Đoàn công tác VACOD – HBA sẽ làm việc với 10 cơ quan, tổ chức tại Nga

TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA cho biết ngay sau Diễn đàn kinh tế đô thị của khối BRICS tại Saint Petersburg, đoàn sẽ làm việc với 3 tổ chức. Sau đó đoàn tiếp tục lên đường tới Thủ đô Moscow với lịch làm việc dày đặc…

r1.jpg
TS. Nguyễn Hồng Sơn chủ trì chương trình Bữa sáng Doanh nhân

Tham dự chương trình Bữa sáng Doanh nhân ngày 16/11 có ông Mai Xuân Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội; ông Đỗ Thanh Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục thuế khu vực Lào cai - Mường Khương; PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, ĐH Quốc gia Hà Nội; bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam – VACOD; bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội - HBA cùng các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội VACOD–HBA.

HÀNH TRÌNH KẾT NỐI - HƠN CẢ MỘT CHUYẾN ĐI

Chỉ còn ít ngày nữa sẽ chính thức diễn ra hoạt động xúc tiến thương mại đặc biệt quan trọng đã được TS. Nguyễn Hồng Sơn liên tục nhấn mạnh tại nhiều sự kiện gần đây của VACOD – HBA. Đó là chuyến công tác sang Liên bang Nga của đoàn lãnh đạo VACOD – HBA và một số doanh nghiệp hội viên.

Theo lời mời của Ủy ban đối ngoại Saint Petersbur, Liên bang Nga, đoàn công tác VACOD-HBA sẽ tham dự Diễn đàn kinh tế đô thị của khối BRICS tại Saint Petersburg vào ngày 21, 22/11. Chuyến công tác quan trọng đánh dấu bước tiến vượt bậc trong quan hệ hợp tác giữa VACOD – HBA với chính quyền Saint Petersburg và một số tổ chức ngoại giao, kinh tế, nghề nghiệp tại thành phố Saint Petersbur và Thủ đô Moscow, Liên bang Nga. Thông tin nhanh về chương trình làm việc của đoàn công tác tại Nga, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn cho biết, đến nay mọi bước chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất. Chương trình làm việc của đoàn xuyên suốt 10 ngày đã được lên kế hoạch chi tiết từng mốc thời gian.

Theo kế hoạch, ngay sau 2 ngày tham dự Diễn đàn kinh tế đô thị của khối BRICS, tại Saint Petersburg, đoàn tiếp tục làm việc với 3 tổ chức gồm Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg; Phòng Thương mại và Công nghiệp Saint Petersburg, Hội doanh Việt Nam tại Saint Petersburg. Vào ngày 25/11, sẽ diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa VACOD – HBA và Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg, đánh dấu cột mốc hợp tác chính thức giữa hai bên sau quãng thời gian dài gìn giữ và phát triển mối quan hệ ngoại giao thân thiết.

Đặc biệt, ngoài việc thực hiện hoạt động ký kết hợp tác với Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg, dự kiến VACOD-HBA sẽ là một trong số rất ít tổ chức được lựa chọn để thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác với đơn vị tổ chức Diễn đàn kinh tế đô thị thường niên của khối BRICS. Đây cũng là cơ hội để hai hiệp hội tiếp tục thực hiện các chuyến xúc tiến thương mại quốc tế trong khuôn khổ các diễn đàn của khối BRICS được tổ chức hàng năm.

Chiều ngày 25/11, đoàn công tác sẽ kết thúc hoạt động tại Saint Petersburg và di chuyển tới Thủ đô Moscow để tiếp tục chương trình làm việc. Tại đây, đoàn công tác sẽ thực hiện 4 chương trình làm việc với các tổ chức gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp nhẹ và Thời trang Liên bang Nga; Hiệp hội Doanh nghiệp Nga Delovaya Rossiya; Phòng Thương mại và Công nghiệp Moscow; Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Moscow.

r2.jpg

Đáng chú ý, chương trình làm việc sẽ được tiến hành tại Trung tâm Thương mại Hà Nội – Moscow, một trong những biểu tượng của sự hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam với Liên bang Nga. Cũng tại đây, ngày 28/11 VACOD – HBA sẽ thực hiện lễ ký kết hợp tác với Hiệp hội các nhà doanh nghiệp Việt Nam tại Moscow, mở ra những cơ hội hợp tác, giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp hội viên hai hiệp hội với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động và phát triển tại đất nước Nga.

Cập nhật lịch trình mới nhất, đoàn công tác VACOD – HBA sẽ có thêm một chương trình làm việc quan trọng. Theo lời mời chính thức của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên bang Nga, đoàn sẽ có chuyến thăm và làm việc tại đại sứ quán, Đại sứ Đặng Minh Khôi sẽ trực tiếp đón đoàn. Đồng thời, đoàn công tác cũng sẽ có chuyến thăm và làm việc tại cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga.

Ngoài chương trình làm việc tương đối dày đặc, chuyến đi vẫn sẽ có những khoảng thời gian phù hợp để các thành viên trong đoàn đi tham quan tại các danh thắng, di tích lịch sử nổi tiếng tại hai thành phố lớn nhất nước Nga. Từ tham quan chợ tranh, phố tranh nổi tiếng, khu lưu niệm với những di tích cách mạng lẫy lừng của nước Nga đến chuyến đi du ngoạn bằng tàu trên sông ở Moscow để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của xứ sở bạch dương.

Có những điểm đến đoàn công tác được đại diện Chính phủ Nga trực tiếp dẫn đường và hỗ trợ tham quan. Cùng với đó, với nhiệm vụ tiên phong nhằm xúc tiến thị trường kinh tế, đoàn công tác cũng sẽ tập trung tham quan, tìm hiểu một số nơi tổ chức hoạt động kinh doanh như siêu thị, cơ sở bán buôn bán lẻ, chợ người Việt… “Hy vọng chúng ta sẽ có một chuyến đi thành công về mặt công việc, đồng thời đoàn công tác cũng có nhiều cơ hội để tìm hiểu văn hóa đất nước và con người của Nga, đất nước anh em thân thiết của Việt Nam suốt nhiều thập kỷ qua”, chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn nói.

Đáng chú ý, trong thời gian đoàn xúc tiến thương mại VACOD - HBA thực hiện chương trình làm việc tại Nga, mọi hoạt động công việc của VACOD – HBA trong nước vẫn diễn ra bình thường. Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn chỉ đạo các thành viên văn phòng hai hiệp hội dưới sự giám sát của các Phó Chủ tịch tích cực kết nối các doanh nghiệp hội viên, hỗ trợ thực hiện chuỗi chương trình đào tạo quản trị do Viện Đào tạo và Bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực tổ chức.

Ngày 30/11, đoàn sẽ kết thúc chuyến công tác, rời Thủ đô Moscow về Thủ đô Hà Nội. Ngay sau đó, ban lãnh đạo VACOD – HBA sẽ bắt tay vào thực hiện các công việc quan trọng trong tháng cuối cùng năm 2024. Ngay từ thời điểm đầu tháng, vào ngày 4/12, Bộ Công Thương tổ chức Diễn đàn Chính sách và Pháp luật phát triển thị trường trong nước năm 2024 với chủ đề “Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại nhanh, bền vững”. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Thường trực VACOD sẽ đại diện hiệp hội tham dự chương trình và có bài tham luận tại sự kiện quan trọng này.

KỲ VỌNG NHỮNG CƠ HỘI TỪ NƯỚC NGA

Trong chuyến công tác xúc tiến thương mại tại Liên bang Nga của VACOD – HBA đợt này còn có sự tham dự của đại diện một số doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều mang theo những kỳ vọng lớn vào thị trường Nga, một thị trường tiềm năng với dân số đông và nhu cầu đa dạng.

Đại diện các doanh nghiệp chia sẻ rằng họ hy vọng chuyến đi này sẽ mở ra cơ hội hợp tác mới, tìm kiếm đối tác chiến lược, đồng thời quảng bá hình ảnh và sản phẩm của Việt Nam đến với người tiêu dùng Nga. Thông qua chuỗi hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của mình và tìm hiểu sâu hơn về thị trường này.

r3.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Trung (áo trắng) mong chờ một chuyến công tác hiệu quả

Ông Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Ba Thành, một doanh nghiệp phát triển ngành hàng may mặc đã có chia sẻ cảm xúc trước chuyến đi. “Có lẽ đối với tôi đây là chuyến xuất ngoại đặc biệt ý nghĩa và tôi cũng đặt khá nhiều kỳ vọng. Đầu tiên phải nói đến là chuyến đi này sẽ phần nào đáp ứng sự tò mò của tôi về đất nước Nga từ thời Liên xô cũ mà tôi được biết đến từ rất lâu qua sách báo, phim ảnh. Đó là một tình cảm rất đặc biệt, khó diễn tả thành lời vừa thân thuộc nhưng cũng vừa mới lạ”, ông Trung bày tỏ.

