Kết thúc phiên 2/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 610,71 điểm (-1,51%) xuống 39.737,26 điểm, S&P 500 trượt 100,12 điểm (-1,84%) thành 5.346,56 điểm và Nasdaq Composite mất 417,98 điểm (-2,43%) còn 16.776,16 điểm.
Chỉ số S&P 500 đã đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 4/6. Cả S&P và Dow Jones đều chứng kiến mức giảm 2 ngày lớn nhất kể từ tháng 3/2023.
Trong số 11 lĩnh vực chính của S&P 500, chỉ có các ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, tiện tích và bất động sản là tăng điểm. Các nhóm khác, đặc biệt là tiêu dùng tuỳ ý đã giảm mạnh khi cổ phiếu Amazon mất đà, chứng kiến đợt giảm 2 ngày lớn nhất kể từ tháng 6/2022.
Cổ phiếu chip cũng tiếp tục phải chịu xu hướng đi xuống, với chỉ số bán dẫn Philadelphia SE chốt phiên ở mức thấp nhất trong 3 tháng.
Chỉ số Russell 2000 vốn hóa nhỏ giảm 3,52% và đóng cửa ở mức thấp nhất trong 3 tuần.
Trong khi đó, Apple là một điểm sáng hiếm hoi cho thị trường với giá cổ phiếu Nhà Táo tăng 0,69% nhờ báo cáo doanh số iPhone quý 3 tốt hơn dự kiến và dự báo tăng trưởng tích cực.
Chỉ số biến động CBOE, hay còn được gọi là “thước đo nỗi sợ hãi" của phố Wall, vượt qua mức trung bình dài hạn 20 điểm để chạm mốc 29,66 trong phiên - mức cao nhất kể từ tháng 3/2023, trước khi đóng cửa ở phạm vi 23,39 điểm.
Một số nhà giao dịch trên thị trường coi đợt bán tháo cổ phiếu này là cơ hội để vào với giá rẻ hơn. Chuyên gia chiến lược UBS, ông Jonathan Golub, đã nói trong một lưu ý gửi tới khách hàng rằng lợi nhuận thị trường thường cao nhất khi chỉ số VIX được mở rộng và đây có thể là cho một cơ hội mua vào trong ngắn hạn.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ là 14,75 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình 11,97 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, Bộ Lao động Mỹ mới đây cho biết số lượng việc làm phi nông nghiệp đã tăng thêm 114.000 việc làm vào tháng 7, thấp hơn nhiều so với dự báo trung bình của Reuters và cũng thấp hơn so với mức 200.000 việc làm mà các nhà kinh tế cho rằng cần thiết để theo kịp tăng trưởng dân số.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, chạm gần mức cao nhất trong ba năm.
Những dữ liệu mới này một lần nữa làm gia tăng lo ngại về việc nền kinh tế đang chậm lại nhanh hơn dự kiến và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đã mắc sai lầm khi giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 7.
Kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất 0,50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9 đã tăng vọt từ 22% lên 69,5%, theo công cụ FedWatch của CME.
Lamar Villere, quản lý danh mục đầu tư tại Villere & Co. Đặt câu hỏi: "Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhưng vấn đề giờ đây là liệu có phải họ đã chờ đợi quá lâu? Liệu chúng ta có rơi vào suy thoái hay không?”
Dữ liệu việc làm yếu kém cũng đã kích hoạt "Quy tắc Sahm", một thuật ngữ được nhiều người coi là chỉ báo suy thoái chính xác về mặt lịch sử.
GIÁ DẦU CHẠM MỨC THẤP NHẤT TRONG 8 THÁNG
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đóng cửa phiên 2/8 ở mức thấp nhất kể từ tháng 1/2024 sau khi dữ liệu kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều có dấu hiệu yếu kém.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 2,71 USD, tương đương 3,41%, xuống còn 76,81 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 2,79 USD, tương đương 3,66%, xuống còn 73,52 USD/thùng.
Tại mức thấp nhất của phiên, cả hai tiêu chuẩn đều giảm hơn 3 USD/thùng.
Tăng trưởng việc làm ở Mỹ chậm lại nhiều hơn dự kiến trong tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3%, làm gia tăng lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế.
"Chúng ta đã chuyển từ một thị trường do nhu cầu chi phối sang một thị trường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố địa chính trị trong khoảng hai ngày, sau đó chúng ta đã giảm lao dốc vì tất cả các dữ liệu kinh tế này," Tim Snyder, nhà kinh tế trưởng tại Matador Economics nhận xét.
Dữ liệu kinh tế từ Trung Quốc và các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất yếu hơn ở châu Á, châu Âu và Mỹ đang gây áp lực lên khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, từ đó ảnh hưởng đến tiêu thụ dầu mỏ.
Nhập khẩu dầu thô của châu Á trong tháng 7 cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm, bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy giảm ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong khi đó, sản lượng dầu của OPEC lại tăng trong tháng trước, khi phục hồi nguồn cung của Arab Saudi và những đợt tăng nhỏ ở các khu vực khác đã bù đắp cho tác động của việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện từ nhiều thành viên OPEC+.