Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình KTXH năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KTXH năm 2025; và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính tập trung trình bày những nội dung cốt yếu nhất về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển năm 2025.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; tình hình kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước; nhìn chung tình hình kinh tế- xã hội11 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Sau 11 tháng, dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng. Tăng trưởng cả năm ước đạt trên 7% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới). Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao; riêng lương thực, tính chung 11 tháng, xuất khẩu gạo đạt trên 8,5 triệu tấn, kim ngạch trên 5,3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,6% và 22,4% so với cùng kỳ. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 715 tỷ USD, tăng 15,3%, xuất siêu trên 23 tỷ USD; ước cả năm đạt 807,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước ước cả năm vượt trên 10% dự toán (thu ngân sách 11 tháng bằng 106,7% dự toán và tăng 16,4% so với cùng kỳ); bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.
Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả được nâng lên. Nhiều công trình giao thông quan trọng, quy mô lớn được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn, các vùng miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Thu hút FDI là điểm sáng và nằm trong nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; trong 11 tháng, thu hút FDI đạt 31 tỷ USD, vốn FDI thực hiện đạt 20,4 tỷ USD, tăng 7%, cao nhất trong nhiều năm qua.
Năm 2025 đang đến rất gần, theo Thủ tướng, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn nhiều khó khăn thách thức, năm 2025, cả nước vừa phải "tăng tốc, bứt phá", tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KTXH của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Thủ tướng chỉ rõ một số chỉ tiêu chủ yếu, trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7%, Thủ tướng nhấn mạnh phải ưu tiên cho tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8% để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế thực hiện kế hoạch năm 2026 và cả giai đoạn 2021-2030.
Cùng với đó phải phấn đầu hoàn thành ít nhất 3.000 km đường bộ cao tốc, cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành, các công trình lớn, xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước…; trên cơ sở đó tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình để trở thành quốc gia giàu mạnh, thịnh vượng và Nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2025 để thực hiện mục tiêu tổng quát. Thủ tướng cho biết xác định năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.