Ngày 26/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - mã chứng khoán: PLX) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Tại đại hội, trả lời cổ đông về vấn đề cạnh tranh với thị trường xe điện, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex cho biết, trong những năm gần đây, số lượng xe điện bán ra rất nhanh nhưng thị phần ô tô điện hiện nay chỉ chiếm trên dưới 1%.
"Tỷ lệ này chỉ thay thế một phần cho xe nhỏ, xe gia đình dưới 8 chỗ. Tuy nhiên, chưa thể thay thế các xe vận chuyển hàng hóa, xe tải, container, xe hạng nặng, xe bồn cũng như giao thông đường thủy, hàng không và đường sắt", ông Thanh nói.
Đại diện Petrolimex đánh giá, xăng dầu vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, hàng không. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, tại Việt Nam trong 5 – 7 năm tới có lẽ sẽ có sự cạnh tranh đáng kể giữa thị trường xăng dầu và xe điện.
Việc đầu tư và phát triển hệ thống trạm xe điện hiện nay chủ yếu là của VinFast. Họ xây dựng chỉ để sạc cho xe điện của VinFast. Vài năm qua, Petrolimex cũng có hợp tác với VinFast dưới vai trò là đối tác cung ứng hạ tầng của trạm sạc.
“Vì vậy, chúng tôi đánh giá trước mắt việc phát triển xe điện chưa có tác động gì tới kinh doanh xăng dầu nói chung của thị trường xăng dầu Việt Nam cũng như Petrolimex nói riêng”, Chủ tịch Petrolimex khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Thanh cũng cho rằng xe điện là xu thế đang phát triển, đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Để chuẩn bị cho giai đoạn chuyển tiếp sắp tới, Tập đoàn sẽ đặc biệt quan tâm đến việc cung cấp các loại hình năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh sạch, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu bay bền vững…
Đồng thời, nghiên cứu các cơ hội đầu tư phát triển thị trường trạm sạc xe điện của Việt Nam và dịch vụ gia tăng tại hệ thống cửa hàng xăng dầu của Petrolimex.
Với câu hỏi Petrolimex có được lợi từ việc Hải Hà Petro bị loại khỏi thị trường, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex thông tin, theo thông báo, đây là một thương nhân đầu mối mà thời gian vừa qua Bộ Công Thương có thu hồi giấy phép về thương nhân đầu mối.
Tuy nhiên, về mặt thương nhân về kinh doanh xăng dầu, Hải Hà Petro vẫn tổ chức hoạt động kinh doanh. Khác với thương nhân đầu mối, thương nhân kinh doanh không thực hiện được việc nhập khẩu.
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Công Thương, Petrolimex với tư cách là một doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí chủ đạo trên thị trường kinh doanh hạ nguồn chắc chắn sẽ làm nhiệm vụ tham gia đảm bảo nguồn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây là trách nhiệm của Petrolimex.
Từ việc dừng thương nhân đầu mối với Hải Hà Petro, ông Năm tin rằng với thương hiệu của Petrolimex, thương hiệu hàng đầu Việt Nam về kinh doanh hạ nguồn, các thương nhân nhượng quyền trước đây thuộc hệ thống phân phối của Hải Hà Petro sẽ tìm đến Petrolimex.
“Chắc chắn Petrolimex có thương hiệu, khả năng đảm bảo nguồn hàng tốt, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ. Với thương hiệu và việc làm của mình, tin rằng các thương nhân kinh doanh khác tự lựa chọn, trong đó cũng có một phần của Petrolimex”, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex phát biểu.
Liên quan đến kết quả hoạt động, năm 2023, sản lượng xăng dầu xuất bán là gần 14,4 triệu m3/tấn, tăng 11% so với kế hoạch; doanh thu hợp nhất đạt 273.979 tỷ đồng, tăng 44% so với kế hoạch; lợi nhuận đạt 3.947 tỷ đồng, tăng 22%. Tỷ lệ chi trả cổ tức là 15%.
Năm 2024, trong bối cảnh tình hình không thuận lợi, Petrolimex đặt ra kế hoạch về sản lượng xăng dầu xuất bán là hơn 13 triệu m3/tấn, bằng 91% so với năm 2023; doanh thu hợp nhất là 188.000 tỷ đồng, bằng 68%; lợi nhuận là 2.900 tỷ đồng, bằng 74%; mức chia cổ tức là 10%.