Ngày 24/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank - mã chứng khoán: TPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với nhiều vấn đề quan trọng sẽ được trình tới các cổ đông gồm kết quả kinh doanh năm 2024, kế hoạch tăng trưởng năm 2025, chia cổ tức, tăng vốn điều lệ...
CHIA SẺ KHÓ KHĂN VỚI KHÁCH HÀNG
Mở đầu đại hội, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank chia sẻ, năm 2024 là năm nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, về cơ bản có nhiều thách thức. TPBank đã cố gắng hoàn thành toàn diện được các chỉ tiêu kế hoạch được đại hội đồng cổ đông giao.
Sang năm 2025, ông Phú đánh giá, đây cũng là một năm vô cùng thách thức, thậm chí là rất thách thức khi thế giới đứng trước sự phân hóa và sự đối đầu, không chỉ các loại hình chiến tranh truyền thống mà còn cả thương chiến.
Bởi lẽ, chiến tranh thương mại tạo ra sự đối đầu giữa các nước thế giới với nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Giá vàng tăng vượt mọi mốc lịch sử do tìm kiếm kênh trú ẩn. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam với độ mở lớn đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là ngành tài chính ngân hàng tác động sẽ còn lớn hơn.
Song để thể hiện trách nhiệm, vị Chủ tịch này nhấn mạnh, năm 2025 TPBank vẫn quyết tâm đạt 9.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương tăng 18,4% so với năm 2024. Ngoài ra, tổng tài sản năm 2025 dự kiến đạt 450.000 tỷ đồng, tăng 7,6%.
Khi được hỏi thêm về những tác động của thuế quan tới kế hoạch lợi nhuận ngân hàng, ông Phú cho hay, TPBank đã có 3 cuộc họp dài để đánh giá tác động của chính sách thuế quan Mỹ đến nền kinh tế Việt Nam cũng như riêng ngành ngân hàng.
Với việc tin tưởng vào mục tiêu tăng trưởng 8% của Chính phủ. Và đến nay, mục tiêu này chưa có thay đổi thì TPBank cũng quyết tâm thực hiện mục tiêu kinh doanh đề ra, chưa có sự điều chỉnh hay thay đổi.
"Nước đến đâu bắc cầu đến đấy. Chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng và đã có một số kịch bản ứng phó với tác động của chính sách thuế quan Mỹ", ông Phú nói.
Đồng thời, với nhiều kinh nghiệm trong những giai đoạn khó khăn, từng tái cơ cấu ngân hàng thành công cách đây 13 năm, ông Phú cho biết, dù ở bất kỳ kịch bản nào, sẽ luôn ưu tiên thanh khoản và nâng cao khả năng kiểm soát nợ xấu. Do đó, TPBank sẵn sàng chia sẻ, sử dụng lợi nhuận để hỗ trợ cho khách hàng.
"Trong mọi tình huống, mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống sẽ được đặt lên trước mục tiêu lợi nhuận. Kế hoạch kinh doanh có thể không đạt 9.000 tỷ đồng nhưng chúng tôi sẵn sàng chấp nhận giảm lợi nhuận để bù đắp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng tin rằng cổ đông hiểu và ủng hộ điều đó", Chủ tịch TPBank nhấn mạnh.
Thông tin thêm về tác động của thương chiến đối với ngân hàng, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, hiện tại ngân hàng đang có khoảng 10.800 tỷ dư nợ là khách hàng xuất nhập khẩu có liên quan đến thị trường Mỹ. Với những khách hàng này thì doanh số xuất nhập khẩu chỉ chiếm dưới 20% tổng doanh thu, nên mức độ ảnh hưởng không nhiều.
Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), TPBank chỉ dùng dịch vụ thanh toán, mua bán kinh doanh ngoại tệ và các dịch vụ khác còn không vay. Thường các doanh nghiệp này sẽ vay ở các ngân hàng chính quốc như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Do đó, trường hợp này cũng không ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng.
"Tôi đánh giá, chỉ có 2-3 khách hàng đang hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có thể chịu tác động. Tuy nhiên, chúng tôi đã lên phương án để hỗ trợ họ cơ cấu lại sản xuất nếu cần thiết", ông Hưng chia sẻ.
