Để thuế thu nhập cá nhân hết lạc hậu

Mức giảm trừ gia cảnh hay các khoản giảm trừ đặc thù khi tính thuế thu nhập cá nhân đang bị lỗi thời, không phù hợp với thực tế...

Để thuế thu nhập cá nhân hết lạc hậu

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, bên cạnh đề xuất hoàn thiện quy định về giảm trừ gia cảnh, đơn vị này còn kiến nghị bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ và các khoản giảm trừ đặc thù khác.

Bởi theo Bộ Tài chính, điều này không chỉ góp phần hỗ trợ người nộp thuế mà còn nhằm mục tiêu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến một số lĩnh vực như y tế, giáo dục.

BỔ SUNG CÁC KHOẢN GIẢM TRỪ

Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành đã quy định về giảm trừ cho bản thân người nộp thuế, giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế phải nuôi dưỡng. Đồng thời, luật cũng quy định không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, các khoản trợ cấp, phụ cấp đặc thù, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo...

Cụ thể, Điều 20 Luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công bao gồm: khoản đóng góp vào tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người tàn tật, người già không nơi nương tựa; khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhấn mạnh vẫn cần rà soát để bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp được giảm trừ.

"Bởi lẽ, hiện nay, việc hình thành và mở rộng các quỹ xã hội, quỹ từ thiện là giải pháp để giúp Chính phủ hỗ trợ phúc lợi cho các đối tượng yếu thế, trong đó các nguồn quỹ được hình thành từ sự huy động, đóng góp của người dân, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã góp phần thực hiện tốt các chính sách đền ơn, đáp nghĩa, an sinh xã hội, hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hay trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, bão lũ… thời gian qua. Do vậy, việc rà soát để bổ sung phạm vi xác định các khoản đóng góp được giảm trừ là cần thiết”, Bộ Tài chính phân tích.

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng ghi nhận ý kiến cho rằng cần nghiên cứu cho phép người nộp thuế được trừ một số khoản chi trong năm ở mức độ phù hợp như các khoản chi phí về y tế, giáo dục trước khi tính thuế.

“Qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, hầu hết pháp luật thuế thu nhập cá nhân của các nước đều có quy định về việc giảm trừ theo các hình thức và cách thức khác nhau. Về phân loại, các nước thường chia thành ba nhóm sau: giảm trừ chung cho cá nhân người nộp thuế; các khoản giảm trừ cho người phụ thuộc, như giảm trừ cho con, cho vợ hoặc chồng, cho bố, mẹ...; các khoản giảm trừ có tính chất đặc thù (ví dụ, giảm trừ cho chi phí y tế, giáo dục…)”, Bộ Tài chính đặt vấn đề.

Trong khi đó, pháp luật về thuế thu nhập cá nhân của Việt Nam đã quy định cho phép giảm trừ đối với hai nhóm đầu: cho người nộp thuế và người phụ thuộc.

Đối với các khoản giảm trừ đặc thù, đây là các khoản giảm trừ mà người nộp thuế được hưởng khi đáp ứng được một số tiêu chí nhất định, ví dụ như chi tiêu cho các khoản mà Nhà nước khuyến khích (ví dụ cho y tế, giáo dục…). Theo đó, phạm vi các khoản giảm trừ này ở các nước cũng rất đa dạng.

Theo Bộ Tài chính, trên thế giới, có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... để khuyến khích người dân tham gia các dịch vụ này; có quốc gia cho phép giảm trừ các khoản chi phí về y tế, chi phí giáo dục của con hoặc có quốc gia cho phép giảm trừ đối với các khoản lãi tiền vay mua nhà trả góp... chẳng hạn như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia.

“Nhằm phát huy tốt vai trò, ý nghĩa của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc điều tiết thu nhập nhưng có tính đến điều kiện, hoàn cảnh của người nộp thuế, cần thiết phải rà soát, nghiên cứu bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù khác trước khi tính thuế cho cá nhân người nộp thuế”, Bộ Tài chính khẳng định.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng lưu ý, phạm vi các khoản chi được giảm trừ và mức độ được giảm trừ cần phải được cân nhắc, tính toán phù hợp để vừa đạt được mục tiêu đề ra nhưng cũng không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân dưới phương diện là một công cụ điều tiết thu nhập, thực hiện phân phối lại.

GIẢM TRỪ GIA CẢNH BAO NHIÊU THÌ VỪA?

