Chính phủ kiến tạo - nhân dân khởi nghiệp

Theo đại diện cộng đồng doanh nghiệp, “Chính phủ kiến tạo” là thông điệp có sức lay động vô cùng lớn và tinh thần “Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp” sẽ định hình tương lai đất nước.
Chính phủ kiến tạo - nhân dân khởi nghiệp

Xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ” là thông điệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra ngay từ sau khi nhậm chức. Đây cũng là chủ đề xoay quanh cuộc trao đổi giữa Báo điện tử Chính phủ với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc trong những ngày cuối năm.

Ông Vũ Tiến Lộc nói: Thông điệp có sức lay động vô cùng lớn này đã tác động mạnh tới nhận thức của các cấp chính quyền, các cán bộ, công chức và toàn xã hội.

Thủ tướng đã liên tục làm việc với các địa phương, các bộ ngành để thúc đẩy việc thực thi yêu cầu nói trên. Theo cá nhân tôi, khi tinh thần Chính phủ kiến tạo chưa trở thành nhận thức, chưa đi vào hành vi và trở thành văn hóa của mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ, khi quan hệ giữa các cán bộ chính quyền và doanh nghiệp, người dân chưa hoàn toàn là mối quan hệ phục vụ, thì việc truyền tải thông điệp, thúc đẩy thay đổi nhận thức, “truyền lửa” cải cách là vô cùng quan trọng. Niềm tin xã hội, niềm tin thị trường được củng cố, xác lập trước hết là do những việc làm của người đứng đầu Chính phủ.

Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực thực thi thông điệp mạnh mẽ trên bằng nhiều giải pháp, hành động cụ thể. Từ góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp, ông có “hiến kế” gì thêm?

Cho đến nay, tôi cho rằng quyết tâm đã rất cao, những thông điệp đã rất rõ ràng, chương trình hành động cũng đã khá đầy đủ. Muốn thực hiện hiệu quả thì phải có những mô hình và “công nghệ” cụ thể. Ví dụ, muốn cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, công khai hóa, minh bạch hóa, thì Chính phủ điện tử là một mô hình, một công nghệ.

Trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng có rất nhiều công nghệ cải cách, như áp chuẩn mực thế giới, đặt ra những mục tiêu có thể đo lường, định lượng được. Hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, hay vai trò của Văn phòng Chính phủ, của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong việc điều phối, cùng các Bộ ngành xử lý các vấn đề vướng mắc khi xây dựng 50  nghị định về điều kiện kinh doanh hồi giữa năm ngoái cũng là một mô hình, một công nghệ làm việc. Chúng ta cần nhiều hơn những mô hình, công nghệ như vậy.

Riêng với cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng có một số điểm cần lưu ý. Thứ nhất, hoạt động xúc tiến đầu tư cần được tiến hành theo hướng liên kết tất cả, tránh phân tán như hiện nay. Những địa phương thành công trong thu hút đầu tư đều có những mô hình xúc tiến đầu tư theo hướng liên kết, do một lãnh đạo tỉnh trực tiếp chỉ đạo chứ không giao riêng cho một sở ngành nào phụ trách, thậm chí có nơi như Vĩnh Phúc, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo Trưởng Ban chỉ đạo xúc tiến thương mại, đầu tư.

Trung tâm hành chính công là một mô hình tốt, nhưng không có nghĩa và cũng không nhất thiết là phải đưa tất cả các cơ quan hành chính tập trung lại một nơi với trụ sở hoành tráng. Người dân chỉ cần nơi tiếp dân, nơi tiếp nhận hồ sơ phải là một chỗ, các nhân viên công quyền từ các cơ quan khác nhau nhưng cùng làm thủ tục đó cùng ngồi một chỗ để giải quyết cho dân. Mô hình Chính phủ điện tử kết hợp với mô hình trung tâm hành chính công như vậy sẽ tạo thuận lợi lớn cho người dân và doanh nghiệp, giảm rất nhiều cơ hội nhũng nhiễu của công chức.

