Đó là kết luận của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển sau phiên thảo luận về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay.
Ông Hiển nhấn mạnh, đầu tư công trong thời gian còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 phải bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, tiêu chí, thứ tự ưu tiên trong phân bổ. Theo đó ưu tiên cho thanh toán dứt điểm nợ xây dựng cơ bản phát sinh trước 31/12/2014; tập trung cho các công trình đang thực hiện dở dang, thiếu vốn nhằm hoàn thành dứt điểm, đưa vào sử dụng, tránh kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí; cân đối cho các dự án ODA đã ký kết được hưởng lãi suất ưu đãi.
Nguồn vốn đầu tư cần ưu tiên cho những dự án thực sự cấp bách, phải khắc phục được tính dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, mang tính lan tỏa, kết nối vùng miền, đặc biệt tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn”, ông Hiển nhấn mạnh.
“Trong số tiền 2 triệu tỷ đồng này không bao gồm nguồn tăng chi đầu tư phát triển do tăng thu ngân sách địa phương và nguồn vốn để lại đầu tư cho PVN và Viettel.
Theo ông Hiển, với cách phân bổ nguồn vốn này, trong cả giai đoạn 2016-2020 sẽ giữ được bội chi ngân sách nhà nước (3,9% GDP) và giữ vững được an toàn nợ công.
Đánh giá về triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn trong 3 năm vừa qua (2016-2018), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, triển khai Luật Đầu tư công, đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, quan trọng trong công tác quản lý đầu tư công.
Lần đầu tiên có bước đổi mới mang tính đột phá trong việc thay đổi căn bản phương thức quản lý, cân đối, phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia dành cho đầu tư phát triển, chuyển từ cơ chế quản lý theo kế hoạch đầu tư hằng năm sang kế hoạch trung hạn gắn với kế hoạch hằng năm, đồng thời siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính trong việc thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án gắn với thẩm định nguồn và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước, thu hút vốn từ các thành phần kinh tế khác, đảm bảo cân đối vĩ mô, an toàn nợ công.
“Qua 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công và Nghị quyết 26/2016/QH14, với sự chủ động tích cực của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công đã được tăng cường, cân đối tài chính vĩ mô được giữ vững. Các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, từ phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và cân đối nguồn lực, phân bổ vốn để triển khai thực hiện”, ông Hải phát biểu.
Cũng theo ông Hải, mục tiêu cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công đã đạt được kết quả bước đầu khá tích cực. Việc cân đối tổng thể nguồn lực đầu tư công trong giai đoạn 2016-2020 được xác định rõ ràng, tạo chủ động cho Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong cân đối nguồn lực đầu tư từ ngân sách và huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển.
Cơ cấu chi ngân sách cho đầu tư phát triển có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ ngân sách các năm 2016-2018 tăng lên mức 26-27% vượt mục tiêu đặt ra là 25-26%. Cơ cấu đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực được điều chỉnh phù hợp hơn. Hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội bước đầu tăng lên, hệ số ICOR giảm từ 6,36 của giai đoạn 2011-2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015-2017.