Báo cáo với cổ đông, Ban điều hành SHS cho biết kết quả kinh doanh năm 2016 tăng trưởng khả quan, trong đó tổng doanh thu đạt 565.9 tỷ đồng, vượt 8% kế hoạch năm. Nhưng lợi nhuận trước thuế đạt 86.6 tỷ đồng, chỉ tương đương 69% kế hoạch. Tỷ lệ cổ tức tỷ lệ 8% bằng tiền mặt.
Năm 2017, công ty đặt mục kinh doanh khiêm tốn chỉ ở mức 626 tỷ đồng tổng doanh thu tăng 11% và lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 42%, đạt 122.7 tỷ đồng. Dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 8%.
Trong quý 1/2017, SHS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt gần 154 tỷ đồng, tăng trưởng gần 60% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu môi giới là một trong những mảng có mức tăng trưởng tốt nhất (gấp đôi cùng kỳ), đạt gần 45 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng trong kỳ đạt hơn 45 tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với quý 1/2016.
Thời gian chia cổ tức dự kiến là tháng 6 tới hoặc có thể nhanh hơn sau khi ĐHCĐ thông qua.
Một nội dung “nóng” được các cổ đông chất vấn là kế hoạch sáp nhập với CTCP Chứng khoán SHB (SHBS). Theo tờ trình của HĐQT, SHS lựa chọn đối tác sáp nhập là SHBS vì hai công ty chứng khoán đang cùng mang thương hiệu với cùng một ngân hàng và có chung cổ đông, có văn hoá doanh nghiệp tương đồng. Dự kiến, SHS sẽ phát hành và hoán đổi cổ phiếu SHBS trong năm 2017.
Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHS cho biết, việc nhận sáp nhập SHBS đã được ban lãnh đạo cân nhắc kỹ. Việc sáp nhập này sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là rủi ro và gánh nặng vì bản thân SHBS đã cải thiện tình hình tài chính, “dọn dẹp” nợ xấu giảm xuống mức không đáng kể. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu sẽ được cân nhắc phù hợp để đảm bảo lợi ích cổ đông.
“Chúng tôi hi vọng cuộc sáp nhập hai công ty này sẽ tạo nên một công ty chứng khoán mạnh và hiệu quả hơn trên nền tảng của SHS, kế thừa toàn bộ các điểm mạnh về nhân sự, hệ thống công nghệ, mạng lưới chi nhánh, khách hàng…” lãnh đạo SHS đánh giá.
Liên quan đến tình hình thu hồi nợ, cổ đông yêu cầu lãnh đạo công ty cho biết cụ thể khoản 280,6 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi là khoản nào và khả năng thu hồi nợ?
Tổng giám đốc Vũ Đức Tiến cho biết, những khoản này phát sinh từ trước khi công ty thực hiện nghiệp vụ cho vay. Khi thị trường chứng khoán đi xuống, các cá nhân vay tiền đã mất toàn bộ tài sản (bao gồm giá trị của các cổ phiếu) nên khả năng thu hồi là bằng không. SHS đã thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản phải thu trên và sắp tới có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp.
Về khoản phải thu khó đòi, thực tế là 343 tỷ đồng, SHS đã trích dự phòng 280 tỷ đồng. Phần chênh lệch còn lại là tài sản của khách hàng vay, tức chỉ còn khoảng 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn các khoản phải thu khác hơn 400 tỷ đồng bao gồm SHB (17,3 triệu cổ phiếu trị giá 173 tỷ), Vận tải xi măng VTV (31,1 tỷ), Tổng công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí VPS (22,6 tỷ), CTCP Chứng khoán TP.HCM – HCM (22 tỷ)./.