Chuyên gia điểm danh những động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam cất cánh trong “năm Rồng”

Tại diễn đàn thường niên kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về kinh tế thế giới năm 2024 và đề xuất một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam...

dien-dan-5034.jpeg
Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024 lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”

Sáng ngày 11/1, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy đã phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức diễn đàn thường niên kịch bản kinh tế Việt Nam lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới”.

CẦN SỚM CÓ KHUNG PHÁP LÝ CHO MÔ HÌNH KINH TẾ MỚI

Tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho biết kinh tế thế giới trong năm 2024 tiếp tục đối mặt với tình trạng bất định, đầy rủi ro, tăng trưởng vẫn trên đà giảm.

Dẫn chứng dự báo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Lực cho biết GDP năm 2023 chỉ đạt 2,6% (thấp hơn mức 3% năm 2022) và tiếp tục chậm lại vào năm 2024 với mức tăng 2,4% trong năm 2024 khi Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm. Ngoài ra, lạm phát (CPI) giảm từ mức đỉnh 8,6% năm 2022 xuống còn 5% cuối năm 2023 và 3,9% cuối năm 2024.

anh-chup-man-hinh-2024-01-11-luc-162030-4437.png

Trong khi đó, các cuộc xung đột địa chính trị tiếp tục phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2024. Hơn thế, sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ; nợ công và nợ tư tăng; rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng; rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu.

TS. Cấn Văn Lực lưu ý: "Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính - tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn. Điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam".

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, ông Lực cho biết Việt Nam được đánh giá tăng trưởng tốt hơn, lạc quan hơn, lạm phát được kiểm soát.

Để tạo đà tăng trưởng cho năm 2024, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế sau giai đoạn dài trùng xuống vì đại dịch, chậm trễ xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém.

Quan trọng hơn, phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới mà điểm nhấn là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu…

1-can-van-luc-7852.jpeg
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia

Đồng thời, đại diện Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia khuyến nghị: “Cần sớm có khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới nhanh hơn, cơ chế thí điểm sandbox được chuẩn bị lâu quá. Bây giờ muốn phát triển khoa học công nghệ, muốn thử cái mới, muốn phát triển mô hình mới phải có cơ chế thử nghiệm để làm”.

Đồng thời, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phải thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, để có chỉ đạo có cơ chế chính sách thực hiện rõ ràng.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh; ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; có kế hoạch cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, cam kết “Zero – carbon” đến năm 2050...

Việt Nam định hướng chiến lược rất tốt nhưng vấn đề những đề án, chương trình, giải pháp cụ thể từng ngành nghề, lĩnh vực rất thiếu. Đặc biệt tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến dự án xanh, liên quan đến lĩnh vực xanh cũng phải thúc đẩy hơn.

"Tăng tính tự chủ tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh mong manh từ bên ngoài, cả doanh nghiệp và các địa phương", ông Lực nói.

Ngoài ra, chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu quốc gia trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cùng với cơ chế liên thông, chia sẻ và quản lý rủi ro dữ liệu...

4 ĐIỂM NHẤN CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2024

Cũng trong khuôn khổ của diễn đàn, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nêu bật 4 điểm nhấn chính sách cho thấy quyết tâm hành động của Chính phủ và Quốc hội nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Đây là những điểm mới trong Nghị quyết số 103/2023/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Chính phủ.

Một là, về phương hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đều nhấn mạnh ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh 16 chữ vàng với 4 thông điệp hành động Kỷ cương Trách nhiệm, Chủ động Kịp thời, Tăng tốc Sáng tạo và Hiệu quả Bền vững.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Theo ông Hiếu, ở đây có các nhóm giải pháp như thúc đẩy kinh tế xanh, bền vững. "Điểm mới là các động lực cho phát triển xanh và bền vững, yêu cầu vốn tín dụng tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi xanh và phát triển bền vững", ông Hiếu nói,

Ngoài ra, liên quan tới việc hoàn thiện thể chế, các Nghị quyết nhấn mạnh vấn đề an ninh năng lượng và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

"Thậm chí trong nghị quyết của Quốc hội đã nói rất rõ một ý là yêu cầu Chính phủ sớm có giải pháp để ưu tiên thu hút đầu đầu tư và đẩy nhanh các dự án xanh, đặc biệt là truyền tải phân phối, đảm bảo cung ứng điện", ông Hiếu nhấn mạnh.

Hai là, các Nghị quyết của Chính phủ và Quốc hội đều nêu bật các giải pháp nhằm tận dụng những thành tựu lớn về ngoại giao kinh tế của năm qua. Trong đó, 2 nhóm giải pháp điểm nhấn là tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo và đào tạo nguồn nhân lực.

