Hội nghị có sự tham gia của Lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, các đại sứ và trưởng phái đoàn đại diện các nước EU, cũng như các hiệp hội và doanh nghiệp tiêu biểu của cả Việt Nam và EU.
Để bảo đảm việc thực thi Hiệp định được đầy đủ, đồng bộ và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực thi Hiệp định của Chính phủ với 5 nhóm nội dung lớn gồm:
Thứ nhất, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU.
Thứ hai, công tác xây dựng pháp luật, thể chế.
Thứ ba, thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực.
Thứ tư, chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp.
Cuối cùng là chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Mỗi nhóm công việc này được xây dựng với những nội dung, hành động chi tiết được phân công cho từng Bộ, ngành với thời gian triển khai cụ thể. Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương cũng đã trình bày về sự chuẩn bị của Bộ, ngành, địa phương mình đối với việc thực thi Hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng của Thủ tướng Chính phủ, Hội nghị cũng thảo luận, trao đổi nhằm đề xuất giải pháp về 6 nhóm vấn đề lớn liên quan đến: Công tác truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng; các giải pháp đề tận dụng hiệu quả cam kết; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp; các yêu cầu về phát triển bền vững; vấn đề về phát triển hạ tầng cơ sở để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả; và vấn đề về cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU.
Kết thúc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương cần chủ động và tích cực hành động hơn nữa trong việc triển khai Kế hoạch thực thi EVFTA; tăng cường cơ chế phối hợp, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình áp dụng và triển khai các cam kết theo Hiệp định; chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực về quản lý Nhà nước trong hội nhập kinh tế quốc tế; đẩy mạnh công tác phổ biến tuyên truyền; và ban hành kịp thời các văn bản pháp luật, nội luật hóa các cam kết, hướng dẫn thực thi Hiệp định EVFTA.
Đối với các hiệp hội, doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, chú ý hơn đến việc bảo đảm các nghĩa vụ xã hội, tiêu chuẩn lao động và nguyên tắc bảo vệ môi trường.
Chính phủ sẽ làm vai trò kiến tạo phát triển, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi, định hướng, khuyến khích doanh nghiệp nỗ lực hành động để có thể nắm bắt được các cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại, Thủ tướng cũng khẳng định.
Với việc Hiệp định EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01 tháng 08 năm 2020, Hội nghị là cam kết của Việt Nam đối với đối tác thương mại hàng đầu – Liên minh châu Âu, cũng như của Chính phủ đối với người dân, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định EVFTA.