Anh em rất tâm tư!
Đây là nội dung được chủ tịch ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) góp ý nhiều nhất trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật của Luật các tổ chức tín dụng được thảo luận ở tổ chiều ngày 26/5 vừa qua.
Tâm tư của các cán bộ được cử sang tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém là một vấn đề liên quan đến vận hành các ngân hàng yếu kém được ông Thắng nêu ra.
"Thực tế tôi đồng ý với đề nghị của Chính phủ là miễn trách nhiệm nhưng không phải là tất cả. Bởi các tổ chức tín dụng này rất khó khăn nên việc đưa các tổ chức này thoát ra khó khăn không chỉ là trách nhiệm của những người này. Và thực sự là quá khó. Khi được phân công sang, anh em rất tâm tư. Ví dụ VietinBank đưa sang Ocean Bank gần 100 người, bên GPBank cũng khoảng 60-70 người và phải đưa những cán bộ rất tốt sang.
Tuy nhiên khi sang các ngân hàng này vì là ngân hàng 0 đồng thuộc ngân hàng nhà nước và các quy định trả lương thuộc ngân hàng nhà nước. Và những ngân hàng này lại thuộc diện kiểm soát đặc biệt nên tất cả lương, cơ chế bị cắt hết. Các anh em bản thân đã thiệt thòi nhưng còn tâm tư đây là trách nhiệm của nhà nước, đến khi sang vận hành có thoát được ra hay không lại là cả vấn đề", chủ tịch Vietinbank giãi bày.
Trong dự thảo luật, điều mà ông Thắng đề cập đến được nêu trong điều 147: Miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt Cán bộ, công chức, thành viên Ban kiểm soát đặc biệt, người của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia thực hiện phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không phải chịu trách nhiệm khi phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không đạt kết quả không phải do nguyên nhân chủ quan, trừ trường hợp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên ông Thắng cho rằng cần làm rõ hơn miễn trừ trong trường hợp nào, trường hợp nào phải chịu trách nhiệm. "Chúng ta không loại trừ chuyện khi sang với chức trách nhiệm vụ mà anh vận hành sai, cố tình làm sai, vi phạm pháp luật thì đây lại thuộc vấn đề trách nhiệm. Ở đây chỉ có miễn trừ trách nhiệm đối với việc có vực dậy, có đưa được ngân hàng này ra khỏi tình trạng khó khăn hay không", đại biểu quốc hội này góp ý.
Thực tế vấn đề trong nguồn nhân lực tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém đã được Chính phủ chỉ ra trong hồ sơ dự án luật được Chính phủ gửi tới Quốc hội. Theo Chính phủ, việc khuôn khổ pháp lý xử lý tổ chức tín dụng yếu kém chưa hoàn thiện đã gây khó khăn và rủi ro pháp lý cho Ngân hàng Nhà nước nói chung cũng như các cán bộ xử lý trực tiếp nói riêng (bao gồm cán bộ tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, các nhân sự của tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước chỉ định tham gia quản trị, điều hành các ngân hàng mua bắt buộc) khi nghiên cứu, tìm các biện pháp xử lý tồn tại, vướng mắc của các ngân hàng này.
Và trên thực tế có không ít cán bộ xin nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác khi được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm cả việc tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, do pháp luật không có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho các cán bộ này trước các rủi ro pháp lý. Qua đó, tác động lớn đến nguồn nhân lực xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.
Còn nhiều vấn đề mới
Theo ông Thắng, thời gian qua VietinBank được Chính phủ giao nhiệm vụ tham gia tái cơ cấu hai tổ chức tín dụng được ngân hàng nhà nước mua lại với giá 0 đồng là Ocean Bank và GPBank. Thực tế chỉ khi thực hiện mua lại 2 ngân hàng 0 đồng này mới nảy sinh ra các vấn đề mà Luật các tổ chức tín dụng và Luật ngân hàng nhà nước và các luật khác không có. Hiện nay trong các nội dung sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng hoàn toàn mới.
"Ngay cả khi mua 0 đồng thôi dư luận hiện nay vẫn có ý kiến là việc mua như vậy đã phù hợp với quy định của pháp luật chưa. Nhưng ở tình thế nếu chúng ta không thực hiện việc mua 0 đồng ở thời điểm đó thì rất nguy hiểm bởi thực tế 2 ngân hàng này đã mất khả năng thanh toán. Và nếu chúng ta không xử lý, ngân hàng nhà nước không tham gia thì mất khả năng thanh toán cho người gửi tiền.
Theo thống kê của chúng tôi tại thời điểm này riêng Ocean Bank trên 5000 người dân gửi tiền và đa phần là cán bộ hưu trí, nghỉ hưu. Rõ ràng đây là vấn đề rất lớn. Hay như GPBank còn lớn hơn", đại biểu quốc hội này phân tích về sự cấp thiết.
Điều ông Thắng đề cập đến chính là hình thức xử lý với các tổ chức tín dụng yếu kém bao gồm sáp nhập, hợp nhất, buộc phải bán, buộc phải chuyển nhượng cổ phẩn,…Thẩm quyền của các bên liên quan từ Chính phủ đến Ngân hàng nhà nước cho đến quyết định các hình thức xử lý. Điều này từ trước đến nay chưa có.
"Hiện nay chúng ta làm là đang đi trước. Thị trường không nói trước điều gì. Tôi cho rằng sẽ vẫn tiếp tục có những ngân hàng gặp khó khăn và chúng ta phải có hình thức xử lý. Vậy việc ban hành hình thức xử lý, thẩm quyền của các cơ quan cũng rất quan trọng", ông Thắng nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa là mối quan hệ giữa các ngân hàng được chỉ định hỗ trợ và các ngân hàng yếu kém. Lấy ví dụ ngay chính từ Vietinbank, vừa qua quá trình tham gia thực hiện tái cơ cấu của ngân hàng có vấn đề đặt ra là khi ngân hàng nhà nước giao cho Vietinbank tham gia chỉ có mỗi một văn bản đề nghị. Nhưng văn bản này nói về giá trị pháp lý rất thấp. Và đây là 2 pháp nhân hoàn toàn bình thường và khi Vietinbank tham gia hỗ trợ về công nghệ thông tin, cơ sở vật chất,… đều phải làm hợp động cho mượn, cho sử dụng, không ghi nhận vì đây vẫn là hai pháp nhân độc lập.
"Đây là những vấn đề hoàn toàn mới, chúng ta còn 1 kỳ họp nữa để thảo luận nhưng tôi cho rằng ban soạn thảo sẽ làm việc kỹ càng bởi phạm vi điều chỉnh chỉ ở trong 1 số điều khoản. Các vấn đề này gắn rất chặt với nghị quyết xử lý nợ xấu mà chúng ta đang thảo luận", ông Thắng kết luận.
Theo Kim Thủy/ Trí thức trẻ