Rời “vòng tay” Petrolimex, PGBank lần đầu báo lỗ

Khoản lỗ gần 5 tỷ đồng trong quý 4/2023 đã kéo lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của ngân hàng PGBank giảm xuống còn hơn 355 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với năm liền trước và chỉ thực hiện 67% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2023...

pgbank1-5547.jpeg
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thịnh vượng và Phát triển

Là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý 4 và cả năm 2023, song Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank, mã chứng khoán: PGB) gây bất ngờ khi báo lỗ gần 5 tỷ đồng trong quý 4/2023. Quay lại thời điểm cùng kỳ, ngân hàng này từng ghi nhận lãi trước thuế gần 119 tỷ đồng.

LẦN ĐẦU BÁO LỖ QUÝ

Cụ thể, trong quý 4/2023, thu nhập lãi thuần của PGBank đạt gần 348 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, các nguồn thu ngoài lãi đều sụt giảm so với cùng kỳ.

Điển hình như lãi từ hoạt động dịch vụ của PGBank giảm 60% trong quý vừa qua, xuống còn hơn 10 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của ngân hàng giảm 32%, xuống còn 22 tỷ đồng.

Đồng thời, các hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư đều ghi nhận kết quả bất khả quan hoặc báo lỗ. Theo đó, ngân hàng lỗ 10,3 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 25,9 tỷ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối khiến PGBank lỗ 4 tỷ đồng, trong khi cùng quý 4 năm ngoái lãi 17,2 tỷ đồng. Tương tự, mảng chứng khoán đầu tư của ngân hàng ghi nhận khoản lỗ 3,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng giảm tới hơn 80%, xuống còn 10,8 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận thuần từ kinh doanh của ngân hàng chưa đạt đến 87 tỷ đồng, giảm 49%.

Thêm vào đó, PGBank phải trích lập 91 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 4/2023, tăng 75% so với cùng kỳ dẫn đến ngân hàng này báo lỗ hơn 4,6 tỷ đồng trong quý cuối năm 2023. Đáng chú ý, thời điểm quý 4/2022, PGBank lãi trước thuế 119 tỷ đồng.

Theo giải trình của lãnh đạo PGBank, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý 4 của ngân hàng này suy giảm là do giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ trong khi chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng tập trung vào tháng cuối năm 2023. Ngoài ra, PGBank đã chi trả thù lao cho cộng tác viên giới thiệu khách hàng vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, khiến chi phí hoạt động dịch vụ tăng.

Khoản lỗ trong quý 4/2023 kéo lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của ngân hàng này giảm xuống còn hơn 355 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với năm liền trước và chỉ thực hiện 67% mục tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2023.

anh-chup-man-hinh-2024-01-22-luc-215037-4897.png

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của PGBank đã tăng 13% so với đầu năm, lên mức 55.495 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 87%, đạt 1.601 tỷ đồng; tiền gửi tại tổ chức tín dụng khác tăng 27% lên mức 14.270 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng đến 22% và đạt 35.335 tỷ đồng…

Ở phía nguồn vốn, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng mạnh 48% lên 13.568 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng tăng 14% đạt 35.729 tỷ đồng…

Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tính đến cuối năm 2023 ghi nhận gần 950 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với đầu năm. Số trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 0%.

Đến hết năm 2023, tổng nợ xấu của ngân hàng là 906 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 3 lần, nợ nghi ngờ tăng gấp 2 lần. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cho vay khách hàng là 2,56%, không thay đổi so với đầu năm.

“CHIA TAY” PETROLIMEX, “VỀ CHUNG MỘT NHÀ” VỚI TẬP ĐOÀN THÀNH CÔNG

Năm 2023 ghi nhận nhiều biến động trong cơ cấu sở hữu của PGBank. Trước hết là sự kiện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thoái vốn khỏi ngân hàng này vào đầu tháng 4/2023 và và thu về 2.568 tỷ đồng từ việc đấu giá công khai toàn bộ 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương với 40% vốn điều lệ.

Đến tháng 10/2023, PGBank đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023. Tại đại hội, PGBank trình cổ đông thông qua phương án cơ cấu và nhân sự cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đại hội được diễn ra sau khi ngân hàng này xuất hiện 3 cổ đông lớn mua lại 40% cổ phần từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), gồm Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và phát triển thương mại Gia Linh (13%), Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát (14%) và Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức (13%). Trong giai đoạn này, nhân sự thượng tầng của PG Bank liên tục thay đổi sau khi Petrolimex thoái vốn.

Đáng chú ý, ba tổ chức nói trên đều có mối liên hệ đặc biệt với một doanh nghiệp ngành ô tô, đó là Tập đoàn Thành Công.

Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát là cổ đông sáng lập của PL Iro, một thành viên trong hệ sinh thái doanh nghiệp của gia đình chủ tịch Thành Công là ông Nguyễn Văn Tuấn. Vợ chồng ông Nguyễn Toàn Thắng - em trai ông Tuấn sáng lập và sở hữu vốn PL Iro.

