Chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch đầy ảm đạm

Chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức thấp hơn trong phiên giao dịch ngày 17/3 khi lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngân hàng và suy thoái kinh tế vẫn thường trực trong tâm trí các nhà đầu tư…
chứng khoán Mỹ

Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều kết thúc phiên giao dịch chìm sâu trong vùng tiêu cực, trong đó cổ phiếu tài chính ghi nhận mức giảm lớn nhất trong số các lĩnh vực chính của S&P 500.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 384,57 điểm, tương đương 1,19%, còn 31.861,98 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 43,64 điểm, tương đương 1,10%, còn 3.916,64 điểm và chỉ số Nasdaq Composite mất 86,76 điểm, hay 0,74%, xuống 11.630,51 điểm.

Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ là 19,41 tỷ cổ phiếu, so với mức trung bình 12,49 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.

Phần lớn áp lực bán tháo hôm 17/3 đến từ lĩnh vực tài chính. Cổ phiếu của First Republic Bank giảm 33% sau khi ngân hàng này thông báo tạm dừng chia cổ tức, đảo ngược đà tăng của một ngày trước đó nhờ gói giải cứu trị giá 30 tỷ USD từ các tổ chức tài chính lớn. 

Trong số các công ty cùng ngành, PacWest Bancorp giảm 19% và Western Alliance giảm 15,1%.

Các ngân hàng hàng đầu của Mỹ như JPMorgan, Wells Fargo và Bank of America giảm gần 4% vào ngày 17/3. Trong tháng qua, cổ phiếu của Wells Fargo và Bank of America đã mất hơn 20%. 

Oliver Pursche, phó chủ tịch cấp cao của Wealthspire Advisors ở New York, cho biết: “Tình trạng bán tháo là một phản ứng hơi thái quá. Tuy nhiên, một số lo ngại về tính thanh khoản tổng thể và khả năng xảy ra khủng hoảng thanh khoản tiềm ẩn là có cơ sở”. 

Những lo ngại đó cũng đã lan sang châu Âu, với ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sĩ Credit Suisse vấp phải những câu hỏi về thanh khoản, khiến các nhà hoạch định chính sách phải vội vã lên tiếng để trấn an thị trường.

Ông Oliver Pursche giải thích: “Không chỉ ở Ngân hàng Silicon Valley hay First Republic, những đợt tăng lãi suất gần đây đang có tác động không nhỏ tới vốn và bảng cân đối kế toán của rất nhiều tổ chức tài chính. Và khi nó chạm tới các doanh nghiệp lớn như Credit Suisse, thì điều đó chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư “đứng ngồi không yên”.

Cổ phiếu giao dịch tại Mỹ của Credit Suisse cũng đóng cửa giảm mạnh hơn 6,9%.

Hiện tại, các thị trường đang hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày (từ 21 đến 22/3) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Trước những diễn biến gần đây trong lĩnh vực ngân hàng và dữ liệu cho thấy nền kinh tế đang suy yếu, các nhà đầu tư đã điều chỉnh kỳ vọng của họ về quy mô và thời gian tăng lãi suất của Fed.

Ông Oliver Pursche nhận định: “Sự biến động trong lĩnh vực ngân hàng gần đây đã làm tăng nguy cơ suy thoái và đẩy nhanh thời gian suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Việc Fed cần xem xét lại hành động của mình là điều đương nhiên, nhưng rõ ràng là mặc dù lạm phát đang chậm lại nhưng nó vẫn là một vấn đề rất đáng lo ngại và cần phải được kiểm soát”. 

Nhìn chung, giới quan sát đến nay đã đặt cược 60,5% vào khả năng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm; trong khi đó 39,5% tin rằng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất hiện tại, trích dẫn thống kê từ công cụ FedWatch của CME Group. 

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.

Giá xăng tuần này không có nhiều biến động

Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều

Thị trường xăng dầu đang chứng kiến những biến động khó lường. Giá xăng tiếp tục tăng giảm trái chiều trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính...