Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 286,50 điểm, tương đương 0,86%, xuống 33.127,74 điểm. S&P500 trượt 0,72%, đóng cửa ở mức điểm 4.061,22. Nasdaq giảm 0,49%, kết thúc ngày ở mức 11.966,40 điểm. Đây là ngày giảm thứ tư liên tiếp của các chỉ số chính.
Chỉ số Dow Jones di chuyển sang vùng tiêu cực trong năm, giảm 0,06% kể từ đầu năm đến nay. Sự sụt giảm của cổ phiếu Boeing, Disney, Goldman Sachs và American Express đã kéo chỉ số Dow đi xuống.
Trong số 11 chỉ số ngành thuộc S&P 500, có 9 chỉ số giảm điểm, dẫn đầu là chỉ số tài chính giảm 1,29%, tiếp theo là mức giảm 1,26% trong lĩnh vực dịch vụ truyền thông.
Trong lĩnh vực ngân hàng - tâm điểm được chú ý trong ngày - cổ phiếu PacWest Bancorp đã lao dốc 51% sau khi xác nhận họ đang khám phá các lựa chọn chiến lược, bao gồm cả việc bán ngân hàng.
Cổ phiếu của các ngân hàng Mỹ gần đây đã bị ảnh hưởng nặng nề do lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng diện rộng. Western Alliance giảm mạnh gần 39%, với việc giao dịch bị tạm dừng nhiều lần trong phiên. Vào thời điểm thấp nhất, cổ phiếu của ngân hàng đã giảm tới hơn 60%.
Tương tự, cổ phiếu First Horizon Corp đã mất tới 33% khi tập đoàn ngân hàng Toronto-Dominion của Canada đã hủy bỏ thương vụ mua lại trị giá 13,4 tỷ USD.
Comerica và Zion Bancorporation đều mất khoảng 12%. Trong số các ngân hàng lớn nhất của Mỹ, JPMorgan giảm 1,4% và Wells Fargo giảm 4,25%. Chỉ số Ngân hàng Khu vực KBW kết thúc ngày giảm 3,5%, thoát khỏi mức giảm lớn nhất nhất trong phiên là 7%.
“Tình hình bất ổn của các ngân hàng trong khu vực và các điều kiện tín dụng bị thắt chặt đang đè nặng lên thị trường. Các nhà đầu tư cố gắng xem xét lại chu kỳ tín dụng và các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng, cũng như chuẩn bị tinh thần cho một cuộc suy thoái tiềm ẩn có thể xảy ra", ông Zhe Shen, giám đốc điều hành chiến lược đa dạng hóa tại Quản lý đầu tư TIFF cho biết.
Chỉ số biến động CBOE, còn được gọi là thước đo mức độ sợ hãi của Phố Wall, đã tăng tới 21 điểm, mức cao nhất kể từ cuối tháng Ba.
Ở các diễn biến cổ phiếu riêng lẻ khác, Apple Inc giảm 1% ở thời điểm đóng cửa khi các đầu tư chờ đợi báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý sau tiếng chuông.
Qualcomm Inc giảm 5,5% vì dự báo quý ba của nhà sản xuất chip không đạt ước tính, trong khi Paramount Global Inc trượt khoảng 28% sau khi bỏ lỡ ước tính doanh thu quý đầu tiên trong bối cảnh thị trường quảng cáo yếu kém trong mảng kinh doanh TV.
Ngược lại, công ty dược phẩm Moderna Inc tăng 3,2% nhờ doanh số bán vaccine Covid-19 trong quý đầu tiên cao hơn dự kiến.
S&P 500 có 4 mức cao mới và 27 mức thấp mới; Nasdaq ghi nhận 47 mức cao mới và 412 mức thấp mới.
Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ tương đối lớn, với 12 tỷ cổ phiếu được giao dịch so với mức trung bình 10,5 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Với việc các nhà đầu tư ngày càng lo lắng về một cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng và suy thoái kinh tế, các nhà giao dịch chủ yếu kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 7 tới, theo dữ liệu từ Công cụ FedWatch của CME Group.
Vào ngày trước đó (3/5), Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm lên mức cao nhất kể từ 2007 là 5% - 5,25%, tiếp tục góp phần gây căng thẳng tín dụng cho hệ thống tài chính. Mặc dù vậy, chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết vẫn còn quá sớm để nói chắc chắn rằng chu kỳ tăng lãi suất đã kết thúc bởi lạm phát vẫn là mối quan tâm chính.
Về mặt kinh tế, dữ liệu vào cùng ngày 4/5 cho thấy số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng vào tuần trước khi thị trường lao động dần dịu lại trong bối cảnh lãi suất cao hơn, điều đang làm giảm đi nhu cầu trong nền kinh tế. Báo cáo cho biết 242.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã được nộp, tăng 12.000 đơn so với tuần trước.
Báo cáo việc làm tháng 4 vào 5/5 kiến sẽ cung cấp cái nhìn sâu hơn về thị trường lao động. Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự đoán 185.000 đã được bổ sung vào nền kinh tế Mỹ vào tháng trước với tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 3,6%. Vào tháng 3, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tạo thêm 236.000 việc làm trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm.a