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện nay, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Với mức giảm trừ này thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công ở mức 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay mức 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sau khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì hiện nay cũng chưa phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tại báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 do Tổng cục Thống kê công bố cho biết, thu nhập bình quân đầu người/tháng của Việt Nam trong năm 2023 (theo giá hiện hành) là 4,96 triệu đồng và nhóm hộ có thu nhập cao nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất) có thu nhập bình quân là 10,86 triệu đồng/tháng/người.

Do đó, mức giảm trừ cho người nộp thuế hiện nay (11 triệu đồng/tháng) là bằng hơn 2,21 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người (cao hơn nhiều so với mức phổ biến mà các nước đang áp dụng), tương đương thu nhập bình quân của nhóm 20% dân số giàu nhất.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính thừa nhận, mức giảm trừ gia cảnh hiện hành được áp dụng từ năm 2020 đến nay nên cũng cần thiết phải rà soát, đánh giá lại để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp với các điều kiện mới. Mức giảm trừ gia cảnh cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn vừa qua cũng như dự báo cho thời gian tới đây, đồng thời không làm giảm vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong hệ thống thuế.

“Mức giảm trừ “quá cao” sẽ làm mờ vai trò của chính sách thuế thu nhập cá nhân trong việc thực hiện các chức năng của sắc thuế này (đảm bảo công bằng xã hội và điều tiết thu nhập) và vô hình sẽ đưa chính sách thuế thu nhập cá nhân trở lại “chính sách thuế đối với người có thu nhập cao” như giai đoạn trước đây”, Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Chia sẻ với báo chí về lập luận trên của Bộ Tài chính, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Văn phòng luật sư NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho hay, quan điểm như vậy thiếu tính thuyết phục.

"Các sắc thuế nói chung có hai chức năng chính, đó là nguồn thu cho ngân sách và điều tiết các quan hệ kinh tế - xã hội. Về chức năng điều tiết thu nhập, việc đánh thuế nhằm để người thu nhập cao có cả điều kiện lẫn nghĩa vụ để nhường một phần thu nhập của mình vì lợi ích của người thu nhập thấp. Về bản chất, dù gọi tên luật thế nào thì nguyên lý ấy cũng không thay đổi", ông Lập nói.

Ngoài ra, vị luật sư này cũng chia sẻ từ góc độ lập chính sách rằng, không nghĩ Luật Thuế thu nhập cá nhân hay bất cứ luật thuế nào được lập ra để phục vụ riêng mục tiêu thực thi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, là cơ quan quản lý ngân sách quốc gia. Hơn thế, đó là công cụ của cả bộ máy nhà nước trong việc xây dựng nền kinh tế và quản trị quốc gia. Chính sách thuế luôn cần sự đồng bộ và hài hoà với các chính sách khác.

Luật sư nêu ví dụ, chẳng hạn, khi xem xét để ấn định mức miễn thu và giảm trừ gia cảnh, rất cần liên hệ đến bối cảnh chung, theo đó Nhà nước không còn bao cấp về các dịch vụ công như y tế, giáo dục như trước đây. Nếu coi mức giảm trừ gia cảnh với 4,4 triệu đồng là phù hợp thì các nhà lập chính sách thuế có tính đến các chi phí cho giáo dục, y tế mà người dân nói chung, mỗi gia đình hiện nay phải gánh chịu ngày càng cao hay không? Thậm chí, các chi phí đó đã trở thành khoản chi thường xuyên lớn nhất đối với các gia đình có con ở độ tuổi đến trường.

"Từ việc được miễn, giảm thuế, mỗi gia đình sẽ có có thêm nguồn lực tài chính để đầu tư vào học hành và chăm sóc sức khoẻ cho con trẻ để có thể bồi dưỡng, xây dựng cho đất nước có một đội ngũ lạo động chất lượng cao trong tương lai. Như vậy, việc ngân sách nhà nước thu được ít đi sẽ có tác động tích cực về dài hạn, đó là sự phát triển bền vững về con người và nguồn nhân lực", ông Lập nêu quan điểm.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế đón cơ hội từ hai “cuộc cách mạng”

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Doanh nghiệp cần sẵn sàng tâm thế đón cơ hội từ hai “cuộc cách mạng”

Chủ trì Chương trình Bữa sáng Doanh nhân cuối cùng trong năm 2024, TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA nhiều lần nhấn mạnh những tác động tích cực của hai “cuộc cách mạng” hứa hẹn tạo bước đột phá đối với sự phát triển của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp…

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

Chuyến công tác và những thỏa thuận hợp tác với VACOD-HBA được đối tác Nga, đặc biệt là chính quyền thành phố Saint Petersburg hết sức coi trọng. Những hoạt động của đoàn tại Nga đã gây được ấn tượng sâu đậm với các đối tác Nga...