Chờ đợi sự phục hồi xuất khẩu nhờ Hiệp định EVFTA

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nửa cuối năm 2020, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có thể tăng trưởng khả quan hơn so với quý II/2020 khi nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế.
Chờ đợi sự phục hồi xuất khẩu nhờ Hiệp định EVFTA

Một trong những lý do để đưa ra nhận định về sự hồi phục nêu trên, theo Cục Xuất nhập khẩu, xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể hy vọng từ việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát tại Châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm/xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU để khai thác thị trường này.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, trong bối cảnh hiện nay, đại diện Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu. Bộ đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp không chỉ để tháo gỡ khó khăn cho giao thương, xuất khẩu mà còn hướng tới duy trì hoạt động sản xuất hiệu quả.

Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cũng cho rằng, xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đối diện với các yếu tố khó lường khi tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn và sẽ khó đạt được kết quả tích cực như các năm trước.

Diễn biến tình hình thực tế cho thấy xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Mất việc làm, thu nhập giảm khiến nhu cầu của người tiêu dùng cho sản phẩm nhập khẩu khó có thể sớm cải thiện. Dự báo cho năm 2021 sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến phòng, chống dịch và mở cửa lại nền kinh tế trên thế giới.

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát, tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 122,8 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu giảm 2,9%, đạt 117,3 tỷ USD.

Về thị trường xuất khẩu, ngoại trừ thị trường Châu Mỹ, xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều giảm so với cùng kỳ: châu Á đạt 60,78 tỷ USD, giảm 2,5% (trong đó ASEAN đạt 10,95 tỷ USD, giảm 18,7%); châu Âu đạt 20,33 tỷ USD, giảm 9,3% (trong đó EU-27 đạt 16,49 tỷ USD, giảm 6,8%); Châu Phi đạt 1,14 tỷ USD, giảm 3,7%; Châu Đại Dương đạt 1,86 tỷ USD, giảm 2,2%.

Trong bối cảnh khó khăn chung, tín hiệu tốt là xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước vẫn duy trì mức tăng trưởng khá, 6 tháng đầu năm 2020 đạt 42,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 6 cũng thể hiện sự hồi phục ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát với con số xuất khẩu đạt 22,6 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước và tăng 17,6% so với tháng 5/2020.

Xem thêm

Dự kiến xuất khẩu 80.000 tấn vải thiều: Chưa thể vui mừng?

Dự kiến xuất khẩu 80.000 tấn vải thiều: Chưa thể vui mừng?

Tại Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020, tỉnh Bắc Giang lạc quan về sự tăng trưởng tốt của ngành vài thiều. Dự kiến 80.000 tấn vải thiều được xuất khẩu trong năm nay. Nhưng điều đó chưa thể giúp vải thiểu Việt Nam “rộng cửa” hơn...

Có thể bạn quan tâm