô hình SCIC có thế mạnh so với cơ chế chủ quản hành chính trước. SCIC không chỉ đóng vai trò quản lý vốn mà còn thực hiện chức năng kinh doanh vốn, làm cho phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không chỉ bảo toàn mà còn gia tăng giá trị”, đại diện SCIC nhận định.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế, qua 10 năm hoạt động, vốn nhà nước do SCIC tiếp nhận quản lý mới bằng khoảng gần 1% tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp; phần lớn vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trên 99%) do các Bộ, địa phương quản lý nên đã hạn chế quy mô hoạt động đầu tư kinh doanh vốn của SCIC.

Ông Phạm Đình Soạn, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính cho rằng, cái chưa được của SCIC là ở chỗ SCIC chỉ dừng lại ở mức nhận vốn từ những doanh nghiệp trực thuộc Bộ ngành và UBND tỉnh thành phố sau cổ phần hóa, còn những doanh nghiệp thuộc Tổng công ty và Tập đoàn sau cổ phần hóa vẫn do các Tổng công ty và Tập đoàn này nắm giữ. Việc thoái vốn hiện nay cũng đang diễn ra khá chậm. Bởi vậy, đã đến lúc cần một mô hình phù hợp hơn để quản lý 1,3 triệu tỷ đồng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cần một nhà đầu tư đủ lớn mạnh và năng động

Hiện tại, có hai mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang được các bộ, ngành liên quan đề xuất lựa chọn báo cáo Bộ Chính trị và Trung ương xem xét quyết định. Một là thành lập một cơ quan nhà nước làm nhiệm vụ quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hai là thành lập một doanh nghiệp nhà nước quản lý và đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, trên cơ sở nâng cấp SCIC, giao thêm nhiệm vụ quyền hạn và nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này. Nhìn về tổng thể, cả hai mô hình đều đảm bảo tách chức năng đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN ra khỏi cơ quan quản lý hành chính nhà nước.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, dù chọn mô hình nào thì đó cũng phải là một nhà đầu tư chủ động, hạn chế tối đa can thiệp hành chính vào doanh nghiệp; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước.

Với mô hình cơ quan quản lý, mặc dù vị thế pháp lý và chính trị mạnh hơn mô hình doanh nghiệp, nhưng do là cơ quan nhà nước nên vẫn dễ can thiệp hành chính vào doanh nghiệp và trách nhiệm nâng cao hiệu quả quản lý chưa rõ ràng, cụ thể như mô hình doanh nghiệp. Trong khi đó, mô hình doanh nghiệp ưu điểm rõ nét hơn, tạo động lực, trách nhiệm và phù hợp hơn với hoạt động kinh doanh vốn nhà nước. “Tuy vậy, vị thế pháp lý và chính trị yếu hơn có thể dẫn đến việc không dễ chuyển các Tập đoàn, Tổng công ty về doanh nghiệp này quản lý....”, ông Cung lo ngại.

Ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng mô hình doanh nghiệp có thể nâng cấp từ SCIC là phù hợp nhưng điều quan trọng là phải xử lý được 2 vấn đề: nâng cao vị thế pháp lý của doanh nghiệp này và xử lý được mối quan hệ với các DNNN lớn. Theo đó, công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước phải là người đồng hành cùng với DNNN, chứ không phải mô hình công ty mẹ - công ty con đối với các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, không tạo ra sự xung đột, cản trở công tác điều hành, quản trị sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, điều ông Tiến lo ngại nhất là cơ quan này có dám giải trình các vấn đề mà mình không phải điều hành trực tiếp không? “Các dự án thua lỗ hiện nay ở DNNN do tổng giám đốc điều hành và được che chắn bởi hàng loạt các văn bản pháp quy trình lên cấp thẩm quyền, cấp cao nhất cũng duyệt đồng ý cho triển khai dự án đó. Chúng ta tách được bộ chủ quản ra rồi nhưng sẽ đẩy rủi ro về đây. Nếu đồng tiền không đi liền khúc ruột, không gắn trách nhiệm thì chúng ta vẫn đi chữa cháy, bảo vệ cho cái làm sai của các lãnh đạo DNNN”, ông Tiến băn khoăn.

Thực thế suốt 30 năm qua, quản lý vốn nhà nước vẫn còn nhiều lúng túng, đã có lúc đưa về mô hình quản lý tập trung nhưng sau đó không phù hợp, nên lại đưa ra phân tán, đưa về mô hình tập đoàn, tổng công ty. Nhưng qua nhiều năm, việc phân tán quyền sở hữu và quản lý vốn nhà nước lại phát sinh nhiều bất cập, dẫn đến đòi hỏi lại phải nghiên cứu một mô hình quản lý mới.

Việc lựa chọn mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhưng phải phù hợp với thực tiễn quản lý của Việt Nam và phù hợp với quy mô, tiến trình cải cách DNNN. Mô hình mới cũng phải đáp ứng được yêu cầu quản lý vốn nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực và giúp DNNN nâng cao được hiệu quả quản lý.

Theo VOV NEWS

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...