Nói về mục tiêu xúc tiến thương mại, ông Trung cũng bày tỏ hy vọng có cơ hội tìm thấy một thị trường phù hợp với sản phẩm của doanh nghiệp mình. Với những đặc thù trong phương thức hoạt động của Ba Thành, ông Trung cũng mong muốn được học hỏi những phong cách thời trang hiện đại nhưng vẫn mang đậm nét quý tộc của người Nga để có thể phát triển hơn nữa những chiến lược kinh doanh sắp tới của doanh nghiệp. Việc học hỏi thị hiếu thời trang của giới doanh nhân, chính khách Nga có thể sẽ giúp doanh nghiệp của ông Trung định hình phong cách thiết kế trang phục của doanh nghiệp, từ đó có thể đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng trong và ngoài nước.

Tương tự ông Trung, bà Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc điều hành Công ty TNHH L’Splace cũng không giấu được cảm xúc háo hức trong chuyến công tác đầu tiên đến đất nước Nga. Với đặc thù hoạt động lĩnh vực chuỗi siêu thị bán lẻ các sản phẩm nhập khẩu từ nhiều quốc gia, bà Thủy cũng đặt rất nhiều kỳ vọng vào chuyến đi Nga lần này.

“Trước mắt, tôi mong muốn tìm kiếm nguồn hàng chất lượng, phù hợp để đưa những sản phẩm đặc trưng của Nga về Việt Nam. Cùng với đó, tôi cũng hi vọng sẽ tìm được các đối tác để đưa những sản phẩm của Việt Nam sang thị trường Nga phục vụ nhu cầu tiêu dùng hai chiều”, bà Thủy nói.

Ngoài ra, bà Thủy cũng chia sẻ thêm, với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bán lẻ các mặt hàng nhập khẩu, nữ doanh nhân nhận thấy các sản phẩm có nguồn gốc từ Nga cũng chiếm thị phần khá lớn trong nhu cầu của người tiêu dùng. Người Việt Nam từ lâu đã có thói quen tìm kiếm các sản phẩm của Nga từ những đồ gia dụng đến thực phẩm, bánh kẹo, đồ đông lạnh. Đặc biệt, vào thời điểm cận Tết, nhu cầu tìm kiếm các loại bánh kẹo, đồ uống nhập khẩu từ Nga càng tăng cao. Đây cũng là thị trường ngách mà hệ thống L's Place đang hướng đến với mong muốn trao tận tay khách hàng những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, nhập khẩu trực tiếp từ các đối tác của nước bạn.

r4.jpg
Bà Nguyễn Thu Thủy (bên trái) và bà Hồ Thị Phúc

Khiêm tốn chia sẻ về kỳ vọng vào chuyến đi công tác tại Nga, bà Hồ Thị Phúc, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Cảnh Thịnh cho biết, là một doanh nghiệp ngành rượu nên bà Phúc mong muốn có thể học hỏi những xu thế sử dụng mặt hàng này tại quốc gia mà người dân rất “sành” về rượu như Nga.

Bà Phúc cho biết thêm, cũng giống như các doanh nghiệp khác khi quyết định thực hiện chuyến công tác này, chắc chắn mang kỳ vọng sẽ có cơ hội xúc tiến thương mại, mở rộng kết nối giao thương với các bạn hàng tại Nga và Cảnh Thịnh cũng có một mong mỏi như vậy. Mặt hàng Cảnh Thịnh sản xuất là rượu và các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo sẽ kén người sử dụng. Bà kỳ vọng qua chuyến công tác, doanh nghiệp sẽ có cơ hội giới thiệu các sản phẩm đến bạn bè quốc tế và có thể xác định cho mình một thị trường nhỏ nhưng tiềm năng với những đối tượng khách hàng thực sự cần và có nhu cầu muốn sử dụng dòng sản phẩm này.

Theo chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp, đến với Nga lần này, họ sẽ mang gửi tặng các vị đối tác, những người bạn Nga nhiều món quà mang đậm nét đặc trưng của Việt Nam, thể hiện sự trân quý những mối quan hệ gắn bó thân thiết và đáp lại sự tiếp đón nhiệt tình, nồng hậu của nước bạn.

NỖ LỰC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHÁT TRIỂN

Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn luôn nhấn mạnh, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, VACOD – HBA cũng rất chú trọng việc hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng quản trị, tổ chức, quản lý rủi ro trong quá trình vận hành, hoạt động. Nằm trong chuỗi chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp, giai đoạn này VACOD - HBA phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tiến hành triển khai kế hoạch tuyển sinh khóa đào tạo với nội dung công tác quản trị áp dụng công nghệ mới phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu. Khóa đào tạo nhằm giúp cộng đồng doanh nghiệp sớm nắm bắt những xu hướng phát triển gắn liền với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.

