Chủ tịch FLC: “Chúng tôi chỉ làm cáp treo Sơn Đoòng khi đầy đủ pháp lý và có đồng thuận”

Đây là chia sẻ với cổ đông của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC (mã: FLC) tại Đại hội cổ đông thường niên sáng 24/4/2017.
Chủ tịch FLC: “Chúng tôi chỉ làm cáp treo Sơn Đoòng khi đầy đủ pháp lý và có đồng thuận”

Dự án cáp treo cách Sơn Đoòng 3km

Một thông tin “nóng” được cổ đông chất vấn lãnh đạo FLC là FLC đầu tư hệ thống cáp treo vào hang Sơn Đoòng – một hang động tự nhiên lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đầu tư cáp treo vào hang động này đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó lo ngại xâm hại tới cảnh quan tự nhiên…

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC xác nhận, tập đoàn có đầu tư một dự án quần thể nghỉ dưỡng ven biển tại huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đây sẽ là dự án quần thể lớn nhất của FLC từ trước đến nay và kết nối trực tiếp với hang Sơn Đoong. Bản thân tỉnh Quảng Bình cũng nhận định sự đầu tư của FLC sẽ tạo ra kết nối và động lực thu hút du lịch tới điểm thăm quan nổi tiếng này.

Được biết, FLC dự kiến đầu tư cáp treo ở vị trí cách cửa hang Sơn Đoòng khoảng 3km. Từ đây, du khách sẽ tiếp tục đi theo đường bộ để tiếp cận vào hang. Theo lãnh đạo FLC, tập đoàn sẽ nghiên cứu, tính toán phương án đầu tư cáp treo không làm xâm hại cảnh quan tự nhiên ở khu vực hang Sơn Đoòng, bảo đảm cảnh quan vẻ đẹp vốn có.

“Đến cuối năm 2016, FLC mới quyết định đầu tư vào dự án cáp treo. Song quá trình nghiên cứu cụ thể, chúng tôi nhận thấy việc kết nối di chuyển vào hang Sơn Đoòng này rất khó khăn. Mỗi ngày cũng chỉ giới hạn không quá 20 người vào hang này và đây là hình thức du lịch cực kỳ mạo hiểm. Do đó, nếu không có cáp treo tiếp cận trực tiếp vào hang Sơn Đoòng thì khó có thể khai thai du lịch tới địa điểm này được giống như kim cương đen dưới đáy biển”, ông Quyết chia sẻ.

Dự lường những khó khăn khi đầu tư dự án lớn này, ông Quyết khẳng định: “Chúng tôi đã quyết định đầu tư và yêu cầu tỉnh Quảng Bình làm đầy đủ các thủ tục pháp lý. Chỉ khi nào có được sự đồng thuận của các bên liên quan thì FLC mới thực hiện đầu tư tuyến cáp treo vào hàng Sơn Đoòng. Mặc dù tỉnh Quảng Bình rất tha thiết kêu gọi FLC đầu tư nhưng chúng tôi sẽ làm khi đầy đủ thủ tục và có được sự đồng thuận”.

Về kế hoạch đầu tư dự án Casino hơn 2 tỷ USD tại đảo Ngọc Vừng, Quảng Ninh, cổ đông cũng chất vấn tiến độ triển khai, quy mô vốn và hiệu quả đem lại ra sao?

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho hay, đây là dự án tiềm năng lớn và FLC đánh giá có hiệu quả cao. Tiếp nối dự án quần thể FLC Hạ Long, tập đoàn quyết định đầu tư sâu vào tỉnh Quảng Ninh với 2 dự án, gồm: toà tháp đôi Hạ Long với 60 tầng, đã được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư. Và dự án quần thể nghỉ dưỡng, casino tại đảo Ngọc Vừng do FLC và Công ty CP Xây dựng FLC Faros (mã: ROS) cùng đầu tư.

Giá cổ phiếu FLC dưới giá trị thực

Nhiều nhà đầu tư, cổ đông chất vấn HĐQT vì sao giá cổ phiếu FLC giảm sâu, dưới giá trị thực?

