Bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng giám đốc VinTech City
VinTech City, một công ty con về công nghệ thuộc Tập đoàn Vingroup, vừa thực hiện tour giới thiệu Quỹ tài trợ nghiên cứu ứng dụng VinTech (VinTech Fund) và công bố Chương trình tài trợ nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp công nghệ từ Bắc chí Nam.
Theo đó, Quỹ VinTech Fund đang “săn” các đề tài, dự án có triển vọng tạo ra công nghệ với hàm lượng nghiên cứu, tính sáng tạo; có khả năng thương mại hóa; uy tín, năng lực thực thi của nhóm nghiên cứu. Các đề tài, dự án đã có sản phẩm mẫu sẽ được ưu tiên.
Việc tuyển chọn các đề tài, dự án sẽ qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1: tiếp nhận hồ sơ và vòng thẩm định từ ngày 15/5 - 15/6, giai đoạn 2: vòng xét duyệt từ 15/6 - 15/7. Kết quả của Hội đồng chuyên gia tại vòng xét duyệt là căn cứ quan trọng cho các quyết định tài trợ cuối cùng.
Mới đây tại sự kiện diễn ra tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, bà Trương Lý Hoàng Phi, Tổng giám đốc VinTech City đã có những chia sẻ thú vị đến cộng đồng khởi nghiệp công nghệ.
Theo bà Phi, khó khăn lớn nhất đối với các công ty khởi nghiệp chưa hẳn là do thiếu nguồn vốn mà chính là yếu tố thị trường. Với những sản phẩm đầu tư công phu nhưng nếu không thể tiếp cận thị trường thì không ai biết đến và có thể chết đi. Trong khởi nghiệp thường có yếu tố giai đoạn và luôn tồn tại những nguy hiểm, hay còn gọi là “thung lũng của những cái chết”.
“Giai đoạn nguy hiểm nếu được hỗ trợ thì các start-up sẽ vượt qua và đưa được các sản phẩm đến gần hơn với người dùng. Đây chính là mục tiêu lớn nhất của Quỹ VinTech Fund”, bà Phi nhấn mạnh và cho biết: Ngay từ đầu VinTech Fund đã hướng tới mục tiêu trở thành hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho các công ty khởi nghiệp. Để hỗ trợ toàn diện thì quỹ này hướng đến mô hình Silicon Valley.
“Tuy nhiên, cả thế giới đều hướng về mô hình Silicon Valley nhưng có được bao nhiêu mô hình thành công như Silicon Valley. Điều đó có nghĩa là chúng ta có rất nhiều yếu tố để thành công sau đó, không chỉ có thể lấy một mô hình nào đó để áp dụng vào Việt Nam. Bởi vì mỗi thị trường sẽ có mỗi đặc tính khác nhau, tốc độ phát triển khác nhau, trình độ công nghệ phát triển khác nhau và khả năng chúng ta hiểu, chúng ta ứng dụng là hoàn toàn khác nhau, nó còn cả những yếu tố về văn hóa”, CEO Vintech City cho hay.
Vị CEO của Vintech City cùng các chuyên gia trao đổi với các sinh viên đam mê công nghệ tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM
Tuy nhiên, theo bà Phi thì một trong những ẩn số đằng sau sự thành công của những công ty công nghệ, những sản phẩm công nghệ đó chính là khả năng nhắm đúng thị trường. Để làm được điều này, người làm công nghệ cũng phải nắm được bản chất của mô hình Silicon Valley. Bà Phi phân tích, khi nói đến Silicon Valley người ta sẽ nói đến ba thành tố quan trọng.
Thứ nhất, chúng tôi thường định nghĩa là con người. Con người là một trong những nền tảng chính để tạo ra sản phẩm, con người sử dụng sản phẩm, hiểu và sử dụng sản phẩm trong môi trường mới. Con người là một ẩn số vô cùng quan trọng, cần phải được nghiên cứu thật kỹ trước khi quyết định tạo nên một sản phẩm.
Thứ hai, lợi thế cạnh tranh thị trường toàn cầu: Những người tài ngồi lại với nhau tạo nên sản phẩm có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao. Chính lợi thế cạnh tranh này đem sản phẩm đến nhiều người dùng. Không chỉ giới hạn một người hay nhóm người mà là thị trường toàn cầu. Chúng ta nói về những ước mơ, ước mơ một sản phẩm Việt Nam được ứng dụng toàn cầu. Trong khởi nghiệp có nhiều kỳ tích và giấc mơ lớn. Ai cũng có thể mơ và nếu hành động cụ thể thì một ngày sẽ chạm tới được.
Thứ ba, hệ sinh thái bổ trợ. Hệ sinh thái sẽ hỗ trợ về idea, sản phẩm, nguồn lực… Khi chúng ta có người tài năng, có những sản phẩm nhiều lợi thế cạnh tranh thì chúng ta cần một đầu ra tốt. Do đó, hệ sinh thái có thể hỗ trợ ý tưởng, sản phẩm, thông tin, tài chính, và đặc biệt là giúp các sản phẩm ra được thị trường.
Ngoài ra, bà Trương Lý Hoàng Phi cũng chia sẻ rằng, VinTech sẽ cố gắng tối đa để hỗ trợ về hệ sinh thái. Tuy nhiên, yếu tố thành công còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của những bạn trẻ đam mê về công nghệ.
“Mô hình này có thành công hay không còn phụ vào nhiều yếu tố: chuyên ngành, tần suất hoạt động, sự quan tâm của sinh viên và nỗ lực của những bạn trẻ muốn khởi nghiệp với các sản phẩm công nghệ.
Đối với đóng góp của VinTech là tạo nên chất xúc tác để thúc đẩy các bạn sinh viên đam mê với công nghệ. Các trường sẽ đóng góp là khả năng vận hành, kỹ năng chuyên môn, đam mê và khả năng nhìn nhận các sản phẩm công nghệ, còn VinTech sẽ hỗ trợ về hệ sinh thái. Tất cả sẽ hướng về mục tiêu chung là đưa các sản phẩm khoa học công nghệ đến gần hơn với người dùng”, CEO Vintech City khẳng định.