TIẾT GIẢM CHI PHÍ ĐỂ ĐƯA LỢI NHUẬN VỀ ĐÍCH
Song song với việc có thể "hy sinh" một phần lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng sẽ cố gắng tiết kiệm chi phí để hoàn thành trách nhiệm với cổ đông.
Hiện TPBank là ngân hàng đi đầu trong chuyển hướng thành ngân hàng số và đang tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu về ngân hàng số. Việc tiếp tục số hóa, áp dụng công nghệ đã giúp ngân hàng tiết kiệm được chi phí, nhờ đó CIR của ngân hàng năm 2024 giảm còn gần 35% (từ mức hơn 41% năm 2023).
Trong năm 2024, TPBank đã bổ sung 500 robot để tự động hóa quy trình nhờ vậy tiết kiệm được thời gian, chi phí, nhân lực. Theo đó, năm 2024, kế hoạch của ngân hàng là quy mô nhân sự có thể đạt 8.200 người song thực tế, đến cuối năm 2024, nhân sự của ngân hàng chỉ 7.700 người mà vẫn hoàn thành mọi mục tiêu tăng trưởng.
Năm 2025, ngân hàng tiếp tục đổi mới công nghệ, ứng dụng AI trong hoạt động để đổi mới quy trình, tinh gọn bộ máy. Dự kiến, việc đổi mới quy trình, tinh gọn bộ máy sẽ giúp TPBank tiết giảm thêm 300-500 nhân sự, nhờ vậy sẽ tiếp tục tiết giảm thêm chi phí vận hành, tối ưu hóa hoạt động.
Mặt khác, ông Hưng cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước nhiều năm nay luôn định hướng giảm lãi suất cho vay. Vừa qua, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo không tăng lãi suất huy động.
Thực tế, lãi suất cho vay có xu hướng ngày càng hạ, chưa kể bên cạnh đó là các chương trình cho vay ưu đãi đối với một số ngành, lĩnh vực như nông nghiệp, cho vay người trẻ mua nhà... Vì vậy, để duy trì biên lợi nhuận (NIM) và đảm bảo kế hoạch lợi nhuận, TPBank sẽ cố gắng cải thiện chi phí vốn, tăng CASA và có cơ cấu vốn hợp lý.
"Ngân hàng phải tuân thủ rất nhiều chỉ số. Chúng ta có thể huy động vốn ngắn hạn để chi phí rẻ, nhưng còn ràng buộc tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Bộ chỉ số mà ngân hàng tuân thủ rất phức tạp. Do đó, chúng tôi sẽ cố gắng cân đối làm thế nào để hài hoà đủ hiệu quả", ông Hưng nhấn mạnh.
TIẾP TỤC CHIA CỔ TỨC BẰNG CỔ PHIẾU VÀ TIỀN MẶT
Cũng tại đại hội, lãnh đạo TPBank đã trình phương án phân phối lợi nhuận. Cụ thể, lợi nhuận để lại chưa phân phối sau nộp thuế và trích lập các quỹ năm 2024 là gần 4.852 tỷ đồng.
Với số tiền trên, TPBank đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (tức 1 cổ phiếu nhận được 1.000 đồng), đồng thời dự kiến phát hành hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 5 cổ phiếu).
Hiện nay mức vốn điều lệ (tính đến ngày 31/12/2024) của TPBank ở mức 26.420 tỷ đồng, nếu hoàn thành phương án phát hành trên, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng tối đa gần 1.321 tỷ đồng, lên hơn 27.740 tỷ đồng.
Số vốn được tăng thêm dự kiến được sử dụng cho mục đích đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, bổ sung vốn trung dài hạn để phục vụ hoạt động kinh doanh, ...
Như vậy, đây là năm thứ ba liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu. Trước đó, năm 2024 ngân hàng đã chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và phát hành hơn 440 triệu cổ phiếu thưởng. Năm 2023, TPBank chi trả cổ tức bằng tiền mặt lên tới 25% và cổ phiếu thưởng gần 40%.
Về kế hoạch mời cổ đông chiến lược nước ngoài vào để tăng vốn. Lãnh đạo TPBank chia sẻ, hiện tại ngân hàng đã kín room ngoại. Trong trường hợp được tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nước ngoài, vị này khẳng định: "Tôi tin TPBank là ngân hàng có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài".
Sau khi được ban lãnh đạo TPBank giải đáp những thắc mắc, toàn bộ tờ trình đều được Đại hội đồng cổ đông thông qua.