Theo ông Đào Minh Tú, Ủy viên Ban chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một trong 10 nội dung lớn đặt ra cho Thủ tướng khi đối thoại với công nhân tại Bắc Giang thời gian trước là vấn đề tín dụng đen bủa vây công nhân, lao động với nhiều hệ lụy đau lòng khi công nhân tiếp cận dịch vụ này.
"Ngăn chặn và dẹp bỏ tín dụng đen là công việc, chức năng của nhiều Bộ, ngành và các cấp lãnh đạo địa phương, chứ không riêng ngành ngân hàng. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng nếu cán bộ, công nhân tiếp cận được tín dụng chính thức thì họ không phải vay tín dụng đen", ông Tú cho biết.
Do đó, để hỗ trợ người lao động, ngành ngân hàng đã sẵn sàng chỉ đạo các công ty tài chính tiêu dùng có ngay gói tín dụng 20.000 tỉ đồng, với lãi suất bằng một nửa lãi suất cho vay hiện nay để cho công nhân, người lao động ở các khu công nghiệp có nhu cầu vay tiêu dùng.
Thời hạn vay từ 3 tháng đến tối đa 3 năm, với số tiền cho vay tối đa 70 triệu đồng/trường hợp để phục vụ sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày.
"Để triển khai được chương trình gói tín dụng 20.000 tỉ đồng cho vay tiêu dùng này, ngành ngân hàng mong muốn các cấp công đoàn, đặc biệt là LĐLĐ các tỉnh, thành phố ở nơi có nhiều khu công nghiệp quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng được giao nhiệm vụ này có thể tiếp cận công nhân", ông Đào Minh Tú chia sẻ.
Do đó, vai trò của các tổ chức công đoàn là giúp các tổ chức tín dụng xác nhận người vay có địa chỉ, có thu nhập để trả nợ và hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục thông qua các công nghệ. Các tổ chức công đoàn cấp cơ sở được ngành ngân hàng kì vọng đóng vai trò quyết định giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận công nhân.
Còn theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang, tín dụng đen trong công nhân lao động là tệ nạn tương đối phổ biến. Trước khi có hai công ty tài chính của ngân hàng Nhà nước vào làm việc thì Tổng Liên đoàn cũng đã trao đổi với hai công ty tài chính về việc này.
Hai vướng mắc lớn hiện nay là chuyện các tiệm cầm đồ trá hình cũng lấy tên công ty tài chính. Trong khi, công nhân tại các khu công nghiệp cũng chưa phân biệt được các công ty tài chính chính thống và trá hình.
Bên cạnh đó, việc một số công ty tài chính yêu cầu phòng nhân sự của doanh nghiệp phải có danh sách đóng dấu xác nhận công nhân trước khi giải ngân cũng là một vướng mắc. Chính vì những thủ tục như vậy nên một số công ty tài chính chưa tiếp cận được công nhân.
"Tuy nhiên trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam cam kết sẽ hỗ trợ để các công ty tài chính có thể kí trực tiếp với công đoàn các tỉnh, thành phố, thậm chí công đoàn khu công nghiệp. Mục tiêu là để công nhân lao động tiếp cận được với nguồn vốn chính thức", ông Nguyễn Đình Khang nói.