Chủ tịch PNJ: '7 tháng xin giấy phép xây trụ sở không xong làm sao doanh nghiệp phát triển tốt được'

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ rất bức xúc về việc 7 tháng không xong thủ tục xin phép xây trụ sở mới của công ty.
Chủ tịch PNJ: '7 tháng xin giấy phép xây trụ sở không xong làm sao doanh nghiệp phát triển tốt được'

Trong lần gặp gỡ giới doanh nhân TP. HCM gần đây, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, mục tiêu quan trọng trong năm 2018 của Việt Nam là cơ cấu lại nền kinh tế và tập trung cải cách hành chính.

Ông Lịch khẳng định, nếu không làm tốt được công tác cải cách hành chính, các dự án đầu tư công sẽ tiếp tục chậm tiến độ một cách vô lý như các tuyến metro tại TP. HCM. Bởi lẽ, các thủ tục hành chính phức tạp, chồng chéo và nhiêu khê, tiền cho các dự án công thường chỉ được giải ngân vào dịp cuối năm.

Không phải TP. HCM không có tiền, tiền vay từ Nhật Bản để làm các tuyến tàu điện ngầm đã nằm sẵn trong ngân hàng nhưng sở dĩ đã 10 năm trôi qua chưa có bất cứ tuyến metro nào hoàn tất là do quá trình giải ngân ‘siêu’ chậm chạp, ông Lịch nói.

Những hành động của lãnh đạo TP. HCM kể từ đầu năm 2018 cũng cho thấy sự quyết liệt trong việc cải thiện thủ tục hành chính. Về phần doanh nghiệp, họ cũng đã nhiều phản ánh những bất cập với chính quyền nhưng hiệu quả cho đến thời điểm này vẫn hết sức hạn chế.

Trong suốt buổi gặp gỡ doanh nghiệp, quá nửa tham luận của các chủ doanh nghiệp đều đề cập đến thực trạng “hành là chính” của các cơ quan quản lý nhà nước tại TP. HCM.

Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, theo tiết lộ từ nhiều doanh nghiệp trong buổi gặp mặt lấy ý kiến tham mưu cho thành phố của Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) tổ chức vào cuối tuần qua, các thủ tục hành chính trên địa bàn thành phố vẫn không được cải thiện nhiều.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ đã rất bức xúc về sự chậm chạp của thủ tục hành chính Nhà nước trong việc xin giấy phép xây dựng trụ sở của công ty PNJ.

“Hiện tại, công ty đã hết chỗ ngồi rồi nhưng tôi không biết khi nào Nhà nước mới cấp phép xây dựng trụ sở mới, giúp chúng tôi giải quyết vấn đề. Đất hoàn toàn thuộc sở hữu của PNJ, sạch sẽ, không có vướng mắc với bất kỳ ai hay vấn đề gì về pháp luật. Vậy mà, đã 7 tháng rồi, hồ sơ của chúng tôi vừa mới ra khỏi Sở Quy hoạch kiến trúc, sau này, còn đến Sở Phòng cháy chữa cháy… Với thủ tục hành chính lằng nhằng và chậm chạp như thế, làm sao các doanh nghiệp phát triển tốt”, bà Dung nói.

Cùng chung hoàn cảnh với PNJ là Công ty Thương mại và xây dựng Lê Thành. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành kể: “Chúng tôi đang làm hồ sơ để được hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội tại thành phố. Hồ sơ đã được nộp cách đây 6 tháng, nhưng vẫn chưa ‘ra’, trong khi, có những doanh nghiệp có thể kết thúc trong 1 tháng”.

Còn theo ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Tập đoàn Việt Hương, hiện quản lý 3 khu công nghiệp (KCN) tại Bình Dương, sở dĩ nhiều doanh nghiệp Việt Nam và FDI chọn định cư tại Bình Dương thay vì TP. HCM, phần nhiều bởi vấn đề thủ tục hành chính.

“Nhiều người cho rằng, sở dĩ các KCN và KCX của TP. HCM ế là do giá đất cao. Tuy nhiên, bản thân tôi nghĩ đó không phải là vấn đề chính.

So với các hạng mục đầu tư khác như xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc nguyên vật liệu, chi phí cho giá đất không quan trọng với nhiều doanh nghiệp lớn. Giá thuê đất ở TP. HCM cao hơn Bình Dương một chút cũng chẳng sao! Hơn nữa, hàng hoá có xuất xứ ở TP. HCM được xem là ‘hàng hiệu’.

Vấn đề cốt lõi khiến TP. HCM kém hấp dẫn các nhà đầu tư so với một số khu vực khác như Bình Dương là do thủ tục hành chính. Cùng một thủ tục, ở Bình Dương, các doanh nghiệp có thể hoàn tất trong 10 đến 30 ngày, còn tại TP. HCM có khi 3 tháng chưa giải quyết xong”, ông Chi nói.

Nhận định về vấn đề này, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM (HUBA) cho rằng, thực ra Nhà nước cũng đã có nhiều chủ trương chính sách về cải cách hành chính từ đầu năm, song có vẻ vẫn chưa đến xuống cơ sở hoặc xuyên suốt tất cả phòng ban.

Với tư cách là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp tại TP. HCM, HUBA đã nhận được một số sự giúp đỡ từ các cơ quan Nhà nước, trong lúc hỗ trợ thành viên giải quyết các vấn đề thủ tục khác nhau, trong thời gian gầy đây.

Ông Dũng kể, có một doanh nghiệp không thể mang giấy tờ đất ở quận 7 đi cầm cố cho ngân hàng do trong sổ hồng ghi “đất thổ”. HUBA đã liên hệ với quận 7 và nhờ chính quyền ở đây xác nhận, “đất thổ” tức là đất “thổ cư”. Lãnh đạo quận 7 còn nói với HUBA: trường hợp như doanh nghiệp này ở quận 7 rất nhiều, chẳng biết tại sao, có một khoảng thời gian, trong hơn một ngàn sổ hồng đất quận 7 đều ghi là "đất thổ”.

Chủ tịch HUBA cũng đề nghị HUBA thành lập một ‘bộ phận hỗ trợ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp’ nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và giải quyết thủ tục hành chính.

Theo The Leader

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...