Cụ thể, Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ cùng hai hiệp hội tổ chức khóa đào tạo với chủ đề: “Tối ưu hoạch định và quản lý mục tiêu theo mô hình Growth và Agile" hướng tới nhóm đối tượng là cán bộ giám sát, quản lý cấp trung và lãnh đạo các doanh nghiệp. Mục tiêu của chương trình đào tạo nhằm giải quyết những bài toán khó cho doanh nghiệp.

Thời gian chương trình đào tạo sẽ diễn ra trong 2 ngày 4 và 5/12 tại Hội trường 901 - tầng 9, tòa nhà Hội nghị và Đổi mới sáng tạo, Đại học Quốc Gia, địa chỉ số 144 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội.

Tại chương trình “Bữa sáng Doanh nhân”, PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp đã có một số chia sẻ cụ thể về khóa đào tạo. Theo PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, nội dung chương trình đào tạo cũng được xây dựng dựa trên số đông ý kiến của các doanh nghiệp bày tỏ về những khó khăn vướng mắc đang gặp phải. Ông Kiểm cho biết đây là mô hình quản trị doanh nghiệp được “nhập khẩu” và “Việt hóa” để phù hợp hơn với hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam.

r5.jpg
PGS.TS Trương Ngọc Kiểm

Mô hình Growth là một công cụ rất hiệu quả trong việc hỗ trợ các nhà lãnh đạo xác định mục tiêu và lập kế hoạch hành động. Agile là một phương pháp quản lý dự án và phát triển sản phẩm linh hoạt, cho phép nhóm làm việc đạt hiệu quả cao thông qua quy trình thích nghi nhanh chóng với những thay đổi, tập trung vào giá trị của khách hàng.

Trong thời gian đào tạo ngắn ngủi, các giảng viên, chuyên gia cao cấp cũng hy vọng có thể truyền tải tốt nhất định hướng và các thức vận dụng công cụ này vào quá trình điều hành doanh nghiệp.

Ông Kiểm nhấn mạnh: “Với những chương trình đào tạo tương tự mà đơn vị từng tổ chức, học phí thường tương đối cao bởi sẽ do các chuyên gia hàng đầu, giảng viên cao cấp trực tiếp đứng lớp. Tuy nhiên, trên tinh thần của Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp nên chúng tôi quyết định, đối với các doanh nghiệp hội viên của VACOD – HBA đăng ký khóa học lần này sẽ hoàn toàn được miễn phí”.

Trong khi đó, theo quy chế khóa học, đối với nhóm học viên khác tham gia sẽ phải đóng khoản học phí là 3 triệu đồng/người. Điều này cho thấy, trên tinh thần quan hệ hợp tác tốt đẹp từ trước giữa lãnh đạo VACOD – HBA và Đại học Quốc gia, phía cơ sở đào tạo luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối ưu cho các hội viên hai hiệp hội.

Sau phần cung cấp thông tin PGS.TS Trương Ngọc Kiểm, Chủ tịch Sơn lập tức chỉ đạo văn phòng hai Hiệp hội kịp thời thông báo chi tiết đến các doanh nghiệp hội viên để các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp cử cán bộ lãnh đạo các cấp trực tiếp tham gia khóa học nhằm đem lại hiệu quả cao nhất.

Nói thêm về chương trình đào tạo hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, mới đây chính ông đã trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng và Thứ trưởng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đề nghị Bộ có động thái hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động và phát triển. Trên cơ sở đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giới thiệu 3 đơn vị của Bộ gồm: Cục Phát triển doanh nghiệp; Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ phối hợp cùng VACOD – HBA thực hiện các chương trình đào tạo trong thời gian tới.

Đây sẽ là cơ sở để VACOD – HBA tiếp tục là cơ quan đầu mối kết nối các đơn vị xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt chuyên môn, công tác quản trị. Trong tương lai gần, có thể sẽ mở rộng chuỗi các hoạt động đào tạo cho doanh nghiệp hội viên VACOD – HBA với sự phối hợp của Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Người đứng đầu VACOD – HBA khẳng định, hai Hiệp hội sẽ tiếp tục kết nối, khai thác cơ hội và nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Trung tâm xúc tiến đầu tư Hà Nội thông qua các chương trình hoạt động trong những giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Một số hình ảnh ghi lại tại chương trình:

r6.jpg
r7.jpg
r8.jpg
r9.jpg
r11.jpg
r12.jpg

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…