Sở Xây dựng TP. HCM có văn bản gửi UBND TP về kết quả kiểm tra, rà soát và đề xuất chính sách hỗ trợ và quản lý đối với nhà ở cho công nhân, người lao động thuê để ở do tổ chức hoặc hộ gia đình, cá nhân xây dựng trên địa bàn TP.
Theo đó, trên cơ sở kết quả kiểm tra sơ bộ từ các quận, huyện và TP Thủ Đức, Sở Xây dựng TP báo cáo, toàn thành phố có khoảng 60.470 công trình nhà ở (sau đây gọi tắt là nhà trọ) do người dân xây dựng cho công nhân, người lao động thuê để ở.
Trong đó, chia làm 2 nhóm gồm nhóm dãy phòng cho thuê độc lập với 34.800 công trình, tổng số phòng cho thuê là 357.246 phòng, tổng số người cho thuê tối đa 943.341 người. Nhóm 2 là nhà ở riêng lẻ ngăn chia từng phòng để cho thuê có 25.670 công trình, tổng số phòng cho thuê là 202.973 phòng; tổng số người cho thuê tối đa 486.726 người.
Qua kiểm tra, đối chiếu theo Hướng dẫn 3979, nhóm 1 phần lớn đáp ứng yêu cầu, chỉ có khoảng dưới 5% số phòng hoặc dưới 7% số công trình không đáp ứng về diện tích, chiều rộng, chiều cao. Về các chỉ tiêu nền nhà, cửa đi, cửa sổ, thông gió, tường bao che, mái nhà, vệ sinh, phần lớn đáp ứng yêu cầu, chỉ có khoảng dưới 2% số phòng hoặc dưới 6% số công trình không đáp ứng. Còn về các chi tiêu chí ánh sáng và cấp nước, tỷ lệ không đáp ứng chiếm rất ít, với tỷ lệ dưới 1,5%.
Lượng công trình dưới 5 tầng không có hồ sơ thiết kế phòng cháy chữa cháy; trang thiết bị phòng cháy chữa cháy tương đối cao, chiếm gần 36%. Đối với công trình trên 5 tầng, cơ bản đáp ứng yêu cầu về thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, khoảng 2,2% công trình không đáp ứng. Với nhóm 1 này, một số người cho thuê dự kiến sửa chữa, cải tạo với kinh phí dự kiến khoảng 441,899 tỉ đồng.
Đối với nhóm 2, các chi tiêu diện tích, chiều rộng, chiều cao, diện tích bình quân phần lớn đáp ứng yêu cầu, chỉ có khoảng dưới 9,6% số phòng không đáp ứng. Về diện tích bình quân 5m2/người, ở nhóm này có đến gần 18% công trình không đáp ứng. Các chỉ tiêu nền nhà, cửa đi, cửa sổ, thông gió, tường bao che, mái nhà, vệ sinh, phần lớn đáp ứng yêu cầu, khoảng dưới 1,7% số phòng hoặc công trình không đáp ứng. Riêng chỉ tiêu khu vệ sinh chung có bố trí riêng cho nam và nữ khoảng 14% không đáp ứng.
Về tiêu chí an toàn phòng cháy chữa cháy, số lượng công trình dưới 5 tầng không có hồ sơ thiết kế phòng cháy chữa cháy, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy tương đối cao, chiếm trên 12%; công trình trên 5 tầng, cơ bản đáp ứng yêu cầu về thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, khoảng 5% công trình không đáp ứng.
Nhóm này, người cho thuê dự kiến sửa chữa, cải tạo với kinh phí 319,012 tỉ đồng.
Từ thực tế nêu trên, Sở Xây dựng TP. HCM đề xuất các chính sách hỗ trợ và quản lý như tuyên truyền vận động, yêu cầu chủ nhà trọ phải có cam kết cụ thể việc thực hiện đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và phòng cháy chữa cháy.
Bên cạnh đó, hướng dẫn chủ nhà trọ phải thực hiện kê khai, cập nhật đầy đủ và kịp thời số người sử dụng trong khu nhà trọ, phòng trọ… Chính quyền địa phương cấp cơ sở cần giám sát nghiêm việc đầu tư xây dựng các khu nhà trọ, không để xây dựng sai phép, sử dụng sai công năng và sai công suất cho thuê.
Yêu cầu chủ nhà trọ phải thực hiện đăng ký kinh doanh để đảm bảo công tác quản lý, giám sát của chính quyền địa phương.
Tăng cường công tác kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký thường trú, tạm trú cho người thuê trọ.
Về chính sách hỗ trợ, Sở Xây dựng TP. HCM đề xuất giảm chi phí điện, nước hoặc chính sách về cách tính giá bán điện, nước sinh hoạt theo một mức giá trực tiếp đối với người thuê nhà trọ.
Sở cũng kiến nghị Thành phố ban hành gói hỗ trợ lãi suất khoảng 100 tỷ đồng đối với chủ nhà trọ khi vay vốn ngân hàng để sử dụng vào mục đích nâng cấp, sửa chữa cải tạo nhà trọ đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng… Thời gian áp dụng khoảng 03 năm.
Bên cạnh đó, cần miễn, giảm thuế kinh doanh có thời hạn đối với hộ gia đình, cá nhân kinh doanh nhà trọ.
Về thủ tục xây dựng, Sở Xây dựng kiến nghị rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, giải quyết ngay thủ tục đối với các chủ nhà trọ có nhu cầu sửa chữa theo hiện trạng (đối với các trường hợp đủ điều kiện).
Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cần ban hành bộ tiêu chí phòng chống dịch tại các khu nhà trọ; hỗ trợ về thiết bị y tế, trang thiết bị cần thiết; Thường xuyên theo dõi, tổ chức kiểm tra, xét nghiệm nhanh người thuê trọ theo định kỳ và đột xuất khi cần thiết.
Sở Xây dựng TP. HCM cũng kiến nghị UBND thành phố tổ chức cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện để hoàn thiện chính sách và thống nhất triển khai thực hiện.