Ông Quyết chia sẻ, bản thân ông cũng không hài lòng khi giá cổ phiếu FLC ở dưới giá trị suốt 2 năm qua. Năm 2016, tập đoàn chỉ tăng vốn cho cổ đông hiện hữu với giá trị tăng vốn 1.081 tỷ đồng, dù dự định tăng vốn 1.600 tỷ đồng. Thực tế, giá cổ phiếu FLC có lúc rớt dưới 4.900 đồng/CP (thời điểm tháng 1/2017.

“Giá cổ phiếu FLC hiện vẫn dưới giá trị là do FLC là cổ phiếu của thị trường, có thanh khoản cao nhất và số lượng cổ đông lên tới hàng trăm nghìn người. Bất kể doanh nghiệp làm ăn ra sao, cứ thị trường xuống là nhà đầu tư ào ào bán xuống cổ phiếu. Ngược lại, khi cổ phiếu tăng giá thì lại đổ xô mua FLC”, ông Quyết phân tích và khuyến nghị cổ đông nên giữ vững ý chí, giữ cổ phiếu FLC lâu dài. Bởi ai giữ cổ phiếu trong vòng 1 năm đều có giá trị gia tăng.

Theo ông Quyết, khi đầu tư vào cổ phiếu thị trường, cổ đông FLC phải chấp nhận cuộc chơi giá cổ phiếu giảm rất sâu, hoặc sẽ tăng rất mạnh. Có những cổ đông sáng nắm giữ hàng triệu cổ phiếu, một phút sau đã bán hết sạch rồi đến chiều lại ào ào mua lại, làm tăng thanh khoản rất cao nhưng giá lại giảm sâu…”

Nhắc lại lời hứa “Tôi sẽ bỏ tiền mua cổ phiếu FLC nếu giá tiếp tục giảm”, ông Quyết khẳng định đã thực hiện cam kết mua vào số lượng lớn cổ phiếu trong năm 2016. Gần đây nhất, ông tiếp tục tuyên bố mua 10 triệu cổ phiếu FLC trong tháng 4/2017. Tuy nhiên, “việc mua cổ phiếu của chủ tịch FLC cũng chỉ cải thiện được một phần nào đó giá cổ phiếu FLC thôi. Nhưng tôi sẽ tiếp tục mua vào cổ phiếu. Hiện, chúng tôi đang đàm phán với các quỹ ngoại và những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ cam kết đầu tư lâu dài. Và cố gắng nắm giữ trên 50% số lượng cổ phiếu FLC”, ông Quyết nói.

Faros và FLC sẽ về một nhà?

Về tin đồn FLC và FLC Faros sáp nhập, ông Quyết vẫn bỏ ngỏ khả năng hai công ty “về chung một nhà”. “Chúng tôi sẽ nghiên cứu và nếu có sáp nhập thì sẽ đảm bảo quyền lợi của các cổ đông. Khi nào có thông tin cụ thể thì chúng tôi sẽ công bố chính thức tới cổ đông”, ông Quyết báo cáo với cổ đông.

Trong khi đó, “người em” sinh sau là ROS lại liên tục “gây bão” trên thị trường khi sau nửa năm, tăng một mạch từ mức 16.000 đồng/CP lên mức đỉnh 177.000 đồng/CP hồi tháng 3/2017. Hiện giá giao dịch 161.500 đồng/CP. Tuy vậy, các nhà đầu tư, cổ đông tỏ ra lo ngại về giá trị thật của ROS khi kết quả lợi nhuận kinh doanh và EPS ở mức thấp, không tương xứng…

Giải thích với cổ đông, ông Quyết nói, “thực ra, các cổ đông lớn đang nắm trên 75% cổ phần ROS và chúng tôi không bán ra cổ phiếu nên xu hướng giá ROS sẽ khó xuống, chỉ có tăng lên. Tôi tin cổ phiếu ROS sẽ không dưới giá hiện tại”. Từ diễn biến giá cổ phiếu FLC trồi sụt, giảm sâu do mức độ thị trường quá lớn, ban lãnh đạo sẽ tìm cách để giá FLC sẽ đi lên như ROS./.

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...