Theo đó, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định các cơ quan liên quan của tỉnh đã tổ chức hỗ trợ xúc tiến, thu hút đầu tư các dự án mới vào tỉnh, bao gồm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, thực tế triển khai nhận thấy còn một số vấn đề ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Cụ thể, đa số các quỹ đất đều chưa có sẵn, còn vướng giải phóng mặt bằng, chưa đồng bộ cơ sở hạ tầng điện, nước, xử lý chất thải. Một số khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay có giá cho thuê đất gắn kết cấu hạ tầng và giá dịch vụ hạ tầng còn cao, như khu công nghiệp Nhơn Hòa, khu công nghiệp Nhơn Hội A, khu công nghiệp Hòa Hội, cụm công nghiệp Cầu Nước Xanh…
Do đó, để đảm bảo diện tích đất sẵn sàng thu hút các dự án mới trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế chủ trì, làm việc với chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, thực hiện rà soát, kiểm tra suất đầu tư, khả năng đáp ứng cơ sở hạ tầng, mức giá cho thuê hạ tầng, tiến độ đầu tư theo quy định.
Đồng thời, cơ quan này phải xây dựng mức giá phù hợp để thúc đẩy thu hút đầu tư, sau đó, tham mưu, đề xuất báo cáo UBND tỉnh Bình Định trước ngày 15/8/2023.
UBND tỉnh cũng giao cho Sở Công thương chủ trì, làm việc với chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, thực hiện rà soát kiểm tra suất đầu tư, khả năng đáp ứng cơ sở hạ tầng, mức định giá cho thuê hạ tầng, tiến độ đầu tư theo quy định tại các cụm công nghiệp.
Ngoài ra, Sở Công thương cần xây dựng mức giá phù hợp để thúc đẩy thu hút đầu tư, tổng hợp diện tích đất sẵn sàng thu hút các dự án mới theo báo cáo của các địa phương; tham mưu, đề xuất báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/8/2023.
Đáng chú ý, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp chưa có quỹ đất sạch.
Cùng với đó, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phải đề xuất giải pháp chuẩn bị quỹ đất sạch, ít nhất mỗi địa bàn từ 20 - 30ha/năm, nhằm đảm bảo diện tích đất sẵn sàng thu hút các dự án mới; báo cáo gửi Sở Công thương trước ngày 12/8/2023 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Theo số liệu của UBND tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút mới 49 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 11.559 tỷ đồng, đạt trên 81,66% so với kế hoạch cả năm 2023 của toàn tỉnh (49/60 dự án).
Tỉnh cũng thực hiện điều chỉnh 51 dự án với vốn tăng thêm 3.770 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thu hút 1 dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư là 81.065 USD; điều chỉnh 4 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 26,28 triệu USD, thu hồi 1 dự án với tổng vốn đầu tư 102 tỷ đồng.
Như vậy, lũy kế, toàn tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,128 tỷ USD. Trong đó, 48 dự án ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 245,628 triệu USD và 38 dự án trong khu công nghiệp và khu kinh tế, với tổng vốn 882,82 triệu USD.