FDI tăng trở lại, Việt Nam thu hút 16,24 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2023

Tính chung 7 tháng năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 41,3% kế hoạch, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới tính đến ngày 20/7/2023 ước đạt 7,94 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước...

Vốn FDI
Vốn FDI

Ngày 29/7, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2023. Theo số liệu từ báo cáo, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 7/2023 ước đạt 58,5 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó bao gồm, vốn Trung ương quản lý đạt 10,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8%; vốn địa phương quản lý 47,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27,6%.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 291 nghìn tỷ đồng, bằng 41,3% kế hoạch năm và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 39,7% và tăng 12,3%). Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 54,1 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% kế hoạch năm và tăng 29,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ảnh chụp Màn hình 2023-07-29 lúc 09.58.27.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 236,9 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% kế hoạch năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, gồm vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 163,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,5% và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 63,9 nghìn tỷ đồng, bằng 45,9% và tăng 10,9%. Vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 51,4% và tăng 3,8%.

Ảnh chụp Màn hình 2023-07-29 lúc 09.59.30.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, vốn đăng ký cấp mới có 1627 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 7,94 tỷ USD, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 38,6% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 6,77 tỷ USD, chiếm 85,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 453,2 triệu USD, chiếm 5,7%; các ngành còn lại đạt 716,6 triệu USD, chiếm 9%.

Ảnh chụp Màn hình 2023-07-29 lúc 10.00.19.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 7 tháng năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 2,36 tỷ USD, chiếm 29,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 1,57 tỷ USD, chiếm 19,8%; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) 850,2 triệu USD, chiếm 10,7%; Đài Loan 641 triệu USD, chiếm 8,1%; Nhật Bản 493,3 triệu USD, chiếm 6,2%.

Vốn đăng ký điều chỉnh có 736 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,16 tỷ USD, giảm 42,5% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,99 tỷ USD, chiếm 82,6% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 660 triệu USD, chiếm 5,5%; các ngành còn lại đạt 1,44 tỷ USD, chiếm 11,9%.

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.852 lượt với tổng giá trị góp vốn 4,14 tỷ USD, tăng 60,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 694 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,38 tỷ USD và 1.158 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,76 tỷ USD.

Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 1,53 tỷ USD, chiếm 37% giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 952,9 triệu USD, chiếm 23%; ngành còn lại 1,66 tỷ USD, chiếm 40%.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam tính chung 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,48 tỷ USD, chiếm 81,8% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 778,3 triệu USD, chiếm 6,7%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 565,5 triệu USD, chiếm 4,9%.

Ảnh chụp Màn hình 2023-07-29 lúc 10.01.19.png
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 7 tháng năm 2023 có 69 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 149,2 triệu USD, giảm 52,5% so với cùng kỳ năm trước; có 17 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 171,4 triệu USD, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ.

Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 320,6 triệu USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 148,6 triệu USD, chiếm 46,3% tổng vốn đầu tư; thông tin và truyền thông đạt 109,3 triệu USD, chiếm 34,1%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 15,7 triệu USD, chiếm 4,9%.

Trong 7 tháng năm 2023 có 22 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Canada là nước dẫn đầu với 150,2 triệu USD, chiếm 46,9% tổng vốn đầu tư; Singapore 109,3 triệu USD, chiếm 34,1%; Lào 26,3 triệu USD, chiếm 8,2%; Cu-ba 11,8 triệu USD, chiếm 3,7%; Israel 6,1 triệu USD, chiếm 1,9%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Bất động sản phía Nam đầy hứa hẹn

Vùng quanh TP.HCM đang nổi lên như một “thỏi nam châm” đầu tư bất động sản nhờ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, quy hoạch rõ ràng và dòng vốn FDI lớn…