"Tôi biết là vay ODA sắp vượt trần rồi, đề nghị Uỷ ban Tài chính - Ngân sách canh chừng để thông báo với Chính phủ", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh khi gói lại phiên thảo luận về dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), chiều 12/9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, hiện nay có sự chồng chéo trong quản lý, nhất là với các khoản vay nước ngoài trong đó có ODA.
Quy định về cơ quan quản lý nợ công là vấn đề duy nhất được bàn thảo, sau khi đã yêu cầu Chính phủ làm rõ hơn lý do kiên quyết "đòi" giữ cả ba đầu mối như hiện tại.
Theo quy định hiện hành thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì giúp Chính phủ quản lý thống nhất về vốn ODA, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là đại diện chính thức bên vay tại các tổ chức tài chính quốc tế. Cân đối nguồn vốn trả nợ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính.
Nhấn mạnh nợ công là vấn đề rất quan trọng, nhất là trong điều kiện nợ công của Việt Nam đã sát trẩn, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển khẳng định việc quản lý hiện tại có nhiều hạn chế và sửa luật chính là để khắc phục hạn chế đó.
Và, trách nhiệm của Chính phủ là thực hiện nghiêm túc tinh thần nghị quyết 07 của Bộ Chính trị: gắn trách nhiệm quyết định chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công.
Theo ông Hiển, hiện nay có sự chồng chéo trong quản lý, nhất là với các khoản vay nước ngoài trong đó có ODA và một số khoản vay với định chế tài chính nước ngoài.
Nhiều năm Chính phủ phải sang báo cáo để điều chỉnh, nhiều lần vượt dự toán vì quản lý không tốt rồi - ông Hiển nói.
Phó chủ tịch cho biết là ông cũng đã giao cho Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có văn bản thông báo với Chính phủ là số vốn vay ODA đã sắp vượt 300.00 tỷ đồng theo quyết định của Quốc hội rồi (trong hai triệu tỷ đồng tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 Chính phủ được vay 300 nghìn tỷ vốn nước ngoài - PV).
Nếu tiếp tục vay vượt trần này là không thực hiện đúng tinh thần nghị quyết của Quốc hội - ông Hiển nhấn mạnh. Cho biết đã giao cho uỷ ban giúp Quốc hội "gác cửa" ngân sách canh chừng, Phó chủ tịch nói vay đến "điểm G" là sẽ có văn bản chính thức thông báo với Chính phủ.
Quá trình khai thác, đàm phán chưa quản lý chặt được nên sửa luật phải khắc phục được những tồn tại này - ông Hiển yêu cầu.
Vì thế, sửa luật lần này theo ông Hiển phải nêu rõ Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề nợ công và sẽ phải điều chỉnh nhiều quy định cho chặt chẽ. Lấy ví dụ nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước, Phó chủ tịch nói qua nhiều lần giám sát ông đã hỏi Thống đốc Lê Minh Hưng thời ông Hưng còn làm Phó thống đốc là có nắm được câu chuyện vốn vay mà cơ quan này đi đàm phán được sử dụng thế nào không thì câu trả lời là chỉ làm theo nhiệm vụ được phân công (đàm phán và đại diện bên vay) chứ đầu tư vào đâu có hiệu quả hay không thì không thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy phải có người chịu trách nhiệm chính chứ không thể một anh quyết định lãi suất, một anh đi vay, trả nợ thì không hợp lý - Phó chủ tịch gút lại vấn đề.
"Ngân hàng về làm chính sách tiền tệ cho tốt, khỏi phải đi vay mà không biết sử dụng có hiệu quả hay không", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp lời Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.
Theo Vneconomy.vn