Đặc biệt, rất cần nhân rộng những mô hình, những cơ chế tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp. Nhiều địa phương đã lập những cơ chế để các doanh nghiệp, hiệp hội có thể tham gia góp ý trực tiếp, thậm chí phát biểu tại “công đường” về những vấn đề liên quan tới doanh nghiệp. Mô hình “cà phê doanh nhân” ở Đồng Tháp là điển hình mà Thủ tướng đã biểu dương và Chính phủ đã yêu cầu các địa phương phải định kỳ đối thoại với doanh nghiệp ít nhất 6 tháng một lần. Rồi những mô hình cho phép người dân, doanh nghiệp có thể “chấm điểm” chính quyền.

Một quốc gia khởi nghiệp thì tinh thần khởi nghiệp phải đi vào cuộc họp của chính quyền các cấp, như các cuộc họp của Chính phủ, coi việc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển là nhiệm vụ trọng tâm.

Thủ tướng đã “truyền lửa” cải cách, những mô hình và công nghệ cải cách cũng đã xuất hiện không ít, cần được nhân rộng hơn nữa. Một đặc điểm của các mô hình, các công nghệ là khi áp dụng chúng, cán bộ, công chức, bộ máy dù có muốn hay không cũng phải làm, và bảo đảm rằng khi làm theo đúng như vậy thì sẽ cho ra kết quả tương ứng. Trong kinh doanh, các doanh nghiệp có thành công hay không cũng nhờ mô hình kinh doanh, mô hình quản trị.

Nhưng việc áp dụng các mô hình, công nghệ mới cũng có thể gặp những trở ngại, thưa ông?

Về mặt cơ chế, tôi nghĩ Chính phủ rất sẵn sàng cho thí điểm những cách làm mới và thực tế, Thủ tướng đã cho phép phân cấp, ủy quyển rất mạnh, như với TPHCM. Thủ tướng cũng nói rằng “cơ chế là do chúng ta nghĩ ra mà lại sợ nó, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý”.

Còn về mặt ngân sách, việc thuê ứng dụng công nghệ thông tin là một mô hình mà Chính phủ đã cho phép. Tại Quảng Ninh, chính quyền đã bắt đầu thuê trụ sở. Các tập đoàn lớn trên thế giới cũng đi thuê nhà, vì như vậy có lợi hơn là tự xây dựng. Như vậy, không chỉ giảm được gánh nặng ngân sách, mà nhà nước còn “rảnh tay” để làm những việc khác, trong khi lại tạo được thị trường cho khu vực tư nhân phát triển.

VCCI sẽ nỗ lực trong việc tham gia “truyền lửa” cải cách về các địa phương. Trước mắt VCCI sẽ cùng các tỉnh thành xây dựng một bộ tài liệu xúc tiến đầu tư theo hướng chuẩn mực, nêu rõ tại sao nên đầu tư vào Việt Nam và Việt Nam có thể cung ứng gì cho thế giới. Chính phủ cũng đã coi năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ tiêu pháp lệnh khi yêu cầu các địa phương phải đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu và có giải pháp cụ thể để cải thiện từng chỉ số PCI. VCCI sẽ tích cực thúc đẩy quá trình này, thậm chí đưa chỉ số này tới tận cấp huyện, cấp xã, một số nơi đã làm điều này, như Quảng Ninh.

Tinh thần kiến tạo, tinh thần khởi nghiệp đang lên cao. Theo ông, điều  đáng băn khoăn nhất hiện nay là gì?

Năm 2016 đã đi vào lịch sử kinh tế Việt Nam như là năm đầu tiên xác lập kỷ lục thành lập doanh nghiệp vượt ngưỡng 100.000 doanh nghiệp. Bằng việc hăng hái hơn trong việc thành lập doanh nghiệp, người dân đã bỏ phiếu cho Chính phủ. Niềm tin vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy. Đó là dấu ấn quan trọng nhất của Chính phủ mới trong những ngày tháng đầu tiên.

Theo khảo sát của VCCI, niềm tin của người dân vào cơ hội kinh doanh ngày càng tăng lên. Cứ 5 người trưởng thành được khảo sát thì có 1 người có dự định sẽ khởi sự kinh doanh trong 3 năm tới. Tỷ lệ người cho rằng doanh nhân là đối tượng xã hội được coi trọng cũng tăng lên. Cả hai tỷ lệ này đều nằm trong top 20 của 60 nền kinh tế được khảo sát.