"Nghị quyết 103 nhấn mạnh việc tập trung đào tạo, và nêu rõ các con số như phải đào tạo 50-100 nghìn lao động cho công nghiệp chip và bán dẫn, để tận dụng cơ hội mới từ kết quả ngoại giao kinh tế", ông Hiếu cho biết.

Ba là, chú trọng ưu tiên thu hút FDI. Đáng chú ý, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế tối thiểu toàn cầu, song song với đó giao Chính phủ sớm thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thuế thu nhập bổ sung này.Vị chuyên gia này đánh giá, đây là một điểm rất mới!

Cuối cùng và cũng quan trọng nhất để thực thi tất cả các nhiệm vụ, giải pháp này là chính sách hướng tới cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Hiếu, trong Nghị quyết của Quốc hội nhấn mạnh rất nhiều đến Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị, theo đó thúc đẩy động lực của cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng thực sự thực thi các giải pháp.

Nghị quyết cũng yêu cầu phải thực thi một cách đầy đủ, quyết liệt và nhanh chóng Nghị quyết 41 để thúc đẩy động lực và mang lại cho cộng động doanh nghiệp một môi trường đầu tư an toàn, bền vững.

CẮT GIẢM CHI PHÍ, TẠO LẬP KHÔNG KHÍ MỚI CHO NĂM 2024

Một ý kiến khác, bà Dorsati Madani, Chuyên gia Kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam cần thay đổi để phục hồi kinh tế tư nhân, cùng với đó dần phục hồi chi tiêu tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, bên cạnh giao thương quốc tế, thương mại nội địa cũng phải được thúc đẩy.

ba-dorsati-madani-chuyen-gia-kinh-te-cap-cao-cua-ngan-hang-the-gioi-wb-tai-viet-nam-3192.jpeg

“Trong nội tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy đầu tư tư nhân đang ở mức rất thấp. Cùng với đó là xu hướng chững lại trong chi tiêu của người tiêu dùng. Đây là những yếu tố cần thời gian để phục hồi. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần có nhiều chính sách để hỗ trợ các lĩnh vực này”, bà Madani phát biểu.

Bên cạnh các chính sách phục hồi kinh tế tư nhân, bà Madani cũng khuyến nghị Việt Nam tiếp tục chú trọng tới việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số bởi đây là xu hướng tất yếu trên toàn cầu trong thời gian tới.

Còn trong lĩnh vực tài chính, Chính phủ cần thúc đẩy các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh và không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ.

Về phía các ngân hàng, vị chuyên gia WB nhấn mạnh giới ngân hàng cũng phải có kế hoạch hành động để hỗ trợ chiến lược xanh của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp cũng cần được chú trọng.

ong-dau-anh-tuan-pho-tong-thu-ky-truong-ban-phap-che-vcci-2853.jpeg
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, trong bối cảnh thị trường còn nhiều thách thức, đơn hàng giảm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, cần giảm chi phí kinh doanh.

Hiện tại ở nhiều nơi, nhiều chỗ vấn đề chi phí kinh doanh rất cao, nên những giải pháp để giảm chi phí kinh doanh cần phải phát huy triệt để, cần có gói giải pháp tổng thể cho việc giảm chi phí kinh doanh này.

Quốc hội đã chấp thuận giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2024, song việc giảm thuế, phí và các khoản phải nộp cần được tăng cường hơn. Nhưng điều rất quan trọng là những chi phí về thủ tục hành chính, những khoản về thanh tra kiểm tra định kỳ nếu không cần thiết cần tiếp tục phải giảm để hỗ trợ phục hồi và tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới. Đây là những nhóm chính sách vô cùng quan trọng.

Ở chiều hướng khác, rất nhiều doanh nghiệp cảm nhận được khi thực hiện thủ tục hành chính ở các địa phương hiện nay đó là đang có tâm lý đình trệ, chờ đợi khá phổ biến. Vì vậy, cần thúc đẩy, tạo lập được không khí thực thi tốt hơn nữa ở nhiều cấp.

“Đây là những nhóm giải pháp quan trọng trong năm 2024 cần được đẩy mạnh nhằm sốc lại tinh thần, không khí phát triển ở nhiều địa phương”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Có rất nhiều Nghị quyết, nhiều cuộc gặp của Chính phủ song điều này cần chuyển động mạnh xuống cấp địa phương, bộ ngành. Tức là cần một không khí mới cho quá trình phát triển, cho quá trình tăng tốc năm 2024. Bởi nếu chính sách tốt nhưng thực thi không tốt thì hiệu ứng chính sách trên thực tế không cao.

Xem thêm

Quang cảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ban hành gần 13.000 văn bản trong năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024

Với vai trò cơ quan tham mưu tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội, tiên phong trong xây dựng tầm nhìn phát triển của đất nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, triển khai nhiều cải cách, đột phá...

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng

Kinh tế thế giới năm 2024: Thiết lập nhiều "luật chơi" mới trên toàn cầu

Các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển...

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...