Công ty Vũ Anh Đức do ông Vũ Văn Nhuân là Chủ tịch, cũng là một nhân sự của Thành Công. Ông Nhuân từng được biết trong vai trò Giám đốc Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng. Công ty với cơ cấu cổ đông gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công (chiếm 60%), Công ty Cổ phần Hyundai Thành Công Việt Nam (chiếm 25%) và Công ty TNHH TCG Land (chiếm 15%).

Tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ hơn 99% vốn điều lệ công ty. Được biết, ông Dũng từng có thời gian làm Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Sản xuất xây dựng công nghệ Thành Công. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2020 với 3 cổ đông sáng lập, bao gồm ông Vũ Văn Nhuân, Công ty TNHH TCG Land và bà Lê Hồng Anh.

Đáng chú ý, cả 3 doanh nghiệp này đều tiến hành tăng mạnh vốn điều lệ vào tháng 4/2023, thời điểm Petrolimex tiến hành bán đấu giá cổ phần của PG Bank. Trong ngày 28/4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng. Cùng ngày, Công ty Cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức đã tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Tương tự, trong tháng 4, Công ty Cổ phần Quốc tế Cường Phát tăng vốn từ 10 tỷ đồng lên 822 tỷ đồng.

Quay lại với Đại hội đồng cổ đông bất thường, ngân hàng PGBank đã trình cổ đông thông qua phương án cơ cấu và nhân sự cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo kết quả, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới sẽ gồm 6 thành viên: ông Phạm Mạnh Thắng, ông Đào Phong Trúc Đại, bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Đinh Thành Nghiệp, ông Vương Phúc Chính, ông Nguyễn Thành Lâm (Thành viên Hội đồng quản trị độc lập).

Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 3 thành viên: ông Trần Ngọc Dũng, ông Trịnh Mạnh Hoán, bà Hạ Hồng Mai.

Cùng ngày, PGBank đã họp bầu bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Đồng thời, PGBank bổ nhiệm ông Đào Phong Trúc Đại làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Trần Ngọc Dũng được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát của PGBank.

Đáng lưu ý, ông Đại sinh năm 1975, được biết đến là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư PV-Inconess; Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng; Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần Phát triển Khu công nghiệp Việt Hưng. Đây đều là các đơn vị liên quan Tập đoàn Thành Công.

Đến cuối tháng 12/2023, PGBank chính thức đổi tên từ Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thịnh Vượng và Phát triển. Tên tiếng Anh là Prosperity And Growth Commercial Joint Stock Bank. Tên viết tắt là PGBank (tên viết tắt cũ là PG Bank).

Trước đó PGBank cho biết, tên thương mại và logo của ngân hàng đang sử dụng được gắn với cổ đông lớn trước đây của PGBank là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Song, đến thời điểm hiện tại Petrolimex đã thoái vốn tại PGBank và không còn là cổ đông lớn.

Đồng thời, Petrolimex cũng yêu cầu PGBank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023. Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của ngân hàng là việc cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của ngân hàng.

Ngoài ra, PGBank cũng thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đó, trụ sở ngân hàng đặt tại địa chỉ tầng 16, 23, 24 tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.

Theo tìm hiểu, Toà nhà HEAC do Công ty Cổ phần Thiết bị điện Hàm Long làm chủ đầu tư. Trong đó, Công ty Cổ phần Thiết bị điện Hàm Long được thành lập ngày 27/4/2006; và người đại diện pháp luật là bà Lê Hồng Anh sinh năm 1975.

Ngoài ra, bà Lê Hồng Anh còn là đại diện Công ty TNHH Dịch vụ ô tô Thành Công; Công ty TNHH CDA; và Công ty TNHH TCG Land - đơn vị thành viên của Tập đoàn Thành Công.

Được biết, bà Lê Hồng Anh (sinh năm 1975), được biết là Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính kế toán của Hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hội đồng quản trị Thành Công Phạm Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TCG Land. Bà còn là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Thành Công.

Xem thêm

PNJ báo lãi kỷ lục gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2023

PNJ báo lãi kỷ lục gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2023

Lũy kế cả năm 2023, PNJ mang về 33.137 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2,2% so với quý 4/2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.971 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận năm cao kỷ lục của PNJ...

Căng thẳng Biển Đỏ, “bỏ giỏ” cổ phiếu nào?

Căng thẳng Biển Đỏ, “bỏ giỏ” cổ phiếu nào?

Kênh đào Suez (nối liền Biển Đỏ) là tuyến đường biển nhanh nhất giữa châu Á và châu Âu, đặc biệt quan trọng trong việc vận chuyển dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Kênh đào Suez đóng góp khoảng 10% thương mại toàn cầu (17.000 tàu /năm) đi qua mỗi năm...

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...