Tuy nhiên, cũng theo khảo sát trên, điều đáng lo là năng lực kinh doanh của người Việt lại thấp hơn mức trung bình của 60 nước. Khả năng quản trị đang là vấn đề với những người kinh doanh tại Việt Nam. Trong báo cáo về doanh nghiệp Việt Nam năm nay, VCCI sẽ đặt ra vấn đề này.

Muốn cải thiện năng lực kinh doanh, thì về lâu dài, hệ thống giáo dục và đào tạo phải có đột phá, sự chuẩn bị nguồn nhân lực phải đi trước kế hoạch phát triển.

Xu hướng tất yếu phải là thành lập doanh nghiệp thay vì các hộ kinh doanh cá thể hay cá nhân kinh doanh. Bởi bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay đòi hỏi sự minh bạch, với hệ thống quản trị và kế toán chuẩn mực. Để thúc đẩy các hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, thì phải phát triển mạnh các thị trường dịch vụ hướng dẫn kinh doanh, dịch vụ kế toán.

Lâu nay chúng ta nói nhiều đến doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng tôi cho rằng cần hết sức lưu ý tới khối doanh nghiệp siêu nhỏ và các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Vừa rồi tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định nền tảng thể chế mà Chính phủ đang tập trung mọi nguồn lực, khả năng để xử lý phải bảo đảm tính toàn diện, bao trùm, trao cho mọi người dân cơ hội đóng góp vào thành công tăng trưởng kinh tế và hưởng lợi xứng đáng với thành quả đó.

Thách thức lớn nhất đối với quá trình hội nhập là không để ai bị bỏ lại phía sau và những doanh nghiệp siêu nhỏ (bao gồm cả các hộ, cá nhân kinh doanh) dễ bị bỏ rơi, bởi vì họ quá nhỏ và không đạt chuẩn mực, khó kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu. Nhưng họ cũng có cơ hội rất lớn trong bối cảnh thương mại điện tử, kinh tế tri thức phát triển mạnh. Một cá nhân như Nguyễn Hà Đông cũng có thể tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia thương mại quốc tế. Chính sách cần hỗ trợ để họ hướng tới các chuẩn mực.

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề trọng yếu, mang tính sống còn với một quốc gia như Việt Nam. Nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với lĩnh vực này, đầu tư vào nông nghiệp vẫn rất khiêm tốn?

Nông nghiệp thực sự là một thế mạnh của chúng ta, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Rất đáng mừng là nhiều tập đoàn lớn đã khẳng định sẽ đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng theo tôi, đáng mừng hơn là hiện tượng nhiều cử nhân, thậm chỉ cả những giáo sư, tiến sĩ, sau khi học hành bài bản ở các thành phố đã quyết định về quê lập nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhắc nhở, đừng để nông nghiệp bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Thủ tướng cũng yêu cầu, không chỉ những tập đoàn lớn mà bất kỳ ai đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ ở bất kỳ tỉnh nào, địa phương nào, cũng cần được ủng hộ.

Vừa rồi, tôi có lên thăm ông Trần Lệ, tiến sỹ ngành công nghệ sinh học, người đã làm được một điều mà người Nhật rất muốn làm nhưng thất bại, đó là để cây anh đào sinh trưởng, phát triển tốt và ra hoa tại Việt Nam, cụ thể là tại Điện Biên. Bởi ông tiến sĩ này hiểu rõ khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí địa lý… của đất nước mình, điều mà người Nhật không thể. Và nếu như ông ở cùng thời đại với Mai An Tiêm, thì ông sẽ thất bại, nhưng ngày nay, với internet, thì việc làm ăn của ông gần như không có rào cản. Ngay lập tức, người Nhật đã đặt hàng ông.

Tôi cho rằng bên cạnh vai trò xây dựng luật chơi, Nhà nước cần làm bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển, phát hiện và  hỗ trợ những mô hình như vậy. Một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ sẽ tạo nền tảng vững chắc để người dân khởi nghiệp, tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp. Tôi tin, tinh thần doanh nghiệp, tinh thần “Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp” sẽ định hình tương lai đất nước này.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Theo VGP NEWS

Có thể bạn quan tâm