Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau báo cáo lạm phát, giá dầu bật tăng 4%

Các chỉ số chính của Phố Wall quay đầu giảm điểm vào 10/10 khi báo cáo lạm phát vượt dự báo khiến các tâm lý các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn…

Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau báo cáo lạm phát, giá dầu bật tăng 4%

Kết thúc phiên 10/10, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 57,88 điểm (-0,14%) thành 42.454,12 điểm, S&P 500 mất 11,99 điểm (-0,21%) còn 5.780,05 điểm và Nasdaq Composite trượt 9,57 điểm (-0,05%) xuống 18.282,05 điểm.

Chỉ có 3 trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500 là tăng điểm vào thứ Năm, dẫn đầu là ngành năng lượng, tăng 0,8% khi giá dầu đi lên.

Ở các diễn biến riêng lẻ, cổ phiếu Delta Air Lines mất hơn 1% do dự báo doanh thu quý thấp hơn kỳ vọng vì chi tiêu du lịch đang chậm lại. Các hãng hàng không khác cũng mất đà, với American Airlines chốt phiên hạ 1,4%.

Cổ phiếu của Pfizer giảm 2,8% khi các cựu giám đốc điều hành của công ty tránh xa chiến dịch chống lại công ty dược phẩm của nhà đầu tư Starboard.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 11,02 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,06 tỷ trong 20 phiên giao dịch gần đây.

Về khía cạnh kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ đã tăng 0,2% vào tháng 9 và 2,4% theo cơ sở hàng năm, cao hơn một chút so với ước tính trước đó từ các nhà kinh tế được khảo sát bởi Reuters. CPI “lõi”, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhỉnh hơn một chút so với dự đoán 3,2%.

Trong một báo cáo riêng được công bố trong cùng ngày, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ cũng tăng lên 258.000 so với ước tính là 230.000 ban đầu cho tuần kết thúc vào ngày 5/10.

“Giới đầu tư đang phân vân giữa dữ liệu CPI mạnh hơn dự kiến và báo cáo đơn xin trợ cấp thất nghiệp yếu hơn dự kiến. Một bên cho thấy lạm phát đang “nóng” lên còn bên kia lại chỉ ra rằng nền kinh tế có vẻ yếu đi. Đây là một kịch bản xấu từ cả hai phía”, Jack Ablin, giám đốc đầu tư của Cresset Capital ở Chicago nhận xét.

Sau khi dữ liệu kinh tế được công bố, các nhà giao dịch đặt cược 80% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm và 20% khả năng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất vào cuộc họp vào tháng 11, theo công cụ FedWatch của CME.

Chủ tịch Fed khu vực Atlanta, Raphael Bostic cho biết ông hoàn toàn thoải mái với việc bỏ qua lượt cắt giảm lãi suất tại cuộc họp sắp tới và thêm rằng tình hình biến động trong dữ liệu gần đây về lạm phát và việc làm có thể khiến Fed giữ nguyên lãi suất vào tháng 11.

Trong khi đó, chủ tịch Fed Chicago, Austan Goolsbee bình luận về những đợt cắt giảm lãi suất dần dần trong một năm rưỡi tới, còn chủ tịch Fed New York John Williams vẫn ủng hộ các biện pháp nới lỏng chính sách trong tương lai.

Thị trường cũng đang chuẩn bị cho mùa báo cáo lợi nhuận quý 3, với các ngân hàng lớn dự kiến sẽ công bố kết quả vào thứ Sáu. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận quý ba của S&P 500 được ước tính là tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu được LSEG tổng hợp.

GIÁ DẦU TĂNG MẠNH TRỞ LẠI

Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã tăng khoảng 4% vào thứ Năm do nhu cầu nhiên liệu của Mỹ tăng đột biến trước khi cơn bão Milton quét qua Florida.

Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 2,82 USD, tương đương 3,7%, lên mức 79,40 USD/thùng, dầu thô WTI của Mỹ tăng 2,61 USD, tương đương 3,6%, lên 75,85 USD/thùng.

Tại Mỹ, quốc gia sản xuất và tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, cơn bão Milton đã quét qua Florida vào ngày thứ Năm. Trước đó, khoảng 1/4 trạm xăng ở tiểu bang đã rơi vào tình trạng hết xăng để bán. Theo báo cáo của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch & Associates, tình trạng gián đoạn nguồn cung xăng dầu ở Florida có thể kéo dài sang tuần tới do ảnh hưởng của bão.

Bên cạnh đó, rủi ro leo thang xung đột ở Trung Đông và các dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng có thể tăng ở Mỹ và Trung Quốc đã hỗ trợ cho giá.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...